Dấu hiệu giao dịch khả quan trước đó cũng như triển vọng thành công của đợt đấu giá cổ phần Sabeco khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý lạc quan. Theo đó, mở cửa phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần (18/12), giá các chứng khoán phái sinh tăng từ 4,8 - 8,1 điểm, tùy mã (đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa này diễn ra trước khi thị trường chứng khoán cơ sở mở cửa).
Chỉ số VN30 tăng hơn 10 điểm trong phiên mở cửa và có diễn biến tăng dần đều cho đến cuối phiên chiều, đóng cửa tăng 24,1 điểm. Các mã chứng khoán phái sinh tăng từ 23 - 28 điểm, tùy mã. Các nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua lãi từ 2,3 - 2,8 triệu đồng/hợp đồng (vốn đầu tư gần 13 triệu đồng/hợp đồng, do tỷ lệ ký quỹ giao dịch ở mức thấp).
Chiều 18/12, gần 110.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Sabeco theo giá khởi điểm 320.000 đồng/CP đã được đấu giá thành công, trong khi giá cổ phiếu này trên sàn đứng giá ở mức 309.200 đồng/CP.
Mức tăng/giảm giá của các mã chứng khoán phái sinh và VN30
Ngày |
VN30F1712 |
VN30F1801 |
VN30F1803 |
VN30F1806 |
VN30 |
18/12 |
23,0 |
26,0 |
24,7 |
28,0 |
24,11 |
19/12 |
-15,5 |
-15,0 |
-12,9 |
-14,7 |
-3,19 |
20/12 |
6,5 |
6,5 |
9,0 |
7,7 |
1,16 |
21/12 |
-12,5 |
-7,5 |
-8,0 |
-2,0 |
-12,25 |
22/12 |
1,0 |
1,1 |
4,1 |
9,35 |
|
Tổng |
2,8 |
11,0 |
13,9 |
23,1 |
19,18 |
Phiên thứ Ba (19/12), “hiệu ứng” Sabeco không kéo dài. Giá các chứng khoán phái sinh dao động nhẹ thời điểm mở cửa phiên giao dịch 19/12 (2 mã có tháng đáo hạn gần nhất giảm nhẹ, 2 mã còn lại tăng nhẹ), với thanh khoản giảm. VN30 mở cửa tăng hơn 5 điểm, sau đó nâng mức tăng lên 8,5 điểm, nhưng rồi có diễn biến giảm xuống dưới tham chiếu, trước khi nghỉ trưa có nhích lên trên tham chiếu. Đầu phiên chiều, chỉ số tăng thêm điểm, nhưng rồi nhanh chóng có diễn biến giảm dần, đóng cửa giảm hơn 3 điểm (mã SAB của Sabeco giảm gần 5%, xuống 289.000 đồng/CP; đây là cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn thứ 5 trên sàn HOSE).
Do VN30 có diễn biến giảm dần nên các nhà đầu tư chứng khoán phái sinh tỏ ra thận trọng, giảm dần mức giá đặt mua cũng như chào bán. Cuối phiên chiều, giá các mã phái sinh giảm từ 12,9 - 15,5 điểm. Theo đó, các nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua thua lỗ, các nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán lãi phổ biến 1,5 triệu đồng/hợp đồng.
Mức giảm điểm nhẹ của VN30 cũng như diễn biến giảm khá mạnh của giá chứng khoán phái sinh khi kết thúc phiên chiều thứ Ba khiến nhiều nhà đầu tư trấn tĩnh. Giá các chứng khoán phái sinh tăng nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch phiên thứ Tư (20/12). Trong phiên này, VN30 có diễn biến tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch, nhưng có 3 thời điểm giảm điểm nhẹ, đó là đầu phiên sáng, giữa phiên sáng và giữa phiên chiều; chốt phiên chiều tăng hơn 1 điểm. Mã SAB tiếp tục giảm gần 5%, nhưng nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn khác tăng giá. Giá mã phái sinh cuối phiên tăng từ 6,5 - 9 điểm, tùy mã.
Giá thanh toán cuối ngày của các mã chứng khoán phái sinh và VN30
Ngày |
VN30F1712 |
VN30F1801 |
VN30F1803 |
VN30F1806 |
VN30 |
15/12 |
935,0 |
945,0 |
963,2 |
970,9 |
926,70 |
18/12 |
958,0 |
971,0 |
987,9 |
998,9 |
950,81 |
19/12 |
942,5 |
956,0 |
975,0 |
984,2 |
947,62 |
20/12 |
949,0 |
962,5 |
984,0 |
991,9 |
948,78 |
21/12 |
937,8 |
955,0 |
976,0 |
989,9 |
936,53 |
22/12 |
935,0 |
956,0 |
977,1 |
994,0 |
945,88 |
Phiên thứ Năm (21/12), VN30 dao động nhẹ quanh tham chiếu, nhưng trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, chỉ số đột ngột sụt giảm. Đóng cửa phiên giao dịch, VN30 giảm hơn 12 điểm so với mức giảm 3,5 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.
Do nhiều mã cổ phiếu dự kiến khớp ở mức thấp, đặc biệt là BID (một trong 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE) chủ yếu dự kiến khớp ở giá sàn (nhưng khi khớp lệnh chỉ còn giảm hơn 1%; mã SAB tiếp tục giảm mạnh, giảm 4,4%, xuống 249.200 đồng/CP), khiến giá chứng khoán phái sinh giảm theo. Hợp đồng phái sinh có tháng đáo hạn gần nhất (tháng 12) giảm 15,5 điểm, xuống 937,8 điểm, cao hơn VN30 hơn 1 điểm (VN30 đóng cửa tại 936,53 điểm). Đây là phiên giao dịch cuối cùng của hợp đồng này, nên những nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ vị thế chứng khoán phái sinh đáo hạn tháng 12 sẽ tất toán hợp đồng theo điểm số của VN30, chứ không theo giá đóng cửa.
Diễn biến giảm mạnh trong phiên ATC nêu trên khá bất ngờ, khiến những nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán chứng khoán phái sinh, đặc biệt là mã đáo hạn tháng 12 thu được mức lãi không nhỏ. Hai mã phái sinh có tháng đáo hạn tiếp theo, tháng 1 và 3/2018 giảm giá lần lượt là 7,5 và 8 điểm. Riêng mã đáo hạn tháng 6/2018 giảm 2 điểm.
Sau phiên giao dịch này, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng. Cụ thể, phiên cuối tuần (22/12), hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 1 giảm 4 điểm, riêng mã mới là hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 2 tăng 4,3 điểm, hai mã còn lại giảm lần lượt 3,8 và 4,7 điểm.
Trên thị trường cơ sở, VN30 mở cửa tăng gần 3 điểm, sau đó tăng giảm khá mạnh, nhưng không có thời điểm nào giảm xuống dưới tham chiếu. Trong phiên, có 4 thời điểm chỉ số này tăng mạnh, trong đó có 3 thời điểm tăng hơn 9 điểm là giữa phiên sáng, giữa và cuối phiên chiều. Tuy VN30 liên tục dao động trong sắc xanh, nhưng giá các mã phái sinh không biến động nhiều và thường xuyên khớp lệnh trong sắc đỏ (dưới tham chiếu), ngoại trừ mã mới niêm yết, đáo hạn tháng 2/2018. Theo thống kê, mức biến động trong phiên từ 6,9 - 9 điểm/mã, nhưng quan sát diễn biến giá trong phiên cho thấy, giá khớp lệnh khá tập trung.
Đơn cử, hợp đồng đáo hạn tháng 1/2018 có giá cao nhất là 656 điểm, thấp nhất là 949,1 điểm, mức chênh 6,9 điểm, nhưng giá khớp lệnh phổ biến quanh ngưỡng 953. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động “lướt sóng” trong phiên ở mức thấp, không như nhiều phiên trước đó.
Mức biến động giá trong phiên của chứng khoán phái sinh*
Ngày |
VN30F1712 |
VN30F1801 |
VN30F1803 |
VN30F1806 |
VN30 |
18/12 |
20,0 |
21,0 |
20,0 |
19,9 |
13,17 |
19/12 |
20,7 |
25,0 |
27,0 |
21,8 |
12,09 |
20/12 |
12,4 |
16,0 |
15,9 |
13,8 |
12,89 |
21/12 |
15,8 |
13,9 |
12,0 |
8,8 |
16,73 |
22/12 |
6,9 |
6,9 |
9,0 |
8,26 |
* Giá cao nhất trừ giá thấp nhất
Nhiều phiên trước đó, diễn biến giá phái sinh tương đồng và biến động mạnh cùng với diễn biến VN30, tạo ra cơ hội lợi nhuận không nhỏ từ hoạt động “lướt sóng”. Cụ thể, nhà đầu tư mua khi giá có diễn biến tăng và/hoặc dự báo giá sẽ tăng, sau đó bán ra ở mức giá cao hơn; bán khi thấy giá có diễn biến giảm và/hoặc dự báo sẽ giảm, sau đó mua lại ở mức giá thấp hơn. Phần chênh lệch giá này chính là mức lãi của nhà đầu tư.
Hiện nhiều công ty chứng khoán giảm phí giao dịch xuống 10.000 đồng/hợp đồng, so với mức 30.000 đồng/hợp đồng như trước nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, đồng thời tạo điều kiện tăng thanh khoản, nhất là với đối tượng nhà đầu tư ưa thích chiến lược lướt sóng.
Khối lượng và giá trị giao dịch chứng khoán phái sinh
Ngày |
Khối lượng (hợp đồng) |
Giá trị (tỷ đồng) |
OI |
18/12 |
15.791 |
1.497,1 |
7.900 |
19/12 |
20.908 |
2.002,9 |
8.633 |
20/12 |
19.896 |
1.896,2 |
8.242 |
21/12 |
16.877 |
1.615,5 |
8.783 |
22/12 |
16.038 |
1.529,7 |
6.799 |
Tổng |
98.510 |
8.541,4 |
Tuần qua, có hơn 98.510 hợp đồng phái sinh, trị giá 8.541,4 tỷ đồng được chuyển nhượng, giảm 18,4% về lượng và giảm 15,7% về giá trị so với tuần trước đó.
“Xu hướng thị trường hiện tại chưa rõ ràng nên trước mắt, tôi tập trung thực hiện chiến lược lướt sóng trong phiên, thay vì trước đây thường nắm giữ vị thế vài ngày hoặc lâu hơn, kiên định với dự báo. Chiến lược mua hay bán tùy thuộc vào diễn biến trong phiên, nhưng tôi có dự cảm, nắm giữ vị thế mua sẽ an toàn hơn”, một nhà đầu tư tại VPBS chia sẻ.
“Thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng khả quan. Một diễn biến đáng chú ý là dòng vốn từ nhà đầu tư Trung Quốc và Hàn Quốc đang có dấu hiệu chảy mạnh vào thị trường”, môi giới tại một công ty chứng khoán cho biết.