Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey cho biết, ngân hàng trung ương có thể trở nên "hoạt động tích cực hơn một chút" trong cách tiếp cận hạ lãi suất.
Trong khi đó, đồng euro đang hướng đến chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 4 khi thị trường suy đoán về lộ trình cắt giảm lãi suất ngày càng quyết liệt tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Dữ liệu kinh tế suy yếu ở Canada và Thụy Điển cũng đã làm tăng khả năng nới lỏng hơn nữa ở các thị trường đó.
“Việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhanh hơn bên ngoài Nhật Bản có nghĩa là BOJ phải cẩn thận… Sẽ khó tăng lãi suất hơn khi các nước khác cắt giảm nhanh hơn”, Krishna Guha và Marco Casiraghi, các nhà phân tích ngân hàng trung ương tại Evercore ISI cho biết.
Sau khi đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng trước để bắt đầu chu kỳ bình thường hóa chính sách tiền tệ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chuẩn bị cho một động thái nhỏ hơn vào tháng 11. Khi báo cáo việc làm yếu đáng ngạc nhiên của Mỹ vào đầu tháng 8 thúc đẩy kỳ vọng về hành động mạnh mẽ hơn của Fed, điều này xảy ra ngay sau khi ngân hàng trung ương Nhật Bản vừa tăng lãi suất. Sự kết hợp đó đã dẫn đến cổ phiếu Nhật Bản giảm mạnh và gây chấn động các thị trường toàn cầu vào thời điểm đó.
Những lo ngại về tác động của việc BOJ thắt chặt hơn nữa trong bối cảnh nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu một lần nữa lại xuất hiện trong tuần này, trong đó tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã thực hiện bước đi bất ngờ khi đưa ra những gì có vẻ là chỉ thị chính sách cho ngân hàng trung ương khi nói rằng Nhật Bản vẫn chưa sẵn sàng cho nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa.
“Tôi không nghĩ rằng môi trường đã sẵn sàng cho một đợt tăng lãi suất bổ sung”, tân Thủ tướng Ishiba cho biết.
Tại Nhật Bản, mối lo ngại là liệu BOJ có thể thực hiện tăng lãi suất quá chậm hay không. Vào cuối tháng 7, Thống đốc Kazuo Ueda đã gợi ý trong tuyên bố chính sách rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Lãi suất chính sách của Nhật bản hiện vẫn là mức thấp nhất trong các nền kinh tế phát triển, chỉ ở mức 0,25% ngay cả khi đã tăng lãi suất hai lần trong năm nay.
“Động thái của Nhật Bản khác biệt, đặc biệt là khi xét đến tỷ giá đô la-yen đang được giao dịch”, Marc Chandler, chiến lược gia thị trường chính tại Bannockburn Global Forex cho biết.
Thống đốc BOJ đã chỉ ra bối cảnh quốc tế là một yếu tố để xem xét tốc độ bình thường hóa hơn nữa lãi suất của Nhật Bản. "Bắt đầu từ nền kinh tế Mỹ, triển vọng của nền kinh tế toàn cầu là không chắc chắn và thị trường tài chính vẫn không ổn định… Chúng tôi sẽ theo dõi những diễn biến này với cảm giác cấp bách cực kỳ cao trong thời điểm hiện tại", ông Ueda cho biết trong bài phát biểu hôm thứ Tư (2/10).
Nếu lạm phát của Nhật Bản vẫn cao hơn mục tiêu, nguy cơ chờ đợi quá lâu có thể khiến BOJ đi theo sự chậm trễ của Fed vào năm 2021 và đầu năm 2022 trong việc ngăn chặn sự gia tăng chi phí sinh hoạt. Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản đã tăng 2,8% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm trước.
Việc BOJ tăng lãi suất chậm trễ để bắt kịp áp lực giá có thể khiến các nhà đầu tư một lần nữa gặp rủi ro. Nhưng nếu việc nới lỏng của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc điều đó có thể mang lại cho Nhật Bản thêm thời gian để điều chỉnh chính sách.
"Những động thái củng cố sự mở rộng toàn cầu sẽ cho phép BOJ tiếp tục thúc đẩy bình thường hóa lãi suất trong nước", các nhà phân tích tại Evercore ISI cho biết.