Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, việc về đích sớm chỉ tiêu lợi nhuận 2.000 tỷ đồng trong năm nay là có cơ sở. Mặc dù chưa công bố số liệu kinh doanh 9 tháng đầu năm, song lãnh đạo OCB tự tin với mục tiêu lợi nhuận nói trên.
Hai quý đầu năm nay, OCB đã thu về hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả này, theo ông Tùng, một phần là nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu để giảm dự phòng rủi ro và tín dụng tăng trưởng tích cực.
Số liệu kinh doanh 9 tháng ước tính cũng cho thấy bức tranh lợi nhuận tươi sáng của Vietcombank. Ngân hàng cho biết, sau 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt gần 15%, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp và lợi nhuận trước thuế ước tính vượt mức 11.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2017, tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ 2017.
Như vậy, so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế Vietcombank đưa ra đầu năm nay ở mức 12.000 - 13.000 tỷ đồng thì nhà băng này đã sắp chạm đích. Dự báo được đưa ra từ Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), khả năng Vietcombank đạt 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.
Tín dụng đã tăng trưởng ở mức cao trong 3 quý đầu năm, Ngân hàng Nhà nước công bố không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay là cơ hội để Vietcombank tập trung đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ.
Vietcombank dự kiến nâng tỷ trọng thu dịch vụ và phi tín dụng lên 30% trong cơ cấu lợi nhuận; đồng thời, dịch chuyển tín dụng theo hướng chọn lọc các dự án hiệu quả hơn, bán lẻ với biên lợi nhuận cao.
Trong khi đó, TPBank báo lãi trước thuế hơn 1.600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, kết thúc tháng 9/2018, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 4.035 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.613 tỷ đồng, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt trên 11%. Như vậy, TPBank đã hoàn thành xấp xỉ 75% mục tiêu kế hoạch cả năm. Lãnh đạo TPBank tin tưởng hoàn thành mục tiêu 2.200 tỷ đồng trong năm nay.
Kết quả đạt được của một số ngân hàng nói trên phần nào phản ánh đúng kỳ vọng của các tổ chức tín dụng từ cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cuối quý II vừa qua.
Theo đó, có đến 76,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III/2018 và 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong cả năm 2018.
Đồng thời, có 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017, với lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19,05% trong năm 2018.
Bà Dung Vũ, chuyên gia phân tích của StoxPlus cho biết, nửa đầu năm 2018, lĩnh vực ngân hàng đã thu về 35.524,84 tỷ đồng, tương đương 1,53 tỷ USD lợi nhuận ròng, bằng khoảng 64% so với cả năm ngoái, nhờ tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, phát triển hợp tác phân phối bảo hiểm (bancassurance)…
Cổ phiếu ngân hàng vì vậy đã hấp dẫn nhà đầu tư trở lại. Đến tháng 9/2018, cổ phiếu nhóm ngành này đã tăng 22% so với hồi đầu năm.
StoxPlus dự báo EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 29,9% vào cuối năm, dù ngân hàng khó có thể tăng trưởng tín dụng đạt trần 17%.
StoxPlus cũng đưa ra cảnh báo rằng tăng trưởng tín dụng vẫn nhanh, gây áp lực lên tỷ lệ an toàn vốn. Trong năm 2017, chỉ có 6 trong 14 ngân hàng tăng vốn điều lệ thêm 613 triệu USD (chỉ tương đương với 41% kế hoạch).
Theo StoxPlus, tín dụng khó được kỳ vọng tăng cao quý cuối năm nay sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng khi lợi nhuận chủ yếu phụ thuộc tín dụng.
Trong khi đó, ban điều hành nhà băng thận trọng hơn với mức dự báo 35,7%.
Nhận định hoạt động ngân hàng đang đứng trước nhiều thông tin không mấy khả quan khi NHNN đã ban hành chỉ thị không nới thêm room; siết tín dụng bất động sản; lãi suất huy động và tỷ giá có dấu hiệu tăng cùng các nhân tố bên ngoài như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung..., tuy nhiên, lợi nhuận các ngân hàng niêm yết 2018 được ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, sẽ tăng 30% so với năm 2017.