Mở bán đợt 1 Tòa tháp C Khu đô thị Golden Silk Kim Văn - Kim Lũ từ ngày 27/2 với hơn 100 căn hộ nhằm mục đích thăm dò sức cầu thị trường, song sức tiêu thụ mạnh của dự án không khỏi gây bất ngờ cho lãnh đạo CTCP Vinaconex 2, chủ đầu tư dự án. Cho đến thời điểm này, số căn hộ còn lại không nhiều, chủ yếu là những căn có diện tích lớn, 3 phòng ngủ. Trong khi giá bán căn hộ của dự án không hề “mềm”, khoảng 19 - 22 triệu đồng/m2.
Tòa nhà được xây dựng trên diện tích khu đất 5.524 m2, cao 36 tầng nổi, 3 tầng hầm, với quy mô 722 căn hộ. “Với tình hình tiêu thụ như vậy, chúng tôi sẽ sớm đưa các căn hộ còn lại ra thị trường”, lãnh đạo Công ty cho biết. Nhìn về thời điểm này năm trước, Vinaconex 2 còn đang ì ạch bán nốt các căn hộ tại Tòa nhà D cũng thuộc dự án trên dù mức giá chỉ dao động 17 - 18 triệu đồng/m2.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng xuống thấp, chứng khoán bấp bênh, trong khi dân môi giới liên tục thúc giục với các khuyến cáo rằng, các đợt ra hàng sau sẽ có giá cao hơn đợt trước, đã tạo ra tâm lý mua nhanh ở nhiều khách hàng. Nhà ở tại những dự án có vị trí tốt, có đầy đủ tiện ích và chủ đầu tư có tiềm lực được bán khá dễ dàng. Thậm chí, những căn biệt thự diện tích vài trăm m2, giá cao ngất ngưởng 50 triệu đồng/m2 tại Dự án Vinhomes Riverside cũng bán tốt. Doanh nghiệp BĐS nhìn thấy rõ chuyển động này và họ không để vuột mất cơ hội.
Nổi bật nhất trên thị trường vẫn là đại gia Vingroup khi ngay đầu năm tập đoàn này công bố chiến lược phát triển 25 trung tâm thương mại Vincom và Vincom Mega Mall trên toàn quốc tại 19 tỉnh thành là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Biên Hòa, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Việt Trì... Ngoài các đại dự án tại TP. HCM với quy mô hơn 10.000 căn hộ, Vingroup đánh dấu sự bận rộn ngay từ đầu năm với Dự án tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Lê Thánh Tông - Hải Phòng tọa lạc tại số 4 - 5 - 7, đường Lê Thánh Tông, quận Ngô Quyền - ngay khu vực trung tâm sầm uất nhất Thành phố. Dự án có quy mô vốn đầu tư 600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn gần 48.000 m2, được thiết kế bao gồm trung tâm thương mại hiện đại và khu nhà ở thương mại “Shop House” theo tiêu chuẩn quốc tế, quy mô lớn hàng đầu Hải Phòng.
Nỗi lo lớn nhất đối với cổ đông của một doanh nghiệp BĐS là doanh nghiệp cạn kiệt quỹ đất và không còn dự án triển khai, nhưng điều này chưa từng xảy ra với Vingroup. Mặc dù không công bố chính thức, song thị trường có thể nhìn thấy khá rõ những dự án nối tiếp của tập đoàn này.
“M&A trên thị trường BĐS vẫn rất sôi động. Khi những gã khổng lồ như Vingroup đặt vấn đề hợp tác, mua lại dự án, có lẽ rất khó để những doanh nghiệp bé hơn từ chối”, Chủ tịch một công ty niêm yết chia sẻ.
Ở quy mô nhỏ hơn, những doanh nghiệp niêm yết như Vinaconex, Sudico, CEO cũng đang tất bật không kém. Sau hơn 2 năm đình hoãn các thủ tục xúc tiến cho Dự án Vinata Tower (trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội), Tổng công ty Vinaconex đưa dự án này vào danh mục các dự án trọng điểm của năm 2015. Với vị trí đắc địa, Dự án dù chưa xong thủ tục pháp lý nhưng đã có nhà đầu tư Nhật đặt vấn đề hợp tác đầu tư.
Theo tiết lộ của Chủ tịch CEO Group Đoàn Văn Bình, năm 2015, CEO Group dự kiến rót khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng để phát triển các dự án. Con số này chưa thấm vào đâu so với số tiền đầu tư của những doanh nghiệp lớn như Vingroup, nhưng lại là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay đối với một doanh nghiệp BĐS quy mô vừa như CEO. Với Sudico, HĐQT Công ty đã thống nhất kế hoạch đầu tư 350 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào Dự án Nam An Khánh.
“Ngôi sao” trên sàn niêm yết FLC tuy chưa có sản phẩm đủ điều kiện đưa ra thị trường cũng không muốn rớt lại trong cuộc đua khởi động sớm. Trên truyền hình, báo chí những ngày này cũng tràn ngập thông tin về việc FLC sắp tung ra thị trường hàng nghìn căn hộ…
Sự mạnh dạn của doanh nghiệp và lạc quan của thị trường là có cơ sở khi năm 2015, một loạt điều luật mới được thực thi. Ngân hàng mở rộng hầu bao cho BĐS. Song quan trọng hơn, trải qua những gì diễn ra năm 2014, các doanh nghiệp niêm yết đã thấm thía hơn câu chuyện chớp cơ hội khi thị trường ấm vào đầu năm nhưng lại giảm nhiệt dần sau đó.