Dòng tiền chưa có dấu hiệu “nghỉ ngơi”

(ĐTCK) Tâm lý thị trường duy trì sự lạc quan và dòng tiền mới tiếp tục tăng mạnh ở cả khối nội và khối ngoại đang từng bước đẩy chỉ số VN-Index tiến sát hơn mức đỉnh trong lịch sử.
Dòng tiền chưa có dấu hiệu “nghỉ ngơi”

Sức mạnh dòng tiền

Anh Nguyễn Bình, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm chia sẻ: “Dòng tiền đổ vào thị trường rất mạnh và dường như chưa có điểm dừng. Trong đó, nhóm dầu khí và ngân hàng chính là 2 động lực lớn nhất. Chưa khi nào sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với nhóm ngành này lại mạnh mẽ tới vậy, cũng như chưa bao giờ những phán xét phía sau hậu trường lại không hề làm lung lay ý chí của nhà đầu tư”.

Không riêng các nhà đầu tư, nhiều tổ chức tài chính, công ty chứng khoán cũng đánh giá dòng tiền vào thị trường đang chứng tỏ sức mạnh và chưa có dấu hiệu “nghỉ ngơi”. Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS) cho biết, năm 2018, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên, dòng vốn nội vẫn đóng vai trò chủ chốt.

Dòng tiền đổ vào chứng khoán nhận được các trợ lực, khi mức lãi suất cho vay năm 2018 dự báo ở mức thấp khoảng 8,5%/năm và chi phí lãi vay các dịch vụ chứng khoán ở mức hợp lý. Các công ty chứng khoán tăng vốn và huy động trái phiếu cũng sẽ tạo thêm nguồn tiền mới cho thị trường. Chưa kể, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức trên 20% góp phần hỗ trợ một phần dòng vốn trên thị trường chứng khoán.

P/E không còn rẻ, chọn chiến lược nào?

Định giá P/E trailing 4 quý gần nhất của VN-Index đạt 21 lần, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, vượt xa chỉ số chính tại thị trường các nước tương đồng như Paksistan (8 lần), Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan (từ 17 - 19 lần) và gần tiệm cận với mức P/E cao nhất của các thị trường như Indonesia, Philippines và Ấn Độ (từ 23 - 25 lần).

Theo KBVS, mức định giá này cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam không còn rẻ, cũng như không dễ dàng để các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ở mức định giá này. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư mới vẫn còn từ các thương vụ thoái vốn và niêm yết mới.

Bên cạnh đó, theo thống kê nhóm 100 công ty có vốn hóa lớn nhất, hiện chiếm 91% vốn hóa toàn thị trường, định giá cổ phiếu thuộc nhóm này có mức P/E bình quân quanh 21,5 lần, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa từ 500 tỷ đồng - 2.800 tỷ đồng chỉ mới đạt 10 lần, chưa đến 1/2 mức định giá chung của thị trường. Do đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa hiện có định giá khá rẻ và nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có mức sinh lời tốt vượt trội từ nhóm cổ phiếu này.

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, trong ngắn hạn, đã có những tín hiệu cho thấy chỉ số VN-Index đang tiến gần hơn với mốc 1.100 điểm, nhưng biến động thị trường trong giai đoạn này khá phức tạp, do vậy mức độ rủi ro cũng cao hơn. Việc bám sàn và lướt sóng ngắn hạn nên dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp có mức độ chịu đựng rủi ro cao. Còn lại, nhà đầu tư có thể tạm thời hài lòng với thành quả đã đạt được và áp dụng chiến lược quan sát.

Theo ông Đức, sự biến động mạnh của VN-Index xảy ra trong thời gian qua là do sự giằng co mạnh giữa lực bán chốt lời và lực cầu mới vào thị trường ở một giai đoạn khá nhạy cảm, khiến tâm lý nhà đầu tư không thực sự vững vàng.

“Sự nhạy cảm này đến từ việc VN-Index đang tiến gần vùng đỉnh lịch sử quanh mốc 1.100 điểm với định giá của nhiều cổ phiếu dẫn dắt không còn rẻ. Trong khi đó, các quỹ mở liên tiếp huy động thêm vốn và khối ngoại cũng mua ròng mạnh phiên thứ 19 liên tiếp trên HOSE là một yếu tố góp phần tiếp thêm động lực cho các kỳ vọng tăng điểm của dòng tiền mới”, ông Đức nói.

Bên cạnh đó, việc các chỉ số chứng khoán biến động với biên độ lớn là một điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có thể lướt sóng ngắn hạn, đặc biệt là tại sản phẩm Hợp đồng chứng khoán phái sinh không bị ràng buộc về thời gian T+3. Tuy vậy, lợi nhuận ngắn hạn lớn cũng đi kèm với mức độ chấp nhận rủi ro cao, đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự cân nhắc tốt về chiến lược lướt sóng, cũng như có sự phân bổ tài sản hợp lý.

Chỉ số VN-Index đã có chuỗi ngày “thăng hoa”, đến từ tâm lý lạc quan của giới đầu tư. Song đôi khi, chính sự lạc quan có phần quá đà dễ dẫn đến việc thị trường có những phiên rung lắc mạnh. Dù lạc quan nhưng vẫn mang tư tưởng phòng thủ và sẵn sàng hạ tỷ trọng cổ phiếu rất nhanh khi chỉ cần những thông tin nhạy cảm tác động. Đây cũng là tâm lý bình thường khi thị trường đang trong giai đoạn hưng phấn mạnh như hiện nay.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục