Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, tuy quy mô margin được đánh giá đang ở mức lớn nhất từ trước tới nay, nhưng vẫn phù hợp với quy mô niêm yết trong nửa đầu năm 2017.
Tại nhiều công ty chứng khoán, hạn mức cho vay margin vẫn còn. Chưa kể, điểm tích cực là xuất hiện dòng tiền mới - trở thành động lực tăng cho thị trường, thay vì phụ thuộc vào nguồn tiền margin như các năm trước.
Thực tế, một số công ty chứng khoán có điều chỉnh tỷ lệ cho vay nhưng chủ yếu nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, nhất là cổ phiếu bất động sản, vốn đã tăng nóng trong thời gian qua và luôn có độ rủi ro cao hơn so với các cổ phiếu bluechip.
Theo chiến lược riêng, một số công ty chứng khoán thường có động thái “soi” mạnh và đưa vào diện theo dõi nhằm có hành động kịp thời ngay khi các cổ phiếu nhóm này trong đà tăng từ 30 - 50%.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, tình hình margin căng thẳng nhưng chỉ ở các nhóm cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa vừa và nhỏ. Lượng margin cao trên từng cổ phiếu do hết room nhưng dư nợ của nhóm này chiếm tỷ trọng nhỏ và tổng dư nợ margin hiện nay chưa quá lo ngại.
Từ đầu năm 2017 đến nay, nhóm cổ phiếu này tăng nóng, dòng tiền đổ vào rất lớn kéo theo lượng tiền margin tăng lên. Gần đây, dòng tiền đã có sự dịch chuyển khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ sang nhóm cổ phiếu cơ bản hơn, cũng chính vì vậy, nhà đầu tư lo ngại liệu dòng tiền có bị rút ra khỏi thị trường?
Về vấn đề này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, về lý thuyết, dòng tiền tài trợ cho margin không nhiều tới mức có thể đẩy liên tục ra thị trường, nên thị trường cần một nhịp điều chỉnh trở lại để dòng vốn đang đầu cơ quay đầu. Thực tế, dòng tiền không rút ra khỏi thị trường mà sau khi quay ngược sẽ mua trở lại.
Bên cạnh đó, việc tình trạng thanh khoản suy giảm do nhà đầu tư đang trong trạng thái lưỡng lự trước khi quyết định mua hay bán tiếp bởi cổ phiếu đã tăng giá mạnh, tâm lý mua đuổi theo giá của nhà đầu tư không còn. Do đó, cung tăng nhưng cầu yếu dần, dẫn tới thanh khoản sụt giảm. Nhiều khả năng tình trạng thanh khoản thấp sẽ còn tiếp diễn trong một số phiên giao dịch tuần này.
Nhìn chung, thời gian qua, các công ty chứng khoán có thực hiện cắt giảm margin nhưng chỉ ở một số nhóm cổ phiếu đầu cơ cao, cơ bản kém nhưng tăng giá mạnh. Hoạt động này không khiến thị trường suy giảm do đang có dòng tiền đầu cơ thay thế và bản thân các mã bị cắt margin là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không ảnh hưởng tới thị trường chung.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, tình trạng margin của các công ty chứng khoán hiện nay ở mức cao, nhưng không căng thẳng. Nhiều công ty vẫn còn hạn mức cho vay và dư nợ chưa ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Điểm tích cực cần chú ý là thị trường vẫn tăng tốt ngay cả ở thời điểm margin của các công ty chứng khoán ở mức trung bình. Điều này cho thấy có nguồn tiền mới chảy mạnh vào thị trường và xu hướng đi lên xuất phát từ nguồn lực này, thay vì phụ thuộc vào margin như các năm trước.
Về dòng tiền mới, theo ông Ngọc, có 2 nguồn chính. Thứ nhất là từ kênh tiết kiệm và các kênh đầu tư khác chuyển sang thị trường chứng khoán, khi tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay ở mức cao nhất 5 năm qua. Thứ hai là nguồn vốn ngoại, khi khối ngoại mua ròng gần 7.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Với các nguồn lực này, nhiều khả năng xu thế tăng của thị trường sẽ được duy trì.
Khuyến nghị chiến lược đầu tư trong tháng 6 cho nhà đầu tư, ông Minh chia sẻ, dòng tiền có thể tìm đến những cổ phiếu cơ bản, an toàn hơn, ít biến động theo thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên quan tâm tới nhóm cổ phiếu có sự phân hóa thời gian qua là ngân hàng.
Những cổ phiếu đầu cơ, bất động sản ở giai đoạn này đang suy giảm và không có thông tin hỗ trợ. Dự báo trong tháng 6, dòng tiền chưa vào mạnh ở nhóm này, nhiều khả năng chỉ quay trở lại trong tháng 7 - 8, khi kết quả kinh doanh quý II/2017 được công bố.