Dòng tiền đang chảy vào cổ phiếu ngành dược

(ĐTCK) Được xem là cổ phiếu phòng thủ, nhiều cổ phiếu ngành dược vẫn “âm thầm” duy trì xu hướng tăng từ cuối năm 2015 cho đến nay. 
Nhờ sự dẫn dắt của các mã lớn như DHG, TRA, IMP, nhóm cổ phiếu ngành dược đã có diễn biến tăng giá tích cực
Nhờ sự dẫn dắt của các mã lớn như DHG, TRA, IMP, nhóm cổ phiếu ngành dược đã có diễn biến tăng giá tích cực

Sau đợt sóng mạnh vào khoảng cuối quý I, nhóm cổ phiếu này dường như đã khởi động cho “vòng 2”. Theo một số nhận định, đợt tăng này không hẳn do cổ phiếu ngành dược có “tính phòng thủ”, mà bởi một số mã được kỳ vọng về nới room, kéo theo đà tăng cả nhóm. Ngoài ra, nhà đầu tư đang “săn” cổ phiếu trước đợt công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý II sắp tới.

Tính từ đầu năm đến nay, đa số các cổ phiếu ngành tuy không có thanh khoản quá mạnh nhưng đều tăng giá, trong đó, cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất là DP3, với mức tăng hơn 114%; tiếp đến là DMC, TRA, DCL, DHG... Đợt tăng này được lý giải bởi kỳ vọng của thị trường về khả năng trần quy định 49% đối với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nới rộng. Đồng thời, việc thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là chất xúc tác quan trọng cho biến động giá của các cổ phiếu này, giúp những mã cổ phiếu được khối ngoại ưa thích như DHG, TRA, DMC và IMP đã có đợt tăng giá rất tốt.

Sau sóng tăng mạnh cuối quý I, cổ phiếu ngành dược vẫn duy trì xu hướng tăng cho đến nay, đặc biệt, trong khoảng 2 tuần gần đây, nhóm này đang dần theo đà tăng mạnh trở lại, một vài mã tăng đạt giá trần vài phiên và có lực cầu tốt. Điển hình là DBT, có mức tăng hơn 6.000 đồng/CP, tương ứng hơn 40%; DMC tăng mạnh hơn 15.700 đồng/CP, tương ứng tăng gần 32%. Tương tự, DHG, TRA, DP3, VMD cũng có mức tăng rất tốt.

Dòng tiền đang chảy vào cổ phiếu ngành dược ảnh 1

Theo chuyên gia chứng khoán, sự gia tăng của nhóm cổ phiếu ngành dược đến từ sự dẫn dắt của các mã lớn, kéo theo cả ngành đều tăng. Chẳng hạn, DHG, TRA, IMP… đều được nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II tốt, hay như DMC, ngày 15/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:3. Ngoài ra, kỳ vọng về nới room, mong đợi kết quả khác từ SCIC về việc thoái vốn tiếp tục được xem là “lý do” để những mã cổ phiếu này tăng trở lại.

Xét về kết quả kinh doanh, quý I năm 2016, một số doanh nghiệp đạt kết quả tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. CTCP Dược Hậu Giang (DHG) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 22% so với cùng kỳ, đạt hơn 815 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh lần lượt 23% và gần 32% nhưng lãi sau thuế DHG vẫn tăng trưởng trên 35%, đạt gần 152 tỷ đồng. Nguyên nhân được lý giải là sự tái cấu trúc về hệ thống bán hàng chuyên nghiệp đã mang lại hiệu quả, đồng thời, sự ưu đãi thuế suất 0% trong vòng 4 năm từ 2015 - 2018 cho nhà máy Nonbetalactam đã giúp DHG ghi nhận lợi nhuận tốt.

Dòng tiền đang chảy vào cổ phiếu ngành dược ảnh 2

CTCP TRAPHACO (TRA) có mức doanh thu thuần tăng nhẹ 7%, đạt 494 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng 27%, đạt hơn 50 tỷ đồng. Đối với CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), tính riêng tháng 4/2016, tổng doanh thu và thu nhập của Imexpharm thực hiện được là 94,2 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu thuần tháng 4 đạt 93,8 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tín hiệu doanh thu Imexpharm đã hồi phục mạnh trở lại sau kỳ giảm của quý I.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu và thu nhập của Công ty là 289,7 tỷ đồng, đạt 26,3% kế hoạch năm 2016, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế thực hiện được 4 tháng là 38,0 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch năm 2016, chỉ bằng 85,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, theo thông tin từ IMP, Công ty đã hoàn tất các hạng mục đánh giá nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn EU-GMp. Theo đó, dự kiến nhà máy Bình Dương sẽ chính thức được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn EU-GMP vào quý II năm nay.

Đối với câu chuyện nới room của IMP, lãnh đạo Công ty từng chia sẻ, chống thâu tóm, sáp nhập là vấn đề được HĐQT Công ty hết sức chú trọng. Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại IMP đã gần chạm trần. Thời gian gần đây, một số tập đoàn/doanh nghiệp dược phẩm lớn của nước ngoài đã đặt vấn đề trở thành cổ đông chi phối của Imexpharm. Với cơ cấu cổ đông ngoại chủ yếu là các tổ chức đầu tư tài chính, sẵn sàng thoái vốn khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng, mối e ngại bị tập đoàn dược phẩm nước ngoài thâu tóm khi “chốt chặn” 49% với nhà đầu tư ngoại được dỡ bỏ của IMP không phải không có cơ sở.

Tại CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3), kết thúc quý I, DP3 đạt doanh thu thuần gần 70 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 12,5 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 31% và 62% kế hoạch cả năm 2016. Tính đến 31/3/2016, tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh lên hơn 19,5 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015 do lượng tiền gửi ngân hàng gia tăng. Cụ thể, lượng tiền đang gửi tại các ngân hàng thương mại của DP3 tăng gần 11 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Á Châu – Chi nhánh Hải Phòng chiếm tỷ lệ 80%. Các khoản phải thu khách hàng ngắn hạn cũng tăng gần gấp đôi lên 26 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 20% xuống 45 tỷ đồng.

CTCP Dược Cửu Long (DCL) đạt doanh thu thuần 178,413 tỷ đồng, tăng 29,46%, lợi nhuận sau thuế đạt 20,525 tỷ đồng, tăng 68,82% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, kết thúc quý I, DCL hoàn thành hơn 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016.

Tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (DMC), đại hội đồng cổ đông năm 2016 vừa qua đã thông qua việc nâng cổ tức từ 18% lên 20%, chia thưởng 10:3 và chính thức thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tức nới room ngoại lên mức tối đa 100%. Thị trường đang quan sát động thái của 2 cổ đông lớn sở hữu hơn 80% vốn DMC, gồm CFR International SPA (Chile) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo đó, đa phần đều nghiêng về giả thuyết cổ đông ngoại này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại DMC.

Cần chú ý, CFR là công ty dược phẩm lớn và năm 2014, Tập đoàn Abbott Hoa Kỳ, một trong 10 tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới đã thực hiện thương vụ M&A, nắm giữ hơn 99% cổ phần CFR Pharmaceuticals, qua đó gián tiếp nắm giữ cổ phần tại Domesco. Với sự góp mặt của Abbott, hoạt động kinh doanh của DMC đã có những thay đổi về chiến lược sản phẩm, ưu tiên sản phẩm tự sản xuất với biên lợi nhuận cao. Ngoài ra, một dấu ấn lớn mà đối tác ngoại mang đến cho Domesco là việc xuất khẩu sản phẩm sang Peru và Venezuela từ quý III/2014, qua đó giúp Domesco vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu trong các doanh nghiệp dược Việt Nam.

Từ cuối năm 2011 đến nay, kết quả kinh doanh của DMC có sự tăng trưởng ổn định, với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 90 tỷ đồng; 107,5 tỷ đồng; 132 tỷ đồng và 141,5 tỷ đồng năm 2012, 2013, 2014 và 2015. Cơ cấu tài chính DMC khá an toàn, với nợ vay trên tổng tài sản trung bình 10% trong 2 năm 2012 - 2013 và không có nợ vay trong 2 năm 2014  - 2015. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng đều dương qua các năm.

Với kết quả khả quan trong quý I, thường không phải là quý ghi nhận doanh thu, lợi nhuận mạnh của các doanh nghiệp ngành dược, cộng thêm những kỳ vọng về nới room, thoái vốn và niềm tin kết quả kinh doanh quý II tốt nhờ yếu tố mùa vụ, cũng như thông tin chia cổ tức lớn, cổ phiếu doanh nghiệp ngành dược đang có đợt sóng tăng lần thứ hai trong năm.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục