Đồng Việt Nam giữ giá tốt nhất trong bão tài chính toàn cầu

(ĐTCK) Cuối tuần trước, Fed đã cấp một loạt hạn mức giao dịch hoán đổi, nghĩa là trực tiếp cung cấp thanh khoản USD cho ngân hàng trung ương một số nước. Động thái mới này đã làm “hạ nhiệt” lãi suất USD trên thị trường, qua đó giúp giá trị của nhiều đồng tiền khác cũng “nhích lên”.
Đồng Việt Nam giữ giá tốt nhất trong bão tài chính toàn cầu

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, giới chuyên gia tài chính - kinh tế nhận định, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất xuống rất thấp, thực tế trên thị trường thế giới, lãi suất USD vẫn đang xoay quanh mức 1%/năm chứ không phải 0%, điều này bao hàm ý nghĩa nhu cầu nắm giữ USD như một tài sản an toàn nhất trên thế giới vẫn đang cao.

Nhìn lại thời điểm khủng hoàng toàn cầu 2007-2008, đó là khủng hoảng về tài chính, bất động sản, còn lần này khủng hoảng là dịch bệnh tác động trực tiếp vào 2 điểm cốt lõi của nền kinh tế là sản xuất và tiêu dùng.

Thực tế, việc các ngân hàng trung ương bơm mạnh thanh khoản không giải quyết được câu chuyện của sản xuất và tiêu dùng. Vấn đề này hiện đang chịu tác động trực tiếp, bởi tất cả các hoạt động của nền kinh tế, xã hội đều buộc phải dừng lại để chính phủ các nước kiểm soát lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, với tâm lý thanh khoản của thị trường rất khó khăn, đặc biệt dòng tiền của các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, dịch vụ dường như bị phá vỡ, nên đều phải gấp rút chuẩn bị cho yếu tố này. Nhu cầu tích trữ tiền mặt là USD đang rất dữ dội, tâm lý tích trữ đồng tiền này đến từ cả cá nhân và doanh nghiệp, thậm chí là chính phủ. 

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB phân tích: “Khi Fed cắt lãi suất, về lý thuyết sẽ làm cho đồng tiền kém hấp dẫn hơn, nhưng trong giai đoạn hiện nay, USD đang tăng giá do hầu hết các nhà đầu tư đều giữ USD. Trong sự hoảng loạn, nhà đầu tư bán các loại tài sản, tìm điểm an toàn và USD là một lựa chọn, nên dẫn đến trào lưu đầu cơ”.

Thực tế, điều này cũng không khó hiểu khi nhìn các đồng tiền châu Á mất giá khoảng 10% và tương tự, đồng bảng Anh, Euro, đô-la Úc cũng mất giá mạnh.

“Won Hàn Quốc mất giá 10%, Rupiah Indonesia 9,4%, Bath Thái Lan 8,3%, đô-la Singapore 7,4%, Ringgit Malaysia 7%, Rupee Ấn Ðộ 4,8%, trong khi VND chỉ mất giá 1% so với đầu năm”, ông Trung thông tin thêm.

Tại Việt Nam, tỷ giá tăng khoảng 1% so với các đồng ngoại tệ khác trong khu vực và thế giới cho thấy, đồng Việt Nam đang giữ giá trị tốt nhất.   

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định: “Tại Việt Nam, tỷ giá tăng khoảng 1% so với các đồng ngoại tệ khác trong khu vực và thế giới cho thấy, đồng Việt Nam đang giữ giá trị tốt nhất.

Thực tế, Việt Nam không thiếu hụt nguồn ngoại tệ, thặng dư thương mại 2 tháng đầu năm và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng rất ổn định. Bên cạnh đó, quan sát trên thị trường không xuất hiện đột biến về nhu cầu từ phía doanh nghiệp, nếu có biến động đi chăng nữa cũng chỉ là chịu tác động tâm lý từ biến động giảm của thị trường chứng khoán, bất động sản…”.

Ngày 20/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm VND-USD ở mức 23.252 đồng/USD (tăng 10 đồng/USD).

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào ở mức 23.175 đồng/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.900 đồng/USD (tăng 11 đồng/USD).

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá ngoại tệ USD so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến mua vào - bán ra ở mức 23.33-23.495 đồng/USD. Vietcombank, BIDV niêm yết tỷ giá mua-bán ở mức 23.335-23.495 đồng/USD; VietinBank là 23.220-23.380 đồng/USD, còn ACB là 23.350-23.470 đồng/USD.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong tình hình hiện nay, không thể kỳ vọng vào tỷ giá sẽ bất động, ổn định quá mức như giai đoạn 2018-2019.

Theo đó, thị trường cần chấp nhận sự biến động nhất định nào đó trong năm nay và mức biến động nhỏ trong khoảng vài phần trăm là một thành công rất lớn của cơ quan quản lý khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực.

“Ðộng thái của Fed lúc này tác động không đáng kể đến tỷ giá USD/VND, song đã cho thấy nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn khó khăn, cùng với lãi suất USD giảm sẽ làm giảm độ hấp dẫn, khiến USD giảm giá. Do đó, áp lực đối với tỷ giá USD/VND dự báo sẽ còn giảm hơn so với trước, nhưng yếu tố tâm lý vẫn có thể làm tăng áp lực tỷ giá”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.

Ông Trung nói: “Thanh khoản của toàn hệ thống rất tốt, mua bán trên liên ngân hàng dễ dàng, nhu cầu của doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ. Tôi luôn tin tưởng rằng, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, cấu trúc chính các chỉ số của nền kinh tế Việt Nam luôn luôn ủng hộ VND, giữ vững giá trị VND trong tương lai”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục