Dòng tiền thông minh chảy vào đâu?

(ĐTCK) VN-Index đang ở vùng đỉnh cao lịch sử, nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh, trong khi dòng vốn ngoại có dấu hiệu yếu dần khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm ra cơ hội đầu tư tốt. Dòng tiền thông minh chảy vào đâu giai đoạn này là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Dòng tiền thông minh chảy vào đâu?

Dòng vốn ngoại đã qua giai đoạn giải ngân mạnh

Dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Ông David Do, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VIG chia sẻ, tổng số tiền mà các quỹ ETF trên thế giới đang lý khoảng 5.000 tỷ USD; tại Việt Nam, ETF chỉ mới quan tâm vài năm qua. Các quỹ ETF lớn thường giải ngân khoảng 25 - 50 triệu USD, trong khi thị trường Việt Nam không có nhiều cổ phiếu và đủ lớn để các quỹ rót tiền. Đối với các quỹ đầu tư quốc gia, tổng số tiền đang quản lý là 8.000 tỷ USD, trong đó lớn nhất là quỹ đầu tư của Na Uy, khoảng 1.000 tỷ USD.

Các quỹ này thường quan tâm tới bất động sản, cơ sở hạ tầng và giao tiền cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác. Chẳng hạn, VIG đang quản lý tài sản 500 triệu USD, trong đó có tiền của các quỹ đầu tư quốc gia.

Ông David Do nhìn nhận, để các quỹ đầu tư quốc gia lớn như của Na Uy tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là khó. Với dòng vốn từ Hàn Quốc, nhiều tập đoàn của nước này đã đầu tư lâu năm tại thị trường Việt Nam, có thặng dư và họ muốn tái đầu tư.

Hiện họ tham gia đầu tư cả bất động sản, chứng khoán và góp vốn cổ phần (private equity). Còn dòng vốn từ Nhật Bản đã chảy vào Việt Nam từ lâu. Đáng chú ý, khoảng 2 năm qua, dòng vốn từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khá nhiều.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, về định lượng, các quỹ ETF đang đầu tư vào Việt Nam đa phần niêm yết tại các thị trường lớn nên khi biến động tại các thị trường đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ.

Một số quỹ ETF có mức chiết khấu lớn (thị giá chứng chỉ quỹ thấp hơn giá trị tài sản ròng), nên đối mặt với áp lực rút chứng chỉ quỹ và như vậy, trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ đối mặt với áp lực bán của khối ngoại.

Dòng tiền thông minh chảy vào đâu? ảnh 1

 Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở vùng điểm cao, nhưng được nhận định sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư

Về yếu tố định tính, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh về điểm số, nhưng chưa có sự đồng thuận của nhiều nhóm ngành, thay vào đó được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu bluechips, ngân hàng. Do đó, thị trường đang ở vùng đỉnh như hiện nay khiến giới đầu tư có xu hướng bán ra. Thêm vào đó, thị trường bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cách điều hành “bay nhảy” của Tổng thống Mỹ Donald Trump và dự báo điều này có thể lặp lại trong tương lai.

Phiên giao dịch cuối tuần qua (23/3), VN-Index sụt giảm xuống ngưỡng 1.150 điểm từ ngưỡng 1.170 điểm trong phiên 22/3 (trong phiên này, chỉ số có thời điểm đạt ngưỡng 1.180 điểm). Tuy nhiên, thị trường nhiều khả năng sẽ không giảm sâu trong những phiên tới và mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư có nhiều tiền mặt. Quan trọng hơn cả là mức tác động của thị trường Mỹ sẽ giảm dần đối với thị trường Việt Nam, bởi có sự dịch chuyển của dòng tiền ngoại sang các thị trường mới nổi, nhất là thị trường Nga và Trung Quốc, đây mới là những thị trường sẽ có tác động trực tiếp.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Trưởng phòng Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, chu kỳ giải ngân của các quỹ đầu tư chủ yếu từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam thường cho mức sinh lợi tốt nhất. Hiện đã là cuối tháng 3, nhịp giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài giảm dần.

Trong vài tháng gần đây, chỉ số chứng khoán tăng nhưng không lan tỏa, mà co cụm ở khoảng 50 cổ phiếu lớn nhất. Đến nay, nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh và giá trị giao dịch ký quỹ (margin) ở mức cao. Do vậy, dù VN-Index đã vượt mốc 1.170 điểm trong phiên 22/3, nhưng nhiều cổ phiếu lại không có thêm dòng tiền chảy vào và chỉ số có một phiên giảm điểm mạnh sau đó.

Để vượt mốc cao lịch sử trên một cách thuyết phục, cần khơi thông dòng vốn margin và đẩy mạnh hoạt động thoái vốn nhà nước, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí lớn. Chẳng hạn, chỉ cần Nhà nước thoái vốn ở mức giá cao hơn thị giá hiện tại, mặt bằng định giá sẽ được xác định lại, thị trường lên vùng cao mới và thuyết phục được dòng tiền của nhà đầu tư.

Những nhóm ngành đáng quan tâm

Ông David Do chia sẻ, chiến lược đầu tư của quỹ về cơ bản dựa vào GDP, tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, ăn uống, bán lẻ, giải trí, du lịch, giáo dục, y tế và logistic.

Đối với ngành ngân hàng, bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng đang dẫn dắt thị trường và vẫn còn triển vọng, nhưng ông David Do cho là giá nhiều cổ phiếu nhóm này hiện ở vùng đỉnh, thời gian đầu tư tốt nhất là 2 - 3 năm trước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Phương nhìn nhận, cổ phiếu ngành ngân hàng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, nhưng rủi ro đối với nhóm này chính là việc giá cổ phiếu đã tăng mạnh, cần thêm thời gian để lợi nhuận của ngân hàng phản ánh vào giá cổ phiếu.

Riêng cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh (Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần) có mặt bằng định giá thấp hơn, nhưng nhà đầu tư cũng nên chờ cuộc họp đại hội đồng cổ đông sắp tới để tìm hiểu kỹ về kế hoạch kinh doanh, kế hoạch thoái vốn nhà nước và thông tin về đối tác chiến lược cụ thể hơn. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần phân biệt rõ ràng đầu tư hay đầu cơ và hạn chế sử dụng đòn bẩy.

Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, câu chuyện nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (room) của ngành ngân hàng sẽ rõ ràng hơn trong năm 2018 và Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trở thành chất xúc tác lớn cho nhóm này. Ở nhóm ngân hàng tư nhân, ưu điểm là chủ động trong chiến lược hoạt động. Còn với khối ngân hàng quốc doanh, khả năng sẽ có một ngân hàng được chọn để thí điểm nới room.

Ông Nguyễn Thế Minh cũng đặt kỳ vọng vào ngành ngân hàng, bởi câu chuyện mở room ngoại và các ngân hàng đang chịu áp lực tăng vốn lớn để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II. Các yếu tố này sẽ làm thay đổi mặt bằng định giá, hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, còn câu chuyện tăng trưởng, các ngân hàng quốc doanh đang cơ cấu lại nguồn tài sản, dịch chuyển sang bán lẻ - mảng có tốc độ tăng trưởng nhanh. Trước áp lực cạnh tranh, các ngân hàng quốc doanh sẽ nỗ lực để cải thiện tình hình hoạt động. Đây là động lực cho cổ phiếu ngân hàng.

Nhiều chuyên gia có chung quan điểm, bây giờ mới quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng là hơi muộn, nhưng vẫn nên có trong danh mục, bên cạnh các nhóm ngành khác. Lưu ý, lượng tiền margin đang tập trung vào các cổ phiếu bluechips, do vậy, nhà đầu tư nên xoay chuyển chiến thuật, từ đầu cơ sang đầu tư. Bởi lẽ, nhóm cổ phiếu đầu cơ chủ yếu “sống” bằng margin nên khi dòng tiền này không đủ cho dòng đầu cơ hàng ngày thì khó tạo ra con sóng đủ lớn trên thị trường.

Đối với câu chuyện nới room ngoại và thoái vốn nhà nước tại các ngân hàng, không ít nhà đầu tư quan ngại, liệu có hay không tình trạng giống trường hợp SAB, Nhà nước thoái vốn xong thì giá cổ phiếu sụt giảm. Trong khi đó, ngân hàng là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường chung.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, các thương vụ mà nhà đầu tư muốn mua tỷ lệ sở hữu lớn, đặc biệt ở mức chi phối, thì họ sẽ chấp nhận trả cao hơn mức định giá. Điều này hoàn toàn bình thường. Với ngành ngân hàng, dự báo thu nhập tăng trưởng trung bình mỗi năm 40% trong giai đoạn 2018 - 2020 (năm 2017 tăng 100%). Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại nhiều ngân hàng dự kiến vẫn chi phối, ở mức 65%, nên không lo ngại vấn đề “chi phí thâu tóm” khiến giá cổ phiếu tăng quá mức.

Theo quy định mới nhất, vốn nhà nước sẽ được đấu giá công khai và giá sàn là giá trung bình 10 phiên giao dịch gần nhất, giúp hạn chế tình trạng cổ phiếu giảm sâu vì trước đó tăng quá đà. Mặt khác, hình thức bán vốn cũng rất quan trọng và phương thức phát hành thêm để bán cho đối tác chiến lược đang được ưa thích.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm tới nhóm dầu khí (trong nhóm này sẽ có sự phân hóa), yếu tố hỗ trợ là số lượng việc làm cải thiện; giá dầu ổn định và cung cầu đã cân bằng hơn.

Một nhóm ngành khác đáng quan tâm là chứng khoán, khi thị trường chứng khoán dự báo sẽ tăng trưởng tốt về giá trị giao dịch, nhu cầu sử dụng đòn bẩy gia tăng, giúp công ty chứng khoán gia tăng lợi nhuận. Sắp tới, thị trường có thêm nhiều sản phẩm mới và dự kiến có lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường, thúc đẩy lợi nhuận khối công ty chứng khoán tăng trưởng. Trong khi đó, hệ số định giá P/E hiện nay của khối công ty này chưa tương xứng với tiềm năng tăng trưởng.

Nhà đầu tư cũng nên quan tâm tới nhóm bất động sản. Thực tế cho thấy, bất động sản Phú Quốc, Bắc Ninh, Hải Phòng, khu Đông TP.HCM… có giá đang tăng, nhà đầu tư có thể tìm những doanh nghiệp thuộc khu vực này để đầu tư.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục