Thành công ban đầu
“Sau hơn 4 tháng đưa vào hoạt động, thời gian gần đây, cứ một tuần trên TTCK phái sinh có một kỷ lục bị phá vỡ về khối lượng giao dịch hoặc giá trị giao dịch. Dòng tiền chảy vào thị trường tháng sau thường gấp đôi tháng trước, nhà đầu tư ngày càng năng động hơn…”, Chủ tịch Hội đồng quản trị HNX Nguyễn Thành Long đánh giá về TTCK phái sinh năm 2017.
Ông Long dẫn ra những con số minh chứng cho bước tiến bất ngờ ngoài mong đợi của TTCK phái sinh, không chỉ so với các thị trường trong khu vực, mà so với chính các thị trường khác trên TTCK Việt Nam. Chẳng hạn, ngày 11 và 12/12, TTCK phái sinh Việt Nam đạt khối lượng giao dịch 27.000 hợp đồng/phiên, trong khi các thị trường có lịch sử phát triển lâu đời trong khu vực đạt 130.000 - 150.000 hợp đồng/phiên.
So sánh cùng thời điểm, hơn 4 tháng cuối năm 2017, giá trị giao dịch chứng khoán cơ sở trên 2 sàn HNX và HOSE là 450.000 tỷ đồng, còn trên sàn UPCoM đạt gần 24.000 tỷ đồng, trong khi giao dịch trên TTCK phái sinh đạt 70.000 tỷ đồng.
Hiện tại, gần như toàn bộ giao dịch phái sinh đến từ nhà đầu tư cá nhân, nên còn thiếu tính chuyên nghiệp trong đầu tư
- Ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Sản phẩm cấu trúc, Công ty Chứng khoán VNDIRECT.
Theo thống kê của HNX, đến hết ngày 15/12, tổng khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh đạt 946.326 hợp đồng, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81.000 tỷ đồng. Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch tính theo quy mô danh nghĩa đạt gần 900 tỷ đồng/phiên, tăng tương ứng gần 21 lần và 24 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.
“TTCK phái sinh bước đầu đã trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này phần nào thể hiện qua việc mỗi khi VN-Index biến động mạnh thì khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh tăng cao. Biến động trên TTCK phái sinh đang ngày càng trở thành một chỉ báo phản ánh xác thực hơn diễn biến của TTCK Việt Nam”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, dao động của thị trường hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đã đi trước và có tính chỉ báo đối với thị trường cơ sở. Miếng ghép chứng khoán phái sinh đã góp phần giúp chỉ số VN-Index tăng 23% và thanh khoản tăng gần 20% trong vòng 4 tháng giao dịch của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Nhiều nhà đầu tư đã quen với tốc độ giao dịch cao của sản phẩm này. Trên thực tế đã xuất hiện lớp những nhà đầu tư chuyên nghiệp, chỉ tập trung giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai, đặc biệt là giao dịch trong ngày.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Sản phẩm cấu trúc, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, TTCK phái sinh được nhà đầu tư đón nhận rất tích cực ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động. Tính đến ngày 21/12/2017, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1 triệu hợp đồng (kể từ ngày 10/8/2017 mở cửa thị trường). Thanh khoản liên tục tăng, khối lượng giao dịch bình quân trong tháng 12/2017 đạt 18.070 hợp đồng/ngày, tăng gần 5 lần so với bình quân giao dịch hàng ngày trong tháng đầu tiên.
Theo ông Cường, thanh khoản thị trường giảm nhẹ vào giữa tháng 11/2017 khi các công ty chứng khoán bắt đầu thu phí giao dịch chứng khoán phái sinh, từ 20.000 - 30.000 đồng/hợp đồng. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán sau đó đã giảm phí giao dịch xuống phổ biến còn 10.000 đồng/hợp đồng. Mức phí này không đáng kể so với mức biến động về giá của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, tức cơ hội giao dịch “lướt sóng” hưởng chênh lệch giá trong phiên rất lớn, nên thanh khoản thị trường đã tăng mạnh trở lại sau đó.
Hiến kế cho dòng tiền ở lại
4 tháng đầu tiên, hoạt động giao dịch trên TTCK phái sinh tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Sự tham của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế do một số quy định chưa được hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến việc tham gia thị trường của các ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Một vướng mắc khác gây khó cho nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường là quy trình nghiệp vụ giữa thành viên bù trừ với ngân hàng giám sát, lưu ký chưa được xây dựng, hướng dẫn cụ thể.
Theo góc nhìn của ông Nguyễn Tuấn Cường, TTCK phái sinh mới đi vào hoạt động được hơn 4 tháng, nên nhiều nhà đầu tư chưa nắm vững kiến thức giao dịch. Trong khi đó, số lượng nhà đầu tư tham gia rất khiêm tốn so với số lượng nhà đầu tư trên thị trường cơ sở.
Thị trường phái sinh chỉ phát triển bền vững khi có nhiều nhà đầu tư tham gia, đặc biệt cần có sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài nhằm giúp cho thanh khoản thị trường tăng cao, không bị một số nhà đầu tư đẩy/kéo giá quá xa so với chỉ số cơ sở.
Để TTCK phái sinh phát triển bền vững và chuyên nghiệp, các công ty chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán cần tổ chức các buổi hội thảo để giúp nhà đầu tư hiểu hơn về chứng khoán phái sinh, cách thức giao dịch, các chiến thuật đầu tư để sinh lời cũng như sử dụng chứng khoán phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro cho danh mục chứng khoán cơ sở, từ đó giúp thị trường sôi động và minh bạch hơn.
“Hiện tại, gần như toàn bộ giao dịch phái sinh đến từ nhà đầu tư cá nhân, nên còn thiếu tính chuyên nghiệp trong đầu tư. Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sửa đổi các chính sách cho phù hợp để khuyến khích và tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư nước ngoài dễ dàng tham gia thị trường phái sinh”, ông Cường đề xuất.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, hiện nay, miếng ghép còn thiếu đối với thị trường hợp đồng tương lai là hoạt động tạo lập thị trường và hoạt động kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) nhằm giúp ổn định biên độ chênh lệch giá theo thời gian thực với thị trường cơ sở.
Nhà đầu tư trên thị trường phái sinh, với mức độ sử dụng đòn bẩy cao và khả năng cắt lỗ nhanh do được giao dịch trong ngày thường có tâm lý lạc quan hoặc lo sợ thái quá, dẫn tới chênh lệch về giá với thị trường cơ sở có lúc lên tới 2 - 4%. Đây là mức chênh lệch lớn so với tiêu chuẩn của một thị trường tài chính hiệu quả.
Nếu cơ quan quản lý có những cơ chế phù hợp, chẳng hạn cho phép các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thực hiện nghiệp vụ vay, mượn T+0 với công ty quản lý quỹ đang nắm danh mục cổ phiếu trong rổ VN30, thì mức chênh lệch trên sẽ không diễn ra.
Đối với rủi ro thanh khoản, trừ hợp đồng tương lai có tháng đáo hạn gần nhất hiện có giao dịch rất tốt, chiếm tới 90% tổng giao dịch toàn thị trường, 3 kỳ hạn dài hơn chưa có thanh khoản đủ hấp dẫn để những nhà đầu tư tham gia giao dịch ngắn hạn và phòng ngừa rủi ro.
“Nếu những miếng ghép trên được hoàn thiện, chúng tôi cho rằng, quy mô giao dịch của thị trường phái sinh sẽ cao hơn hiện tại nhiều lần. Ở một nước phát triển thị trường đi trước chúng ta một giai đoạn không dài như Thái Lan, quy mô giao dịch của hợp đồng tương lai hiện đạt khoảng 300.000 hợp đồng/ngày, nghĩa là gấp 20 lần quy mô giao dịch của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tại Việt Nam”, ông Đức nói.
Sắp triển khai sản phẩm mới
Về phía nhà tổ chức thị trường, để phát triển TTCK phái sinh hoạt động hiệu quả và lành mạnh hơn, lãnh đạo HNX cho biết, đi liền với tăng cường hoạt động giám sát, HNX đang phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc đang bộc lộ.
HNX cũng đang triển khai các bước phát triển sản phẩm phái sinh mới, trước mắt là đưa sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vào hoạt động. Sở đã báo cáo Bộ Tài chính hướng triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đưa sản phẩm này vào giao dịch trong năm 2018.
Ngoài ra, để tạo nền tảng triển khai tiếp các sản phẩm phái sinh trong tương lai, HNX đang đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép xây dựng Bộ chỉ số VNX200 theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Chỉ số này bao gồm những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trên cả HNX và HOSE.
Vì có mức vốn hóa gần như bao trùm cả thị trường nên chỉ số VNX200 sẽ đảm bảo tính đại diện tiêu biểu cho TTCK Việt Nam, đồng thời đảm bảo độ tin cậy cho các sản phẩm phái sinh dựa trên bộ chỉ số này.