Đồng Việt Nam “tăng giá”, lợi hay hại?

(ĐTCK) Tỷ giá USD/VND có dao động nhẹ sau Tết Nguyên đán, nhưng nhanh chóng bình ổn. Tỷ giá gần như đứng im hơn 1 năm qua, trong khi đồng tiền nhiều nước mất giá. Điều này vô hình chung khiến giá trị đồng Việt Nam tăng tương đối so với nhiều nước.
Trên thị trường tự do tại Hà Nội, giá USD được tham khảo là 23.230-23.250 VND/USD Trên thị trường tự do tại Hà Nội, giá USD được tham khảo là 23.230-23.250 VND/USD

Chỉ số USD-Index, thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với những đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,08% lên 99,037 điểm vào sáng ngày 17/2. Tỷ giá Euro so với USD tăng 0,09% lên 1,0840.USD/EUR, tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,04% lên 1,3052 USD/GBP và tỷ giá USD so với yên Nhật tăng 0,06% lên 109,81 JPY/USD.

Trong khi USD liên tục tăng giá, thì ngược lại, nhân dân tệ lại lao dốc. Vị thế trọng yếu của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến tổng thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 có thể lớn hơn nhiều so với mức 40 tỷ USD của SARS năm 2003. Đây là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế vốn đang có nhiều bất ổn của Trung Quốc. Các chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) dự kiến tiếp tục được mở rộng với tốc độ mạnh hơn so với 18 tháng qua để vực lại nền kinh tế.

Thực tế, trong tháng 1 và những ngày đầu tháng 2/2020, PBoC đã liên tục bơm mạnh tiền trên thị trường mở và Trung Quốc vừa hạ lãi suất cho vay trung hạn để hỗ trợ nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này được cho là sẽ mở đường để giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) - dự kiến công bố vào ngày 20/2, nhưng áp lực giảm giá của nhân dân tệ trong thời gian tới vẫn ở mức cao.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho biết, không chỉ nhân dân tệ, mà nhiều đồng tiền trong khu vực cũng đang giảm giá mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó nổi lên là đồng đô-la Singapore và đồng bath của Thái Lan. Đồng bath sau khi tăng gần 8% trong năm 2019 - mức tăng giá mạnh nhất tại châu Á và đứng thứ 2 toàn cầu (sau Nga), thì hiện quay đầu giảm mạnh.

“Ở thời điểm 31/12/2019, đồng bath giao dịch ở mức 30.2, thì nay ở mức 31.25, có nghĩa là mất giá 3,14%. Tương tự, đồng đô-la Singapore hiện ở mức 1.39, trong khi trước đó là 1.34, tức mất giá 3,3%”, ông Trung tính toán.

Thực tế, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã đẩy USD trên thị trường thế giới bật tăng mạnh. Tỷ giá trong nước vì thế cũng tăng liên tục trong những phiên gần đây.

Phiên giao dịch cuối tuần trước (14/2), tỷ giá mở cửa ở mức 23.240 VND/USD, dao dộng trong biên độ 23.235-23.260 VND/USD và đóng cửa ở 23.244 VND/USD. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 23.215 VND/USD, tăng 9 điểm so với ngày trước đó. Đến ngày 17/2, NHNN công bố tỷ giá trung tâm là 23.218 VND/USD, tăng 3 điểm so với ngày 14/2 với biên độ +/-3%, giá trần là 23.914 VND/USD và giá sàn là 22.522 VND/USD. Tỷ giá mua bán giao ngay của NHNN lần lượt là 23.864 VND/USD và 23.175 VND/USD. Khảo sát thị trường tự do tại Hà Nội, giá USD được tham khảo là 23.230-23.250 VND/USD.

Thực tế cho thấy, trong cả tháng 1/2020, tỷ giá USD/VND gần như đi ngang quanh mức chốt năm 2019, nguồn cung ngoại tệ hết sức dồi dào và NHNN vẫn liên tục mua vào ngoại tệ trong những tuần trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết, do chịu áp lực từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND bật tăng tại cả ngân hàng và thị trường tự do. Chốt tháng, tỷ giá giao dịch trên ngân hàng là 23.100/23.270 VND/USD - tăng tương ứng 20 VND/USD và 40 VND/USD; tỷ giá tự do là 23.200/23.300 VND/USD - tăng tương ứng 30 VND/USD và 120 VND/USD so với cuối năm 2019. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng thêm 39 VND/USD, lên mức đỉnh mới là 23.196 VND/USD, trong khi tỷ giá mua vào của NHNN vẫn được giữ nguyên ở mức 23.175 VND/USD.

“Tỷ giá hiện đã hạ nhiệt, quanh mức 23.230-23.235 VND/USD, nếu so với thời điểm đầu năm là 23.180 VND/USD thì đã tăng 0,2%. Sự điều chỉnh này là bình thường trong rổ các đồng tiền châu Á đang giảm mạnh so với USD, nên VND cũng không là ngoại lệ”, ông Trung nói.

Chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra nới rộng, hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây cho thấy tâm lý thận trọng trước rủi ro tỷ giá đang gia tăng. Thương mại và du lịch giảm sút có thể khiến nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như năm 2019. Tuy vậy, với dự trữ ngoại hối đã tích lũy được trong các năm qua, các chuyên gia kinh tế nhận định, bộ đệm để ứng phó với các biến động tỷ giá là khá vững. Tỷ giá giao dịch trên ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục tăng, nhưng không nhiều, xoay quanh 23.175 VND/USD - là tỷ giá mua vào của NHNN và vẫn cách khá xa đỉnh ghi nhận trong năm qua.

Mặc dù ổn định hơn so với các đồng tiền trong khu vực, song điều này cũng có nghĩa VND thực tế đang tăng giá và điều này sẽ không có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vốn đang khó khăn vì dịch bệnh. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm mạnh trong quý 1/2020. Riêng trong tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm 11,3% so với cùng kỳ do Tết Nguyên đán đến sớm. Cán cân thương mại thâm hụt 100 triệu USD, trong khi 4 năm liền trước đều ghi nhận thặng dư.

“Rủi ro liên quan đến dịch cúm Covid-19 tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu, chứ không riêng các nước châu Á. Nếu khắc phụ được vấn đề này, mọi việc sẽ quay về trạng thái ổn định. Thực tế, tình hình hiện nay vẫn chỉ là vấn đề tâm lý”, ông Trung nêu quan điểm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục