Thống kê tại UPCoM trong 5 tháng qua, đây là giai đoạn bùng nổ các doanh nghiệp lên sàn cả về lượng và chất, nhưng thanh khoản trên sàn này không có sự cải thiện đáng kể.
Với hơn 150 doanh nghiệp mới gia nhập trong thời gian này, vốn hóa UPCoM tăng gần 3 lần, nhưng giá trị giao dịch vẫn kém xa so với thị trường niêm yết HNX (xem bảng).
Ngoài các yếu tố như tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành, mức độ quan tâm của nhà đầu tư tới UPCoM, mức độ minh bạch của doanh nghiệp còn hạn chế, thì quy định không cho phép giao dịch ký quỹ được xem là có ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng thu hút dòng tiền chảy vào sàn này.
Giải thích về việc không mở margin cho sàn UPCoM, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các chỉ số phát triển thị trường đang cho thấy có sự phục hồi khá bền vững, nên Ủy ban nhận thấy không nên kích thích sự tăng trưởng của thị trường qua công cụ tiềm ẩn nhiều rủi ro là margin.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số công ty chứng khoán chia sẻ, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng margin trên UPCoM. Thực tế, trên UPCoM có không ít mã chứng khoán chất lượng, nhưng thanh khoản không cao, do nhà đầu tư không được sử dụng margin.
Trước đây, margin được nhận định là không có ý nghĩa nhiều đối với thanh khoản và sức hấp dẫn trên UPCoM, nhưng trong bối cảnh số lượng cổ phiếu lên sàn này tăng nhanh từ năm 2016 đến nay và dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, thì margin sẽ có tác động tích cực.
Chính vì vậy, trong lần sửa đổi quy chế giao dịch ký quỹ vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng như nhiều công ty chứng khoán đã đề xuất bổ sung nội dung cho vay giao dịch ký quỹ đối với các cổ phiếu có chất lượng trên UPCoM.
Tuy nhiên, điều này đã không được chấp thuận và Quy chế giao dịch ký quỹ mới (hiệu lực từ 1/4/2017) không “điền tiên” các cổ phiếu UPCoM vào diện được margin. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cho vay margin vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi vậy để giảm thiểu rủi ro mang tính đặc thù của nghiệp vụ này thì có hai cấp độ rất quan trọng phải đạt được và đều liên quan đến tính minh bạch.
Thứ nhất, ở cấp độ thị trường, cổ phiếu phải được giao dịch trong môi trường lành mạnh, cơ sở định giá có tính xác thực cao, ít rủi ro bị thao túng giá.
Thứ hai, ở cấp độ doanh nghiệp, cổ phiếu thuộc danh mục được vay margin phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về minh bạch thông tin theo quy định pháp lý. Trong khi đó, các doanh nghiệp lên UPCoM không phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe (minh bạch công bố thông tin, chất lượng doanh nghiệp) như doanh nghiệp niêm yết, nên cho phép giao dịch margin là rất rủi ro, không chỉ cho an toàn thị trường, mà cả với công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư.
Với quy chế margin mới, bước đi mở đường của HNX là lập ra bảng UPCoM Premium gồm các doanh nghiệp tốt, đáp ứng tiêu chí về tài chính và minh bạch thông tin, đã không có “hồi kết đẹp” là mở quy định cho phép giao dịch ký quỹ với cổ phiếu thuộc bảng này.
Margin là điểm đặc thù của chứng khoán, là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Trên các diễn đàn chứng khoán online, rất nhiều nhà đầu tư nóng lòng chờ đợi được margin trên UPCoM, thậm chí do có những hiểu lầm về câu chữ khiến không ít người tin rằng, cổ phiếu trên UPCoM, ít nhất là UPCoM Premium sẽ được giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, quy chế mới được đưa ra đã dẫn tới sự hụt hẫng đối với một bộ phận nhà đầu tư.
Một số chuyên gia đánh giá, việc nghiên cứu cho phép margin cổ phiếu của các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt ngoài tăng tính hấp dẫn, tính thanh khoản của cổ phiếu, còn giúp lành mạnh hóa các quan hệ tài chính trên UPCoM, tăng khả năng đảm bảo an toàn các hoạt động cho vay của công ty chứng khoán. Bởi suy đến cùng, có cầu về margin nhiều khả năng sẽ có cung, một số công ty chứng khoán có thể “vượt rào”, âm thầm triển khai.
Vẫn theo các chuyên gia, margin không được áp dụng, UPCoM cần có những giải pháp khác để thu hút dòng tiền.