Thỏi nam châm hút vốn
Tại cuộc họp thường kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 9, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký và bổ sung trên địa bàn Thành phố đạt 673.486 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 30.634 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 372.432 tỷ đồng (tăng 4,1% số lượng doanh nghiệp và bằng 95,5% vốn đăng ký so với cùng kỳ). Có 47.173 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 301.054 tỷ đồng.
Theo số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ trọng cao nhất (37,4%); tiếp theo là xây dựng chiếm 10,2%; Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác chiến 9,8%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 9,6%; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 7%.
Thị trường bất động sản bắt đầu bước vào mùa kinh doanh cuối năm
Tuy nhiên, xét về vốn đăng ký, thì hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (40,7%); tiếp theo là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 15,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,2%; Xây dựng chiếm 10,8%; Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác chiếm 4,5%.
Không chỉ dòng vốn trong nước, lĩnh vực kinh doanh bất động sản TP.HCM cũng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, 9 tháng năm 2018, TP.HCM thu hút 5,47 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần), tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó, góp vốn mua cổ phần đóng góp tới 4,28 tỷ USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.
Trong số vốn đăng ký thông qua góp vốn mua cổ phần, hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có vốn đầu tư nhiều nhất (47,3%). Tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 18,4%; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 9,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 8,2%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,1%.
Triển vọng lớn cuối năm
Với dòng vốn đổ bộ vào bất động sản liên tục tăng trong 9 tháng qua, giới chuyên môn cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp diễn, thậm chí còn mạnh hơn trong những tháng còn lại của năm 2018. Đặc biệt, dòng vốn được kỳ vọng nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Trong những năm gần đây, khẩu vị của các nhà đầu tư ngoại đã thay đổi khi họ nhắm đến các dự án đã có đủ thủ tục pháp lý để có thể hợp tác triển khai ngay, chứ không đầu tư triển khai dự án ngay từ ban đầu.
Cũng theo phân tích từ các chuyên gia, dòng vốn ngoại hiện nay cũng đã phân bổ vào nhiều phân khúc khác nhau bao gồm thương mại, khách sạn, công nghiệp và phân khúc nhà ở thương mại giá tầm trung.
“Theo xu hướng này, có rất nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín. Lợi thế của các chủ đầu tư trong nước đó là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống pháp lý, danh mục các bất động sản đã được xác lập, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án, sẽ làm gia tăng giá trị dự án”, Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam, Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) cho biết.
Cũng theo chuyên gia JLL, hiện tại các quỹ đầu tư tín thác (REITs) đang mở rộng nguồn vốn vào Việt Nam, trong đó điểm quan tâm lớn nhất là TP.HCM. Cụ thể, các thương vụ nổi bật của Pullman Jakarta Central Park Hotel tại Indonesia, Capri by Frasers HCMC và IBIS HCMC tại TP.HCM với tổng giá trị danh mục đầu tư là 130 triệu USD được thâu tóm bởi SHREIT - REIT (niêm yết tại Thái Lan) đã thể hiện sức hấp dẫn của tài sản đầu tư tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Cũng kỳ vọng vào dòng vốn trong nước sẽ khởi sắc hơn trong những tháng còn lại của năm 2018, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - bất động sản cho rằng, ở góc độ nhà đầu tư trong nước, thị trường bất động sản hiện nay đã bắt đầu thay đổi. Sự thay đổi này có thể nhìn trực tiếp vào số liệu mà UBND TP.HCM đưa ra, đó là vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp vào ngành bất động sản liên tục tăng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đã bắt đầu đi đúng hướng mà Chính phủ kỳ vọng, là đi bằng đôi chân tài chính của mình. Tài chính của doanh nghiệp mạnh, thì độ rủi ro cho thị trường sẽ thấp.
“Việc tăng vốn đăng ký mới sẽ giúp doanh nghiệp bớt dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng. Thêm vào đó, sẽ giúp doanh nghiệp đủ năng lực tài chính khi thực hiện những thương vụ M&A quỹ đất để phát triển dự án mới. Đây là điều mà thị trường đang cần, đó là tăng nguồn vốn trong doanh nghiệp, thay vì tăng số doanh nghiệp đăng ký mới”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, còn 3 tháng nữa sẽ khép lại năm 2018. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp chạy đua trong việc phát triển dự án, phát triển quỹ đất để đưa vào báo cáo doanh thu trong năm. Điều này sẽ tạo ra cuộc đua mới trong việc đổ bộ dòng vốn vào thị trường bất động sản. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, dòng vốn đổ bộ vào thị trường bất động sản những tháng cuối năm rất sôi động và theo chu kỳ lặp đi lặp lại.
Còn bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao của CBRE Việt Nam cho rằng, các con số từ vốn đầu tư nước ngoài lẫn vốn doanh nghiệp trong nước đổ bộ vào bất động sản trong 9 tháng năm 2018 chứng minh rằng, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường Việt Nam là rất vững chắc. Bà Dung dự báo, 3 tháng còn lại của năm nay, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận dòng vốn đổ vào và hoạt động M&A sẽ sôi động hơn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com