Sản phẩm bảo hiểm chọn đầu tư cổ phiếu
Vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp (DN) bảo hiểm lớn như Prudential, Manulife, Dai-ichi phát triển thêm một dòng sản phẩm mới là bảo hiểm liên kết đơn vị bên cạnh sản phẩm truyền thống là bảo hiểm liên kết chung.
Nếu như nguồn bảo phí từ sản phẩm bảo hiểm liên kết chung trọng yếu để đầu tư trái phiếu chính phủ và giữ ở dạng tiền mặt, thì nguồn bảo phí từ sản phẩm liên kết đơn vị lại được đầu tư linh hoạt vào nhiều quỹ cụ thể, với tên gọi rất ấn tượng, để hợp với “khẩu vị” của nhiều người mua bảo hiểm.
3 năm qua, nguồn bảo phí chảy vào sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị tại Prudential tăng theo cấp số nhân: 139 tỷ đồng năm 2015 lên 301 tỷ đồng năm 2016 và 1.296 tỷ đồng năm 2017. Nguồn bảo phí này được Prudential phân bổ vào 5 loại quỹ. Chẳng hạn, Quỹ Prulink Cổ phiếu Việt Nam có tối thiểu 80% giá trị danh mục vào các cổ phiếu đang được niêm yết hoặc chưa niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Quỹ Prulink Tăng trưởng với định hướng dành 55-85% giá trị đầu tư vào cổ phiếu trên TTCK. Quỹ Prulink Bền vững với định hướng dành 15-45% giá trị danh mục vào cổ phiếu...
TTCK khởi sắc đã giúp các quỹ đầu tư từ nguồn bảo phí tăng trưởng rất tốt. Năm 2017, tỷ suất lợi nhuận ròng của Quỹ Prulink Cổ phiếu là 56,6%; Quỹ Prulink Tăng trưởng là 42%, Quỹ có tỷ suất thấp nhất là Prulink Trái phiếu cũng tăng trưởng 10,9% (xem bảng).
Tại Dai-ichi Life, tuy giá trị dòng bảo phí chảy vào sản phẩm liên kết đơn vị nhỏ hơn nhiều Prudential, nhưng dòng sản phẩm này có cơ hội thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi hiệu quả mang lại cho người mua bảo hiểm khá lớn. Quỹ Tăng trưởng của Dai-ichi Life đạt tỷ suất đầu tư 52% trong năm 2017, còn Quỹ Phát triển mang lại lợi nhuận 26,5% năm này.
Các công ty bảo hiểm sáng tạo ra nhiều loại hình quỹ đầu tư tương ứng với mỗi loại bảo hiểm liên kết đầu tư, được thiết kế từ rủi ro thấp đến rủi ro cao theo sự chọn lựa của người thụ hưởng. Các quỹ đầu tư có nguồn tiền từ bảo phí cũng đang thực thi quy trình công bố thông tin minh bạch không kém gì các quỹ mở trên TTCK Việt Nam. Nhà đầu tư có thể tìm thông tin trên website của các công ty bảo hiểm.
Doanh thu phí khai thác mới từ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư từ năm 2016 đã chiếm tỷ trọng trên 50% doanh thu phí khai thác mới từ các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và tỷ trọng này có xu hướng tăng khi dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư có tốc độ tăng trưởng mạnh.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, năm 2017, tổng doanh thu từ thị trường bảo hiểm đạt 131.000 tỷ đồng, tổng tài sản của các DN bảo hiểm ước đạt 315.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016. Số tiền khối DN này đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 251.639 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016.
Tìm bức tranh tổng quan về các dòng tiền lớn
Trên TTCK, nói đến nhà đầu tư chuyên nghiệp thường được hiểu là các công ty quản lý quỹ đầu tư. Thực tế, khối công ty quản lý quỹ đầu tư có 2 chức năng chính: quản lý ủy thác đầu tư và quản lý quỹ đầu tư được thành lập theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trên thị trường, khối công ty quản lý quỹ đang quản lý 10 quỹ mở với hiệu suất đầu tư khá ấn tượng. Tính đến đầu tháng 3/2018, Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF có giá trị tài sản ròng đạt 20.429 đồng/chứng chỉ, tăng 33,28% tính trong 1 năm.
Quỹ Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI-SCA có giá trị tài sản ròng 21.851 đồng/chứng chỉ, tăng 10,4% từ đầu năm 2018 và tăng 50,5% trong vòng 1 năm; Quỹ VFMVF1 có giá trị tài sản ròng 46.230 đồng/chứng chỉ, tăng 10,1% trong 1 tháng và tăng 55,2% trong 1 năm; Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh của Vinawealth do chọn đầu tư vào trái phiếu nên có mức sinh lời thấp nhất trong các quỹ mở, nhưng cũng có giá trị tài sản ròng 15.002 đồng/chứng chỉ vào giữa tháng 3/2018...
Nếu như trước đây, dòng tiền từ đại chúng không quan tâm nhiều đến chứng chỉ quỹ hay sản phẩm bảo hiểm thì nay, với hiệu quả đầu tư được thể hiện bằng các con số, dòng tiền có thể sẽ tìm đến các sản phẩm này nhiều hơn.
Khi thị trường cổ phiếu lớn mạnh về quy mô và có thêm những “tay chơi” lớn mới, việc giám sát tổng quan dòng chảy vốn đầu tư lại chưa có sự thống nhất 1 đầu mối. Hiện nay, các dòng tiền lớn đầu tư vào TTCK (như vốn ngoại, vốn từ quỹ đầu tư, vốn từ ủy thác đầu tư, vốn từ nguồn bảo phí...) đang được báo cáo qua các cơ quan quản lý khác nhau (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính), khiến việc đi tìm bức tranh tổng quan về các dòng tiền lớn chảy vào TTCK Việt Nam là không dễ dàng.