Dòng xe đua nhau né trạm thu phí Điện Bàn, chủ đầu tư lo “bể” phương án tài chính

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545 cho rằng, việc các phương tiện giao thông đi vòng tránh trạm thu phí Điện Bàn, dẫn đến nguồn thu của dự án càng tụt giảm, nguồn thu không đủ trả lãi vay ngân hàng, chưa nói đến nợ gốc.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn, các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545 để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo theo đúng quy định.

Theo kiến nghị của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545, Công ty là chủ đầu tư thực hiện và khai thác Dự án thành phần 1: Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Km947-Km987, tỉnh Quảng Nam theo Hợp đồng BOT số 29/HĐ.BOT-BGTVT ngày 14/5/2014. Trạm thu phí đặt tại Km943+975, tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là BOT Điện Bàn). Thời gian thu phí hoàn vốn bắt đầu từ ngày 1/1/2016. Thời gian đầu, nguồn thu tương đối ổn định, đảm bảo thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay cho ngân hàng đầy đủ, đúng theo như tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT.

Dòng xe đua nhau né trạm thu phí Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chủ đầu tư lo "bể" phương án tài chính.

Dòng xe đua nhau né trạm thu phí Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chủ đầu tư lo "bể" phương án tài chính.

Tuy nhiên, khoảng đầu năm 2018, tình hình thu phí thực tế qua trạm liên tục tụt giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng. Nguyên nhân là việc miễn, giảm giá vé đối với các phương tiện giao thông trên địa bàn lân cận theo chỉ đạo của Bộ GTVT; phương án tăng giá vé theo quy định trong hợp đồng 3 năm một lần chưa được cấp thẩm quyền cho phép áp dụng đúng thời gian; tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác.

Ngoài những nguyên nhân nói trên, vấn đề gây ra việc tụt giảm nghiêm trọng nguồn thu chính là các phương tiện tham gia giao thông thực tế qua trạm thu phí thấp hơn nhiều so với tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT.

Đó là việc hình thành hạ tầng các khu dân cư mới, đường ngang dân sinh theo quy hoạch của địa phương xung quanh trạm thu phí, dẫn đến các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A chạy vòng tránh việc mua vé thu phí qua trạm thu phí. Trong khi trước lúc triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư đã làm việc với địa phương về việc lựa chọn vị trí đặt trạm thu phí và địa phương cũng thống nhất vị trí đặt trạm xa khu dân cư và không trúng vùng quy hoạch để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

“Công ty đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương kêu cứu. Tuy nhiên, đến nay, các cấp vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể nào để giải quyết việc các phương tiện giao thông đi vòng tránh trạm. Việc này dẫn đến nguồn thu của dự án càng tụt giảm (theo số liệu thống kê, đến nay, tình hình thu phí giảm đến 90% so với phương án tài chính hợp đồng BOT), nguồn thu không đủ trả lãi vay ngân hàng, chưa nói đến nợ gốc.

Ngoài ra, đơn vị cũng không có kinh phí để duy trì chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên trên toàn tuyến đang khai thác theo như quy định của hợp đồng BOT; đồng thời doanh thu tụt giảm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Vì vậy, dự án có nguy cơ “bể” phương án tài chính do thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài mà không được trả nợ và doanh nghiệp thua lỗ, âm vốn, dẫn đến phá sản”, ông Thân Hóa, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 545 nêu trong văn bản kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam.

Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, nhằm đảm bảo việc thanh toán nợ vay cho dự án đúng thời gian quy định và tránh quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, cũng như tránh nguy cơ “bể” phương án tài chính đối với dự án, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545 đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam xem xét có giải pháp chỉ đạo xử lý cụ thể tình trạng các phương tiện giao thông đi vòng tránh trạm trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc thị xã Điện Bàn.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục