Động lực cho thị trường chứng khoán năm 2020 bứt phá

(ĐTCK) Nếu như năm 2011, tiền lương trung bình tại các công ty niêm yết là 13,5 triệu đồng thì năm 2019, con số này dự kiến đạt 21,9 triệu đồng/nhân sự.

Trong vòng 8 năm, số lượng người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu tăng lên gần gấp 3 lần.

Động lực cho thị trường chứng khoán năm 2020 bứt phá  ảnh 1

Tầng lớp trung lưu sẽ là nền tảng và động lực cho nền kinh tế Việt Nam năm 2020 cũng như trong nhiều năm tới.

Động lực cho thị trường chứng khoán năm 2020 bứt phá  ảnh 2

Trên bình diện vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02% vào năm 2019, dự báo sẽ tiếp tục đạt 6,8% vào năm 2020, cao hơn hẳn so với nhiều nền kinh tế như Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, EU… 

Nền tảng nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu thế giới và tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng mở rộng là những yếu tố quan trọng để kỳ vọng câu chuyện TTCK 2020 sẽ lạc quan.

Động lực cho thị trường chứng khoán năm 2020 bứt phá  ảnh 3

Rủi ro lớn nhất đối với TTCK Việt Nam năm 2020 nằm ở các yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, xu hướng dòng vốn quốc tế và sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, rủi ro tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết còn tồn tại, nhưng với áp lực thấp khi lợi nhuận ròng toàn thị trường đang có dấu hiệu phục hồi nhờ các ngành ngân hàng và bất động sản.

Động lực cho thị trường chứng khoán năm 2020 bứt phá  ảnh 4

Xu hướng đi ngang trong ¾ thời gian của năm 2019 có thể kéo dài sang năm 2020, với điểm số dao động trong khung hẹp nhưng thanh khoản có thể sẽ cải thiện so với năm 2019 nhờ quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước; Luật Chứng khoán sửa đổi; dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng trở lại qua các kênh ETFs.

Cùng với đó là sự ra đời các sản phẩm mới như chứng quyền cũng sẽ tăng sức hút dòng tiền đầu tư.

Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MBS cho rằng, nhìn trên bình diện quốc tế, xu hướng điều hành của các NHTW vẫn tác động chính yếu đến kinh tế toàn cầu và TTCK.

Trong đó, xu hướng giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ diễn ra trên toàn cầu khi Mỹ tiếp tục hạ lãi suất hỗ trợ tăng trưởng và EU, Nhật Bản tung ra các gói nới lỏng định lượng vào cuối 2019, đồng thời sẽ tăng cường vào năm 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Động thái đó khiến xu hướng dòng tiền rẻ đổ vào các thị trường tài sản toàn cầu tăng lên và dòng tiền đầu cơ vẫn tìm kiếm các kênh có lợi suất cao.

Do đó, TTCK vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trên toàn cầu trong thời điểm hiện tại.

Trong kịch bản lạc quan, CTCK MBS cho rằng, năm 2020, chỉ số VN-Index có thể dao động bình quân trong khoảng cận dưới 960 điểm và cận trên 1.176 điểm, tăng 22,40% so với năm 2019 (tính theo mốc điểm cao nhất có khả năng đạt được).

Kịch bản cơ sở 2020: Chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng cận dưới 934 điểm với cận trên 1.075 điểm tăng 11,78% so với năm 2019 (tính theo mốc điểm cao nhất có khả năng đạt được).

Năm 2020 tiếp tục là năm dòng tiền sẽ rất chọn lọc và tập trung vào một số ngành tiêu biểu có nền tảng tăng trưởng tốt như ngân hàng; hàng tiêu dùng, bán lẻ…

Tuy nhiên, ở mặt bằng chung, TTCK Việt Nam đang có định giá khá hấp dẫn so với nhiều thị trường lân cận (xem đồ thị 3), nên nếu Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm có các giải pháp phù hợp về pháp lý, sức hấp dẫn dòng tiền đầu tư sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Động lực cho thị trường chứng khoán năm 2020 bứt phá  ảnh 5

Cũng theo ông Hà, TTCK Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm tiên tiến, tạo nên nhiều công cụ cho nhà đầu tư linh hoạt sử dụng hơn. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư tài chính luôn luôn thay đổi rất nhanh trước sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Vì vậy, theo lộ trình phát triển, chúng ta cần những sản phẩm tiêu chuẩn với tầm cỡ khu vực và thế giới. “Chúng tôi kỳ vọng những sản phẩm hướng tới nhà đầu tư nước ngoài, theo đó thu hút được dòng vốn lớn và dài hạn từ thế giới sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho TTCK Việt Nam”, ông Hà nói.

Bùi Thanh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục