Người dân sống chung với ô nhiễm
Những ngày giữa tháng 3/2020, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã tìm tới tỉnh Đồng Nai để mục sở thị về tình trạng lò gạch thủ công trong khu dân cư. Quả thực, dọc Quốc lộ 51 từ TP. Biên Hòa về huyện Long Thành, hai bên đường vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động.
Ông Khải, một người dân sống gần lò gạch ở phường An Hòa (TP. Biên Hòa) cho biết, hằng ngày, các xe chở đất ra vào các lò gạch hoạt động liên tục mà không được che chắn gì, đất rơi vãi đầy đường. Những ngày nắng thì bụi mù mịt, còn những ngày mưa thì đường lầy lội khiến người dân đi lại khó khăn.
“Các lò gạch thủ công này hoạt động liên tục, ngày cũng như đêm. Mỗi khi các cột khói đen xì bốc lên thì không khí xung quanh có mùi rất khó chịu, không thể ngửi được”, ông Khải nói rồi chỉ tay vào khóm chuối đã chết ở ngoài vườn và cho biết thêm, bằng mắt thường thì chẳng biết không khí ô nhiễm như thế nào, nhưng cứ hễ trồng cây gì là cây đấy đều chết khô.
Bà Tân, cũng là người dân sống ở đây cho biết, cứ trời tối là không dám ra ngoài đường vì lúc này các lò gạch đang “nhả khói” hết công suất. Không khí bên ngoài có mùi giống như mùi than đá, rất khét và nồng, có lúc không thể thở nổi.
“Cũng chính vì không khí ô nhiễm mà nhà tôi có cháu nhỏ mới sinh nhưng thường xuyên bị bệnh sổ mũi, cứ phải đi khám bác sĩ liên tục”, bà Tân nói.
Tương tự, đoạn từ Quốc lộ 51 rẽ vào Khu công nghiệp Long Đức, xã An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) cũng khiến chúng tôi choáng ngợp. Bởi đoạn đường chỉ dài khoảng 2 km, nhưng lại có đến hàng chục lò gạch, cơ sở sản xuất gạch đang hoạt động.
Những ống khói hướng lên trời, thỉnh thoảng lại “nhả” ra những luồng khói đen ngòm, khét lẹt, nhất là vào buổi trưa và lúc xế chiều. Do vậy, không có gì khó hiểu khi những rặng cây gần khu vực này thường xuyên dính đầy bụi đen, thậm chí là chết khô.
Không chỉ ảnh hưởng đời sống người dân, mà những lò gạch thủ công tại huyện Tân Phú (Đồng Nai) còn gây thiệt hại đến kinh tế của các hộ dân sống ở xung quanh.
Cụ thể, vườn bưởi da xanh là nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông Huy, nhưng hiện tại đều phải chặt bỏ vì không thể sống nổi. Nguyên do bởi đất ở vườn này chưa thể cải tạo được vì là đất sét của các lò gạch xung quanh theo nước mưa tràn vào. Đến giờ, qua nhiều năm, đất vườn màu mỡ đã nằm sâu dưới lớp đất sét dày đến vài tấc.
“Một năm, vườn bưởi da xanh này sẽ đem về khoảng 150 - 200 triệu đồng. Nhưng hiện tại thì gia đình tôi trắng tay vì đất chưa thể cải tạo được nếu như các lò gạch ở xung quanh vẫn hoạt động”, ông Huy nói và cho biết thêm, không chỉ gia đình ông, mà nhiều mảnh đất khác có vị trí thấp hơn các lò gạch thủ công này thì đều chung số phận.
Theo ghi nhận của phóng viên, các lò gạch này phần lớn được xây dựng từ nhiều năm trước. Một số lò đã chuyển sang sử dụng công nghệ “lò vòng dã chiến”. Gọi là “dã chiến” vì những chiếc lò vòng này không có nắp, tạm bợ như công nghệ sản xuất thời chiến.
Chính quyền “đá” trách nhiệm
Năm 2010, nhằm xóa bỏ lò gạch thủ công, phát triển vật liệu xây dựng không nung, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức thực hiện xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các loại lò gạch, lò vôi thủ công và các giải pháp thay thế.
Tại Đồng Nai, lộ trình đóng cửa các lò gạch thủ công cũng đã được UBND tỉnh triển khai từ vài năm trước.
Các lò gạch thủ công tại Đồng Nai vẫn ngày đêm nhả khói
Cụ thể, ngày 29/3/2017, UBND tỉnh Đồng Nai họp bàn về lộ trình xử lý các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh. Tại đây, Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn tỉnh còn 142 lò gạch thủ công, trong đó có 140 lò vòng và 2 lò đứng tập trung chủ yếu ở các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Định Quán, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 lò gạch thủ công chưa có cam kết bảo vệ môi trường. Các lò gạch này sử dụng nguyên liệu đốt là củi, vỏ điều, vải vụn, mồi lửa bằng lốp xe, cao su và nguyên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, nhiều chủ lò gạch thủ công mặc dù đã ký cam kết không sử dụng chất đốt gây ô nhiễm môi trường nhưng trong quá trình vận hành vẫn sử dụng.
Lúc này, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, chậm nhất trong năm 2018 toàn tỉnh phải giải quyết dứt điểm các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đến nay đã quá hẹn 2 năm, nhưng không hiểu vì lý do gì, các lò gạch thủ công vẫn ngày đêm xả khói trong các khu dân cư.
Để tìm hiểu thông tin về vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với chính quyền địa phương như UBND phường Phước Tân (TP. Biên Hòa), UBND xã An Phước (huyện Long Thành)… nhưng đều nhận được câu trả lời rằng, địa phương chỉ là đơn vị phối hợp nên không có kế hoạch gì.
Khi được hỏi trên địa bàn phường, xã mình quản lý có tổng thể bao nhiêu lò gạch, cơ sở sản xuất gạch thủ công đang hoạt động, các vị lãnh đạo này cũng không đưa ra được con số chính xác.
Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó chủ tịch UBND phường Phước Tân cho biết, nhiều năm trước, UBND tỉnh đã có chủ trương di dời (lò gạch thủ công - PV), nhưng đến nay vẫn chưa thấy một văn bản hay lộ trình nào gửi xuống nên địa phương cũng không biết phải làm thế nào.
Tại phường An Hòa, nơi có nhiều lò gạch thủ công nhất TP. Biên Hòa, khi phóng viên tới liên hệ làm việc thì bị cán bộ văn phòng gây khó khăn, không cho tiếp cận với lãnh đạo UBND phường.
Thậm chí, dù không có quyền phát ngôn, nhưng một cán bộ ở đây cho biết, kế hoạch di dời các lò gạch này là của tỉnh và Thành phố, phường không không thể trả lời được. Nếu cần cung cấp thông tin gì thì liên hệ với UBND TP. Biên Hòa.
Chúng tôi tiếp tục tới UBND TP. Biên Hòa để liên hệ làm việc. Ngày 6/3, UBND TP. Biên Hòa có văn bản yêu cầu Phòng Kinh tế chủ trì, cùng các đơn vị có liên quan rà soát thông tin về thực trạng, kế hoạch di dời các lò gạch thủ công trên địa bàn để cung cấp cho Báo Đầu tư Bất động sản. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không nhận được bất kỳ thông tin gì.
Ngày 23/3, phóng viên cố gắng liên lạc với ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa thông qua điện thoại nhưng kết quả nhận về vẫn là sự im lặng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com