Lợi nhuận ngân hàng chủ yếu đến từ nguồn nào?

(ĐTCK) Các ngân hàng đang rầm rộ báo lãi 3 quý đầu năm với những con số ấn tượng và dự kiến nhiều nhà băng vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm. Bên cạnh nguồn thu chính từ tín dụng, mảng dịch vụ cũng dần cải thiện để đóng góp vào lợi nhuận chung. 
Tuy hoạt động dịch vụ tăng trưởng tích cực, nhưng nguồn thu chính của ngân hàng vẫn đến từ tín dụng. Tuy hoạt động dịch vụ tăng trưởng tích cực, nhưng nguồn thu chính của ngân hàng vẫn đến từ tín dụng.

Đẩy mạnh dịch vụ do cạn room tín dụng

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đầu năm nay vừa được VPBank công bố đạt 6.125 tỷ đồng, doanh thu đạt hơn 22.100 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Dư nợ cấp tín dụng đạt 211.092 tỷ đồng và huy động tiền gửi đạt 212.701 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 11%. Tổng tài sản đạt mức 296.216 tỷ đồng, tăng 17%.

Trước yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng, VPBank cho biết, đã chủ động điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhất là mảng cho vay tiêu dùng, đồng thời cơ cấu lại danh mục cho vay của Ngân hàng và Công ty Tài chính FE Credit phù hợp với hạn mức tín dụng cho phép.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 11.000 tỷ đồng, vượt mức lợi nhuận năm 2017 và sắp chạm đích kế hoạch cả năm 2018, dù không nới chỉ tiêu tín dụng.

Với room tín dụng đã tăng trưởng ở mức 15%, đồng nghĩa với việc khó đẩy mạnh cho vay cuối năm, song theo Vietcombank, việc NHNN không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm là cơ hội để Ngân hàng tập trung đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ.

Năm nay, Vietcombank nâng tỷ trọng thu dịch vụ và phi tín dụng lên 30% trong cơ cấu lợi nhuận, đồng thời dịch chuyển tín dụng theo hướng chọn lọc các dự án hiệu quả, các sản phẩm bán lẻ có biên lợi nhuận cao.

Tại MB, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6.014 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong đó, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 1.688 tỷ đồng và hơn 50% đến từ hoạt động bảo hiểm với khoản lãi 860 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Nguồn thu lớn nhất của MB là thu nhập lãi thuần với 10.430 tỷ đồng, tăng 31% cùng kỳ.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của MB đạt 343.850 tỷ đồng, tăng 9,55% so với đầu năm; tăng trưởng cho vay và huy động vốn từ khách hàng đạt 204.885 tỷ đồng và 232.638 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,2% và 5,66%.

Tại LienVietPostBank, tuy tín dụng tăng chậm do gần cạn room, nhưng kết thúc 9 tháng đầu năm, nhà băng này vẫn lãi hơn 1.000 tỷ đồng trước thuế.

Theo báo cáo tài chính quý III/2018, cho vay khách hàng tính đến 30/9/2018 tăng 14,5% so với đầu năm, lên hơn 115.200 tỷ đồng. Dù vậy, so với quý 2 trước đó, dư nợ tín dụng trong kỳ (sau khi trừ đi giá trị khoản vay đã đáo hạn) chỉ tăng ròng 670 tỷ đồng.

Dư nợ quý III tăng chậm là bởi room tín dụng của LienVietPostBank đã gần cạn, khiến thu nhập lãi suất giảm. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến ngân hàng này giảm 1/3 mục tiêu lợi nhuận năm nay.

Về mảng dịch vụ, LienVietPostBank ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong 9 tháng qua, với mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 83 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa đến từ quý III. 

Dự phòng rủi ro nợ xấu vẫn tăng

Mặc dù lợi nhuận 9 tháng đầu năm cải thiện, song không ít nhà băng vẫn "ngậm ngùi" vì dự phòng rủi ro bào mòn lợi nhuận do nợ xấu còn ở mức cao.

Chẳng hạn, tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế quý III/2018 của Sacombank đạt 318 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ chủ yếu do trích lập chi phí dự phòng rủi ro tăng 4,7 lần, lên mức 664 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm tới 67,5%.

Lũy kế 9 tháng, chi phí dự phòng rủi ro của Sacombank tăng hơn 5 lần, lên 1.178 tỷ đồng, chiếm 47% lợi nhuận thuần. Dù vậy, Sacombank vẫn đạt 1.315 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 28% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 931 tỷ đồng, tăng 21%.

Tính đến cuối tháng 9, nợ xấu của Ngân hàng là 8.067 tỷ đồng, chiếm 3,18% tổng dư nợ cho vay, cho dù đã giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 22%). Trong đó, nợ xấu của Ngân hàng mẹ Sacombank là 2,98% tổng dư nợ.

Saigonbank báo lãi trước thuế 122 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2018 chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 2 lần lên 158 tỷ đồng và thu nhập lãi thuần giảm 4,7% xuống 482 tỷ đồng.

Ba quý đầu năm, tín dụng của Saigonbank tăng trưởng âm (-2,2%), nhưng tỷ lệ nợ xấu lại tăng mạnh, lên tới 6,4% trên tổng dư nợ cho vay, trong khi đầu năm chỉ ở mức 3%. Nợ xấu của Ngân hàng tính đến cuối tháng 9 là 885 tỷ đồng, tăng 110% so với đầu năm.

Tại VietABank, trong quý III/2018, nhờ thu nhập từ tín dụng tăng cao, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 2,4 lần cùng kỳ, đạt 223 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng vọt, đạt 195 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 27,6 tỷ đồng, tăng 117% cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, VietA Bank đạt tổng lợi nhuận trước thuế 138,6 tỷ đồng, tăng 17,8%.

Với SCB, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được nhà băng này duy trì ở mức thấp trong 9 tháng đầu năm nay, lần lượt là 0,94% và 0,52%.

Tuy nhiên, SCB đã trích lập dự phòng tổng cộng 2.528 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với mức trích lập 890 tỷ đồng của năm 2017, bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng trái phiếu VAMC.

Nhờ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tính đến cuối tháng 9/2018 đạt 575 tỷ đồng, cao hơn 24% so với thực hiện cả năm 2017 chủ yếu đến từ mảng thu dịch vụ thanh toán quốc tế, thẻ quốc tế và bảo hiểm (chiếm 64% tổng thu nhập dịch vụ), nên lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm nay của SCB vẫn tương đương với cùng kỳ năm trước, đạt 119 tỷ đồng.

Một chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực tài chính nhận định rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 có thể cao, nhưng tới đây sẽ khó tránh bị ảnh hưởng bởi room tín dụng bị hạn chế, bên cạnh áp lực thực hiện Basel II buộc các ngân hàng phải chuyển hướng trong hoạt động.

Các ngân hàng không thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng sẽ phải phát triển dịch vụ để tăng nguồn thu, song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Mặt khác, chi phí dự phòng của ngân hàng trong thời gian qua được cho là trích lập thấp nên chưa tác động nhiều lên lợi nhuận. Nhưng thời gian tới, mức trích lập nhiều khả năng sẽ tăng lên bởi các khoản cho vay bất động sản mới, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) tiến hành vào tháng 9 vừa qua cho thấy, dự kiến đến cuối năm 2018, có 88,3% tổ chức tín dụng nhận định lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017; 5,3% kỳ vọng lợi nhuận “không đổi” và 6,4% lo ngại lợi nhuận “suy giảm”.

Tính chung, lợi nhuận toàn hệ thống có thể tăng bình quân 18,63% trong năm 2018, thấp hơn so với mức kỳ vọng 19,05% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục