Nới rộng sân chơi chứng khoán phái sinh: Ưu tiên sự an toàn

(ĐTCK) Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh ghi nhận tổng khối lượng giao dịch đạt 946.326 hợp đồng, với tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng (tính đến ngày 15/12). 
Nới rộng sân chơi chứng khoán phái sinh: Ưu tiên sự an toàn

Trong bối cảnh thị trường có tốc độ phát triển mạnh mẽ, việc mới chỉ có 7 công ty chứng khoán (CTCK) được tham gia cung cấp dịch vụ phái sinh khiến có đề xuất nên nới rộng tiêu chí để có thêm những CTCK mới gia nhập sân chơi này.

Kiến nghị với Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) mới đây, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) đề xuất, nên nới rộng điều kiện cho các CTCK bị lỗ nhưng có vốn điều lệ cao (trên 1.000 tỷ đồng) được tham gia thị trường phái sinh, kèm theo đó có các biện pháp kiểm soát an toàn vốn để tạo cạnh tranh công bằng trên thị trường và cung cấp thêm nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư.

Ông Dương Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) cho biết, TTCK phái sinh ra đời đã góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam, bên cạnh thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Với các tiêu chí hiện nay, SBS chưa đáp ứng được điều kiện cung cấp dịch vụ tại thị trường chứng khoán phái sinh, song Công ty vẫn mong muốn sớm được tham gia để cung cấp thêm nghiệp vụ cho nhà đầu tư.

Nới rộng sân chơi chứng khoán phái sinh: Ưu tiên sự an toàn ảnh 1

 Một trong những nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà giao HNX là phát triển sản phẩm mới trên TTCK phái sinh.

“Cơ quan quản lý có lý khi đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với các CTCK được tham gia vào TTCK phái sinh, bởi đây là thị trường mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên vấn đề an toàn phải đặt lên hàng đầu. Song ở góc độ là một thành viên thị trường, SBS cũng như một số CTCK khác mong muốn có thể “nới” một số tiêu chí để sớm tham gia vào thị trường này”, ông Hùng nói và cho biết, trong tương lai các sản phẩm phái sinh sẽ đóng vai trò quan trọng đối với thị trường.

Tổng kết từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cuối năm 2017 cho thấy mức độ tăng trưởng rất lớn của thị trường trong thời gian qua. Cụ thể, tính đến hết ngày 15/12/2017, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường này đạt 946.326 hợp đồng, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng. Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 900 tỷ đồng/phiên, tăng tương ứng xấp xỉ 21 và 24 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.

Bên cạnh đó, khối lượng mở (OI) toàn thị trường duy trì xu hướng tăng. Tính đến 15/12/2017, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 6.796 hợp đồng, gấp 34 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.  Trong khi đó, TTCK phái sinh hiện mới chỉ có 7 CTCK thành viên và 14.034 tài khoản giao dịch phái sinh của nhà đầu tư được mở tính tới hết ngày 15/12.

Trong thời gian tới, thị trường này được dự báo sẽ thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là cơ hội để nhà đầu tư kiếm lời cũng như phòng vệ rủi ro trên thị trường chứng khoán cơ sở, đồng thời giúp các CTCK có thêm điều kiện để tăng doanh thu, lợi nhuận.

Ngoài AGR và SBS, hiện đang có hơn 15 CTCK có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, khi chiếu vào điều kiện không có lỗ lũy kế, không lỗ trong 2 năm gần nhất thì số CTCK đủ tiêu chuẩn chỉ đạt dưới 10 CTCK.

Trong khi đó, một số CTCK đạt được tiêu chí có lợi nhuận trong hai năm gần nhất lại đang ngấp nghé chỉ tiêu về vốn điều lệ. Hiện tại, diễn biến TTCK khả quan đang được kỳ vọng sẽ giúp khối CTCK cải thiện kết quả kinh doanh, từ đó từng bước đạt điều kiện tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới. Một số CTCK đã “suýt soát” đạt được tiêu chí vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng là CTCK Vietcombank (VCBS), CTCK Vietinbank…

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đặc điểm của thị trường phái sinh là rủi ro cao nên cơ quan quản lý ưu tiên vấn đề an toàn hơn việc mở rộng một cách tràn lan.

Thực tế, đại diện Ủy ban Chứng khoán chia sẻ, theo quy định, các CTCK có thể tùy vào tiêu chí mình đáp ứng được để lựa chọn tham gia dịch vụ cung cấp như thành viên môi giới không bù trừ, thành viên bù trừ chung… Tuy nhiên, các CTCK thường mong muốn được tham gia tất cả các nghiệp vụ cho phép, nên mới bị giới hạn về số lượng CTCK tham gia.

Chuẩn bị đưa sản phẩm phái sinh trái phiếu vào hoạt động

Tổng kết hoạt động của HNX năm 2017, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã giao 5 nhiệm vụ cho HNX trong thời gian tới, trong đó có việc  chuẩn bị điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm phái sinh trái phiếu vào hoạt động, phát triển các sản phẩm phái sinh mới.

4 nhiệm vụ khác là tái cơ cấu TTCK trong đó cần đánh giá, tái cơ cấu thị trường cổ phiếu niêm yết, UPCoM, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; phối hợp các đơn vị trong Bộ Tài chính huy động vốn ngân sách qua hoạt động đấu thầu, đấu giá; phối hợp HOSE khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin theo gói thầu 04 để đưa vào sử dụng; tiếp tục hoàn thiện công tác quản trị của Sở theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục