Vấn đề cấp thiết lúc này là nối lại đường bay
Nhìn nhận về hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc thời Covid-19, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) đánh giá, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra cũng là cơ hội tốt cho Việt Nam. Vượt qua khủng hoảng và thách thức do đại dịch, chắc rằng mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc sẽ bền chặt hơn.
Việc chuyển đổi mô hình sau khó khăn luôn phải đối mặt với những thách thức mới, nhưng nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là việc chống Covid-19 đã củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam - điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.
Đại diện Korcham khẳng định, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ cùng doanh nghiệp Việt Nam thiết lập mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới thời Covid-19. Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên, với nguồn lương thực và ngành công nghiệp chế tạo sản xuất phát triển, do đó lúc này là cơ hội để Việt Nam vươn rộng ra thị trường thế giới.
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, tinh thần chung khi quy định các điều kiện với lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện là bảo đảm hợp lý, rõ ràng cho các nhà đầu tư, áp dụng chung cho các nhà đầu tư, không phân biệt trong nước hay nước ngoài.
Ông Hong Sun và nhiều đại diện ngoại giao phía Hàn Quốc cho rằng, lúc này, vấn đề cấp thiết nhất để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Hàn là nối lại đường bay để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động Hàn Quốc có thể sang Việt Nam làm việc và trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh Wan, thế giới đang đối mặt với khủng khoảng không thể dự báo trước do Covid-19. Do vậy, điều quan trọng hơn hết trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lúc này là cùng nhau ứng phó với các thay đổi do khủng hoảng.
Trong đó, vấn đề tiên quyết cần nhanh chóng tháo gỡ trong quan hệ song phương hiện nay là bình thường hóa giao lưu nhân dân. Ngoài ra, hai bên cần phối hợp đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, nhất là nhu cầu hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Đầu tư tài chính sẽ dẫn sóng
Hậu Covid-19, không riêng nhà đầu tư Hàn Quốc, mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ tìm đến Việt Nam, dù cạnh tranh thu hút đầu tư với các “láng giềng” như Indonesia, Philippines, Thái Lan ngày càng gay gắt.
Theo ông Hong Sun, dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn. Hai giai đoạn trước gắn với dự án đầu tư thâm dụng lao động và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Đến giai đoạn 3, đầu tư từ Hàn Quốc có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp.
Đại diện Korcham cho biết, ngày càng nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng và tài chính của Hàn Quốc tiến vào thị trường Việt Nam. Quy mô dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc cũng ngày càng tăng, không chỉ các tập đoàn lớn, mà những doanh nghiệp nhỏ hay start-up của Hàn Quốc cũng đã đặt chân đến thị trường Việt Nam.
Riêng với lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực chưa hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này, đại diện Korcham khuyến nghị, Chính phủ cần có chính sách cởi mở để phát triển fintech rộng rãi và nếu xảy ra “vấn đề” thì tìm cách xử lý, điều chỉnh pháp luật để quản lý.
“Nếu thiết lập các quy định ‘cứng’ bó hẹp fintech ngay từ đầu, sẽ rất khó cho các doanh nghiệp, nhân tài công nghệ phát huy. Hơn nữa, cần thiết lập được ‘đặc khu’ riêng cho các start-up để bất kỳ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào cũng có thể quan tâm đầu tư”, ông Hong Sun nêu.
Tại buổi tập huấn chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam tổ chức ngày 8/7 tại Hà Nội, các quy định liên quan đến đầu tư tài chính cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trước thắc mắc của đại diện Công ty Tài chính Lotte (Lotte Finance) cùng nhiều nhà đầu tư khác về việc bổ sung 10 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vào Luật Đầu tư sửa đổi mà Quốc hội vừa thông qua, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 10 ngành nghề này trước đây Chính phủ không quy định điều kiện, nay đưa vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, để trên cơ sở đó quy định một số điều kiện cho các ngành nghề đó.
Ông Tuấn lưu ý, Luật Đầu tư (sửa đổi) chưa có hiệu lực, nên chưa quy định điều kiện cụ thể cho các ngành nghề trên. Chính phủ sẽ công bố danh mục các ngành nghề Việt Nam tuyên bố chưa mở cửa và có những ngành nghề đã mở cửa nhưng có điều kiện. Nếu ngành nghề nào không có ở hai danh mục đó thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đầu tư kinh doanh như công dân Việt Nam.
Đối với việc kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng nghị định để quy định các điều kiện kinh doanh dịch vụ này. “Qua trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông, được biết, các quy định điều kiện dự kiến chủ yếu tập trung vào đảm bảo an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của các tổ chức, cá nhân được lưu trữ”, ông Tuấn nói.
Về cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng các quy định và điều kiện cho lĩnh vực này. “Thông tin chúng tôi nhận được là, phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng dự thảo nghị định về vấn đề này và bước đầu lấy ý kiến”, ông Tuấn nói thêm.