Nối dài đà hồi phục
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) - một công ty chuyên sản xuất, gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh có nhà máy ở Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) đã lên kế hoạch mở rộng nhà máy để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo ông Chung Won Seok, Giám đốc Công ty, giai đoạn 2023-2026, Công ty sẽ tăng vốn đầu tư thêm 249 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư của nhà máy lên 600 triệu USD.
Nếu Hana Micron mới đang dự định tăng vốn, dù đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Bắc Giang cuối năm 2021, thì Goertek (Hồng Kông) đã chính thức nhận chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh để tăng vốn đầu tư thêm 400 triệu USD vào trung tuần tháng 1/2021.
Hana Micron Vina đã đi vào hoạt động, năm 2021 đạt doanh thu trên 433 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước trên 41 tỷ đồng. Còn Goertek thậm chí chưa chính thức vận hành nhà máy. Theo kế hoạch, giai đoạn I của nhà máy Goertek, trị giá 100 triệu USD, ở Nghệ An phải cuối năm nay mới đi vào sản xuất. Vậy mà các kế hoạch mở rộng đầu tư đã được bắt đầu.
“Môi trường đầu tư tốt, cộng với chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, thủ tục đầu tư nhanh gọn đã khiến chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư ở Nghệ An”, ông Jiang Hong Zhai, Phó chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek, Tổng giám đốc Goertek Vina nói.
Thực tế, không chỉ Hana Micron hay Goertek, mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã, đang tìm thấy các cơ hội đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam và quyết định dốc thêm vốn vào địa điểm đầu tư hấp dẫn này.
Trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tháng đầu năm 2022, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc đến hai dự án quy mô lớn khác tăng vốn đầu tư. Đó là Dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh và Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD tại Phú Thọ. Chưa kể, Coca-Cola cũng đã đầu tư thêm dự án 136 triệu USD ở Long An.
Những dự án trên đã góp phần đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2022 lên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. “Nối tiếp đà hồi phục của năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng tích cực”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Sự tích cực không chỉ nằm ở số vốn đăng ký tăng, mà cả vốn giải ngân cũng tăng 6,8% so với cùng kỳ, đạt trên 1,61 tỷ USD. Đặc biệt, số dự án mới được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 1/2022 đã tăng gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Không những thế, số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư cũng đã tăng 54,3%, còn số vốn điều chỉnh thì tăng gấp 2,69 lần so với cùng kỳ.
Song tích cực hơn cả là sự gia tăng của khoản đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. Trong tháng 1/2022, có 206 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 6,2% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp đạt 443,5 triệu USD (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ). Trong tháng này, đã ghi nhận góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư Singapore vào Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản MV2 Việt Nam, với tổng giá trị góp vốn 334 triệu USD.
AEON MALL Hải Phòng Lê Chân - nơi UNIQLO lên kế hoạch mở thêm cửa hàng vào mùa hè năm 2022. |
Cơ hội ở phía trước
Dựa trên các động thái của thị trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ mới đây đã nhấn mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.
Cơ sở của nhận định này là các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại được nới lỏng, Việt Nam mở cửa trở lại đường bay quốc tế trong những tháng đầu năm 2022… Quan trọng hơn, Việt Nam có vị trí địa lý gần chuỗi cung ứng của châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao.
Đồng thời, một số nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc…) đang đối mặt với các vấn đề cơ cấu, buộc phải đầu tư ra nước ngoài nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc, mà Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Theo TMX, bên cạnh chi phí vận hành tốt, Việt Nam cũng là một quốc gia đông dân, nhu cầu tiêu dùng lớn, đồng thời có mức tăng trưởng GDP tốt và tình hình kinh tế ổn định. Do vậy, Việt Nam là “vị trí chiến lược” để các công ty đặt cơ sở sản xuất trong khu vực.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, 56,2% doanh nghiệp nhận định triển vọng lợi nhuận kinh doanh được “cải thiện” trong năm 2022 và có đến 55,3% doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, 67% doanh nghiệp châu Âu được hỏi đánh giá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam.
Ngoài ra, theo báo cáo vừa được TMX (công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương) công bố, thì Việt Nam đang là một trong ba thị trường có chi phí vận hành bình quân thấp nhất châu Á, với tổng chi phí vận hành trung bình của một doanh nghiệp tại Việt Nam từ 79.000 - 200.000 USD/tháng. Đây chính là một trong những lý do khiến Việt Nam đang và sẽ tiếp tục là quốc gia thu hút dòng vốn ngoại mạnh mẽ.
Xu hướng tăng tốc đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Thậm chí, không chỉ là dự đoán, Apple, Samsung, Foxconn… đều đã có các kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Kể cả nếu không tính các dự án này, việc Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam, hay kế hoạch tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD của Intel (Mỹ) sẽ là những cơ sở quan trọng để tin chắc rằng, triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo là rất tích cực. Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến với Việt Nam trong thời gian tới.
Và không chỉ là “sẽ”, ngay trước thềm năm mới Nhâm Dần, UNIQLO (Nhật Bản) đã công bố kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Theo đó, mùa hè 2022, một cửa hàng nữa của UNIQLO sẽ được mở tại Trung tâm thương mại AEON MALL Hải Phòng Lê Chân. Cửa hàng này sẽ đánh dấu thêm một cột mốc phát triển của thương hiệu UNIQLO tại Việt Nam, đồng thời góp thêm một lời khẳng định chắc chắn rằng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục và tăng tốc.