Dòng tiền vẫn duy trì tích cực, cơ hội rộng mở với ngành hạ tầng

(ĐTCK) Tuần qua, VN-Index nối dài chuỗi tăng lên 6 tuần liên tiếp, đóng cửa tại 1.531 điểm, tăng hơn 35 điểm so với tuần trước đó.

Dù áp lực chốt lời và rung lắc xuất hiện rõ khi chỉ số tiến sâu vào vùng kháng cự 1.500 - 1.550 điểm, nhưng dòng tiền vẫn duy trì tích cực, giúp thị trường giữ vững xu hướng đi lên. Thanh khoản ở mức cao, phản ánh dòng tiền vẫn vận động tích cực.

Về động lực tăng điểm, nhóm chứng khoán và ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Đáng chú ý là VJC và HVN bật tăng mạnh, đưa nhóm hàng không trở lại tâm điểm. Nhóm midcap và bất động sản cũng duy trì sức hút với dòng tiền đầu cơ, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng ấn tượng. Tuy nhiên, áp lực từ nhóm Vingroup khá rõ nét, với VIC và VHM kéo giảm tổng cộng 6,5 điểm cho chỉ số. Thêm vào đó là sự suy yếu ở một số mã trụ như TCB, MSN, STB. Dù vậy, độ rộng thị trường tích cực vẫn giúp VN-Index đóng cửa với mức tăng khá tốt.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng gần 1.600 tỷ đồng sau ba tuần mua ròng liên tiếp. Áp lực bán tập trung tại VJC, FPT, HPG, VHM, VCB và GMD. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận lực mua ổn định tại VPB, HDB, FRT, VNM và SSI, cho thấy dòng vốn ngoại có sự phân hóa thay vì rút ra toàn diện.

Khuyến nghị hành động

Thị trường đang ở giai đoạn nhạy cảm khi tiệm cận vùng đỉnh lịch sử. Mặc dù áp lực chốt lời gia tăng, nhưng xu hướng tăng vẫn được duy trì nhờ dòng tiền luân chuyển hợp lý giữa các nhóm ngành dẫn dắt, trong khi áp lực điều chỉnh vẫn trong tầm kiểm soát. Điều này giúp duy trì triển vọng tích cực trong ngắn hạn.

Nếu lực cầu tiếp tục lan tỏa đều và dòng tiền vẫn xoay tua hiệu quả giữa các nhóm dẫn dắt, VN-Index có thể tiếp tục tịnh tiến về mốc 1.550 điểm, đồng thời nâng vùng hỗ trợ ngắn hạn lên 1.500 điểm để đánh giá phản ứng khi xuất hiện rủi ro điều chỉnh.

Nhà đầu tư có thể duy trì quan điểm tích cực, nhưng vẫn nên cẩn trọng hơn với các quyết định giải ngân mới. Không khuyến khích mua đuổi tại vùng giá cao. Ưu tiên giải ngân khi thị trường điều chỉnh, tập trung vào các cổ phiếu có nền giá tích lũy tốt, thanh khoản ổn định và hưởng lợi từ dòng tiền đang xoay tua. Với các mã đã tăng nóng, nên chốt lời từng phần và đặt stop-loss hợp lý để quản trị rủi ro.

Hạ tầng - cơ hội rộng mở

Ngành xây dựng hạ tầng Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, được dẫn dắt bởi làn sóng đầu tư công quy mô lớn và định hướng chính sách quyết liệt từ Chính phủ. Năm 2025 được xem là năm bản lề trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2025 - 2030, với tổng vốn giải ngân dự kiến đạt gần 830.000 đồng, tăng 24% so với kế hoạch cùng kỳ. Đặc biệt, khoảng 60% nguồn vốn này sẽ tập trung cho các dự án giao thông trọng điểm.

Hàng loạt dự án lớn đã và đang được triển khai, tạo ra dư địa tăng trưởng lớn cho ngành. Nổi bật là các dự án Đường vành đai 3 (TP.HCM) và Vành đai 4 (Hà Nội), sân bay Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Bắc - Nam mở rộng, cùng hai tuyến đường sắt chiến lược: Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai và đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Những công trình này không chỉ tạo lực kéo cho mảng xây lắp, mà còn thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng như thép, đá, xi măng và nhựa đường.

Bên cạnh yếu tố vốn, hành lang pháp lý cũng đang được hoàn thiện, với Luật Đầu tư công và Luật PPP (sửa đổi) góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các chính sách tháo gỡ vướng mắc trong khai thác khoáng sản giúp cải thiện nguồn cung vật liệu, đặc biệt là đá xây dựng tại các khu vực trọng điểm phía Nam.

Nhờ nền tảng tích cực đó, ngành xây dựng hạ tầng được kỳ vọng tăng trưởng 13% trong năm 2025. Backlog toàn ngành dự báo tăng 8% so với cùng kỳ, trong khi biên lợi nhuận gộp có thể cải thiện thêm 1 - 1,5 điểm phần trăm nhờ giá trúng thầu cao và chi phí nguyên vật liệu ổn định. Các doanh nghiệp đầu ngành như VCG, HHV, LCG và CTD đang có lợi thế lớn trong việc đấu thầu và triển khai dự án, hứa hẹn mang lại tăng trưởng lợi nhuận bền vững trong trung và dài hạn.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục