Vingroup đã “đưa ra” một cánh tay
Ngay trong ngày đầu tháng này (1/6), Vingroup đã chọn một hướng đi khác cho hàng Việt khi tuyên bố sẽ giảm mức chiết khấu về 0% cho doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tươi sống trong hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+. Bên cạnh đó, Vingroup sẵn sàng tham gia góp vốn cho một số doanh nghiệp có nhu cầu để tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí. Vingroup ước tính đến cuối năm, số điểm bán sẽ là 3.000 điểm Vinmart và Vinmart+.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, thời gian qua, các hiệp định thương mại tự do cùng làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt. Để tồn tại, các doanh nghiệp Việt chủ động hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng bằng cách liên kết lại với nhau.
Động thái của Vinmart khiến các doanh nghiệp nội địa vô cùng phấn khởi nhưng lại tiếp tục “ngóng chờ” hành động của Coopmart. Bởi vì, đây là thương hiệu được coi là lớn nhất trong ngành bán lẻ hiện tại và đi đầu trong phong trào tuyên truyền Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nhưng liệu một mình Vingroup có tạo thành vành đai phòng tuyến vững chắc trước các cuộc đổ bộ của hàng Thái, Hàn Quốc?
Coopmart chỉ “rộng cửa” cho những mặt hàng mình không liên kết?
Còn nhớ, cách đây vài năm, Satra, Hapro, Phú Thái và SaigonCo.op từng cùng hợp tác để hình thành nên một liên minh bán lẻ, với kỳ vọng xây dựng một thương hiệu lớn có sức mạnh cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, sự hợp tác này cho đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Ở góc độ nhà quản lý, khi bàn về khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Coop, cho rằng, vấn đề mấu chốt của nhà cung cấp khi đưa sản phẩm vào siêu thị là sản phẩm phải có chất lượng, có sự khác biệt và được sự chấp nhận của khách hàng. Nếu doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng thì kênh phân phối nào cũng cần. “Sản phẩm có tốc độ phủ thị trường tốt, khách hàng vào siêu thị ai cũng hỏi mua thì không có nhà bán lẻ nào lại không bán sản phẩm của doanh nghiệp”, ông Hòa đưa ra quan điểm.
Tất nhiên, siêu thị “mở rộng” quyền lực và sức ảnh hưởng cũng là việc cạnh tranh bình thường trong kinh doanh. Siêu thị có quyền chọn sản phẩm mà hệ thống siêu thị khác ít có nguy cơ đe dọa họ. Ví dụ, kem đánh răng của Unilever đã có thị phần 65% thì siêu thị bán lẻ nào cũng muốn duy trì mặt hàng này để đảm bảo doanh số.
Tuy nhiên, có những mặt hàng chiếm thị phần cao trên thị trường nhưng cũng không có cửa lọt vào Coopmart. Nước tương Chinsu và Tam Thái Tử là một ví dụ cụ thể. Dù là đại diện của hàng Việt Nam chất lượng cao, thị phần lớn (theo báo cáo thường niên năm 2015 của tập đoàn Masan do AC Neilsen thực hiện thì nước tương Chinsu, Tam Thái Tử chiếm 71% phần thị phần nước tương cả nước, tương ớt chiếm 43%) nhưng hai sản phẩm vẫn không được vào cửa Coopmart suốt 10 năm qua.
Dân trong nghề tìm lí do để lí giải cho sự kiện này, có người cho rằng có thể vì Saigon Co.op đã bắt tay với Wilmar International Limited thành lập liên doanh Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương, sản xuất các loại nước chấm, gia vị mang nhãn hiệu Nam Dương,hiện đang phân phối chính tại Coopmart? Hoặc có thể vì ở vai trò nhà phân phối (có quyền lực trong việc chọn sản phẩm) thì việc chọn hay không chọn là quyền của họ.
Nếu xét trên bình diện rộng hơn của chức năng nhà phân phối cũng ghi nhận một thực tế đang báo động tình trạng “ vị trí số 1” về quy mô của Saigon Co.op
Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện rộng hơn của chức năng nhà phân phối cũng ghi nhận một thực tế đang báo động tình trạng “ vị trí số 1” về quy mô của Saigon Co.op đang bị doanh nghiệp mang yếu tố nước ngoài đe doạ khi các tên tuổi lớn trong lĩnh vực phân phối đang có dấu hiệu bị các “ông lớn ngoại quốc” thâu tóm.
Đó là chưa kể đến yếu tố “tự thân” của Saigon Co.op về sự phong phú và chất lượng hàng hóa cũng là thử thách lớn cho hệ thống siêu thị này trong thời gian tới. Hiện Saigon Co.op có khoảng 1.500 nhà cung cấp là doanh nghiệp nội và hơn 90% hàng hóa tại hệ thống Co.opmart là hàng Việt Nam.Nhưng khi thuế nhập khẩu giảm dần và về 0% theo các hiệp định thương mại tự do, hàng hóa của Việt Nam buộc phải cạnh tranh công bằng và nhiều khả năng sẽ bị “lép vế” ngay trên sân nhà trước sự “đổ bộ” của các thương hiệu ngoại nhập. Khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài rõ ràng có thêm ưu thế nhờ khả năng nhập hàng với khối lượng lớn và khả năng cân đối, phân phối hàng hóa trên quy mô toàn cầu.
Với thực tế trên nếu các “ông trùm” trong hệ thống phân phối Việt không rộng cửa liên kết và kết hợp chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp trong nước thì tình trạng “lợi bất cập hại” rất có thể sẽ xảy ra với “ông lớn” trong ngành phân phối này. Câu chuyện bó đũa trong ngành bán lẻ Việt có lẽ vẫn chưa có hồi kết…