Động lực tăng trưởng mới của Digiworld

(ĐTCK) Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thế Giới Số - Digiworld (DGW) Đoàn Hồng Việt cho rằng, ý thức và tốc độ áp dụng số hóa trong kinh doanh ngày càng nhanh. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho mảng thiết bị văn phòng của Digiworld tiếp tục tăng trưởng. Năm 2017-2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu của mảng này rất ấn tượng, lần lượt 34% và 47%. 
Động lực tăng trưởng mới của Digiworld

Thiết bị văn phòng trở thành trụ cột tăng trưởng thứ 2

Mảng kinh doanh thiết bị văn phòng của Digiworld lần đầu tiên vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng, đạt hơn 1.100 tỷ đồng năm 2018. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, DGW sẽ đưa mảng thiết bị văn phòng (bên cạnh ngành hàng tiêu dùng) trở thành động lực tăng trưởng chính của Công ty.

Lý do được ông Việt diễn giải rất đơn giản. Ðây là ngành hàng liên quan đến chuyển đổi số - một xu thế bắt buộc, doanh nghiệp (DN) không chuyển đổi số, không nắm chắc dữ liệu trong tầm tay thì khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường tương lai.

Nói cách khác, nếu DN không linh hoạt bắt kịp với những đổi thay mang tính chiến lược sẽ nhanh chóng bị đào thải. Thực tế khắc nghiệt cũng cho thấy, nhiều thương hiệu lớn đã ra đi. Tốc độ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng các thiết bị của nhóm ngành này mà DGW đang kinh doanh.

Nếu như hơn 10 năm trước, DN mua máy tính chỉ để soạn thảo văn bản, thì nay, nhiều DN (không chỉ DN về công nghệ) đã đầu tư hệ thống ERP, sử dụng dữ liệu để phân tích hành vi khách hàng, áp dụng công nghệ mới liên quan kỹ thuật số để vận hành hiệu quả, gia tăng cạnh tranh. Theo ông Việt, đó chính là chuyển đổi số.

Hiện danh mục sản phẩm trong nhóm thiết bị văn phòng của Digiworld rất đa dạng, từ máy chủ, máy trạm, giải pháp năng lượng, thiết bị kết nối thông minh IoTs, giải pháp mạng, phần mềm, điện toán đám mây (dịch vụ Cloud)... Ðây đều là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu số hóa của doanh nghiệp. Trong đó, phần cứng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong mảng thiết bị văn phòng của Digiworld.

Không chỉ ở Việt Nam, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Theo dự báo của IDC, chi phí chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ xấp xỉ 2.000 tỷ USD vào năm 2022. Năm 2018, riêng chi tiêu cho chuyển đổi số đạt 1.300 tỷ USD. Xu hướng chuyển đổi số sẽ tăng đầu tư cả 3 mảng: phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Trong đó, chi phí đầu tư cho phần cứng và dịch vụ chiếm hơn 75% chi phí đầu tư chuyển đổi số trong năm 2019.

 DGW -Doanh thu thiết bị văn phòng.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của một đơn vị kiểm toán Big4, trước đây, chi phí tiết kiệm thường được đầu tư cho các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng, còn nay họ hướng tới tạo lợi thế cạnh tranh bằng chuyển đổi số. Các khoản tiết kiệm đang đầu tư vào công nghệ, cơ sở hạ tầng nhằm tiết kiệm chi phí hơn nữa; đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh hiệu quả trong môi trường ngày càng kỹ thuật số.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, 48% công ty được khảo sát đầu tư phát triển thực hiện tự động hóa; 42% đầu tư công nghệ AI; 41% đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng ERP so với việc đưa ra các phương thức quản lý chi phí truyền thống.

Tại Việt Nam, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về đề án “Chuyển đổi số Quốc gia”. Ðề án đưa ra mục tiêu, đến năm 2025 là chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo WEF thuộc TOP 40 (năm 2020 đạt TOP 50); 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch sang nền tảng số (đến 2020 đạt 10%); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (đến 2020 đạt 15%); phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam... Sự phát triển của Việt Nam không nằm ngoài xu hướng toàn cầu, DGW cũng vậy. Với nền tảng nội lực vững chắc, DGW đặt mục tiêu tăng trưởng kép cho mảng này tối thiểu 25% trong giai đoạn 2019-2021, đạt doanh số hơn 2.170 tỷ đồng vào năm 2021.

Riêng năm 2019, kế hoạch doanh thu mảng thiết bị văn phòng là 1.390 tỷ đồng, tăng 25% và hàng tiêu dùng 350 tỷ đồng, tăng 367%  (gồm 180 tỷ đồng từ mảng chăm sóc sức khỏe và 170 tỷ đồng từ mảng FMCG, đặc biệt với sự đóng góp của hợp đồng mới ký với Nestlé Việt Nam từ tháng 1 năm 2019). 

Hợp tác với HTC VIVE đón đầu xu hướng Thực tế ảo

Ðầu tháng 5 vừa qua, DGW đã ký kết hợp tác chiến lược cùng HTC VIVETM - thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực Thực tế ảo (VR - Virtual Reality), kỳ vọng sẽ tạo ra hệ sinh thái VR và các giải pháp ứng dụng hữu ích trong tương lai.

Chủ tịch DGW cho biết, do tốc độ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, nhu cầu tăng lên nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi cho mảng thiết bị văn phòng, nhưng cũng đồng thời đòi hỏi DGW phải mang đến cho khách hàng những sản phẩm mới, dịch vụ mới phù hợp với xu hướng trong tương lai. Chẳng hạn, hợp tác với HTC đưa VR lan tỏa nhiều hơn tới các DN Việt Nam. Ðây cũng là sự cam kết của Digiworld trong việc hiện thực hóa kế hoạch tăng trưởng dài hạn từ xu hướng chuyển đổi số.

Theo đó, DGW sẽ cung cấp chủ yếu sản phẩm phần cứng cho khách hàng và kết nối các nhà phát triển nội dung với doanh nghiệp, thậm chí DGW có thể hợp tác với các nhà phát triển để cung cấp giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp. Ðối tượng khách hàng chú trọng sẽ là DN trong lĩnh vực bất động sản và game (khi mạng 5G trở nên phổ biến hơn thì trải nghiệm game VR tuyệt vời hơn nhiều so với chơi trên máy tính như hiện nay).

Ông Raymond Pao, Tổng giám đốc HTC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương kiêm Phó chủ tịch Chiến lược sản phẩm toàn cầu HTC chia sẻ, lĩnh vực này khác biệt so với mảng điện thoại di động của HTC, nó cần cả một hệ sinh thái, cần các đối tác về phần cứng, phát triển nội dung và tư vấn giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu, nhiệm vụ quan trọng của HTC là phát triển hệ sinh thái. Ðiều này đòi hỏi HTC cần một đối tác như DGW đi song hành.

Nghiên cứu thị trường của HTC cho thấy, khi thị trường Việt Nam chưa hình thành kênh phân phối thì hầu hết các sản phẩm lưu hành ở Việt Nam là hàng xách tay. Trong khi đó, với các khách hàng doanh nghiệp lại cần hàng chính thống, có nguồn gốc xuất xứ, có bảo hành, xuất hóa đơn… Vì vậy, có một đơn vị đảm nhận được hết các khâu trên như DGW sẽ được khách hàng đón nhận và yên tâm hơn rất nhiều. Ðây là vai trò chính của DGW trong sự hợp tác này - tức phát huy tối đa năng lực cốt lõi là phát triển thị trường (MES) - vốn đã rất thành công trong thương vụ DGW đưa sản phẩm Xiaomi gia tăng thị phần nhanh chóng tại Việt Nam.

Ông Việt chia sẻ thêm, DGW làm việc chặt chẽ với các lập trình viên để đưa ra giải pháp cho khách hàng. “Khi chào sản phẩm, chúng tôi đã có những sản phẩm demo để họ thử, họ thích, đặt hàng và sau đó mình thiết kế những giải pháp riêng theo nhu cầu”, ông Việt nói. Hay nói cách khác, DGW sẽ giúp các DN, gợi ra cho họ những nhu cầu mà có khi ngay tại thời điểm này, họ chưa nghĩ đến.

Nhiều DN đã ứng dụng công nghệ Thực tế ảo cho các lĩnh vực như game, giáo dục, y tế, thiết kế, nội thất, du lịch… Một DN xuất khẩu giày đi thị trường Mỹ sẽ không mất thời gian và chi phí cho việc thiết kế giày xong thì phải gửi mẫu sang đối tác, mà có thể sử dụng thiết bị VR để cùng tương tác, thảo luận nhanh chóng. Các giải bóng đá nổi tiếng trong tương lai cũng sẽ chỉ cần kính thực tế ảo và mạng 5G là đã có thể xem trực tiếp trận đấu. Hoặc khách hàng sẽ được chiêm ngưỡng, tùy chỉnh thiết kế ngôi nhà của mình… rất nhanh chóng ngay tại các cửa hàng trưng bày nội thất.

Hiện nay, DGW đang cung cấp cloud cho một chuỗi cà phê của Việt Nam và cũng đang tư vấn họ trang bị kính VR tại các cửa hàng cà phê để tăng trải nghiệm cho khách hàng trong đó có các chương trình du lịch hoàng thành, các điểm đến du lịch trên thế giới phải đến chẳng hạn, giới thiệu các câu chuyện lịch sử, ẩm thực đặc sắc... Rõ ràng, sức mạnh cạnh tranh của quán cà phê đó sẽ thay đổi. Các quán chuỗi cà phê khác cũng sẽ phải suy nghĩ lại và học hỏi theo. Tức là có thể tạo ra làn sóng cạnh tranh khác đi, công ty nào làm tốt thì cạnh tranh sẽ rất tốt.

Tuy nhiên, ông Việt cũng nhìn nhận rằng, thách thức lớn nhất trong việc chuyển đổi số chính là ý thức của doanh nghiệp. Các đơn vị tư vấn sẽ phải tạo được nhu cầu và thuyết phục khách hàng của họ. 

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục