Chứng khoán thêm cơ hội hút dòng tiền

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index những ngày qua tăng giảm đan xen quanh mốc 1.100 điểm. Dòng tiền đang có dấu hiệu lan tỏa tìm kiếm các cổ phiếu còn tiềm năng tăng giá.
Cổ phiếu PV Power được nhiều nhà đầu tư quan tâm, thanh khoản cao sau khi lên sàn Cổ phiếu PV Power được nhiều nhà đầu tư quan tâm, thanh khoản cao sau khi lên sàn

Chứng khoán vẫn có sức hút mạnh mẽ

Chỉ số VN-Index vẫn đang dao động quanh vùng đỉnh được tạo ra vào cuối tháng 1/2018. Các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới VN-Index đều là các cổ phiếu mới niêm yết hơn trong vòng hơn 1 năm trở lại đây và nhóm cổ phiếu có sức hút mạnh mẽ đối với dòng tiền.

Bên cạnh cổ phiếu niêm yết mới, ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang rất hứng thú với tốc độ, kế hoạch và mức giá “hợp lý” của các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, vốn đã bị trì hoãn trong thời gian dài và đây là yếu tố có sức hút nhất đối với dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, theo ông Thế, khó có thể so sánh bối cảnh thị trường hiện tại với giai đoạn thăng hoa của thị trường trong năm 2007 vì cơ cấu và thanh khoản toàn thị trường đã thay đổi rất nhiều.

Một diễn biến vĩ mô tích cực với thị trường chứng khoán, được giới phân tích chỉ ra, lãi suất huy động trái phiếu đang có xu hướng giảm với lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 3,05%/năm, 7 năm là 3,4%/năm, 10 năm trong khoảng 4 - 4,35%/năm, 15 năm trong khoảng 4,4 - 4,5%/năm. So với tháng 1/2018, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm trên tất cả các kỳ hạn, điều này có thể giúp chứng khoán có sức hút mạnh mẽ hơn so với các kênh khác.

Chỉ số chứng khoán ở giai đoạn hiện tại đang nghiêng về xu hướng biến động vừa phải, tích lũy để có những bứt phá cao hơn trong giai đoạn tới.

Chứng khoán thêm cơ hội hút dòng tiền ảnh 1

Theo ông Thế, ở kịch bản này, những cổ phiếu tăng giá mạnh sẽ có xu hướng bị chốt lời, nhưng không quá mạnh do có nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư về thông tin hoạt động kinh doanh tích cực được đưa ra trong mùa đại hội đồng cổ đông đang bắt đầu. Điều này cũng sẽ thay thế lớp nhà đầu tư và tạo ra mặt bằng giá mới.

Ngược lại, những cổ phiếu không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư với những thông tin không tích cực về mục tiêu lợi nhuận năm 2018 của doanh nghiệp hay cổ tức thấp có thể sẽ chịu áp lực bán. Xu hướng này sẽ diễn ra cho đến khi các thông tin kinh tế vĩ mô quý I/2018 được công bố cuối tháng 3. Thị trường sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5 khi hàng loạt thông tin về đại hội đồng cổ đông và cổ tức được công bố.

VN-Index trong hai tháng đầu năm đã tăng 14% và đang ở gần vùng đỉnh lịch sử được thiết lập năm 2007 tại 1.171 điểm. Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đánh giá, đây là mốc kháng cự tâm lý rất mạnh, xét theo phân tích kỹ thuật, nên thị trường sẽ cần nhiều thời gian để có thể vượt được mốc này.

Ngoài ra, thị trường cũng đang chịu tác động từ những biến động của thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Vì vậy, theo chuyên gia SHS, trong kịch bản tích cực, thị trường cần tiếp tục tích lũy quanh vùng giá 1.050 - 1.130 điểm thêm một thời gian nữa, trước khi tiến tới mốc lịch sử 1.180 điểm.  

Tháng 3 có là “mùa con ong đi lấy mật” đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hay không thì vẫn chờ thời gian. Tuy vậy, cơ hội vẫn đang đến với nhà đầu tư khi dòng tiền có dấu hiệu lan tỏa, tìm kiếm các cổ phiếu hơn là phụ thuộc diễn biến chỉ số. Nắm giữ và mua - bán trên vị thế hiện có là chiến lược giao dịch trong lúc này.

Fed tăng lãi suất, dòng vốn ngoại không đáng ngại

Khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu trong tuần vừa qua và phiên đầu tuần này (5/3). Với thông tin Quỹ Vietnam Equity (Ucits) Fund (VEF), một quỹ thành viên thuộc quản lý của Dragon Capital bị rút vốn mạnh từ mức 163 triệu USD còn 99,5 triệu USD cùng với những xáo trộn từ thị trường tài chính thế giới trước những lo ngại về kịch bản tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ, dòng tiền ngoại rất có thể tiếp tục bị hút ra.

Giới đầu tư đang đặt khả năng rất cao về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất ngay trong tháng 3 này và điều này sẽ ít nhiều tác động đến dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán.

Ông Đặng Thanh Thế cho rằng, lợi suất trái phiếu Mỹ ở nhiều kỳ hạn khác nhau đã đi ngang một cách “ngoan cố” sau khi FED bắt đầu phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2015. Quan điểm của nhà đầu tư là với nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng không có lạm phát, chi phí đi vay dài hạn vẫn có thể duy trì mức thấp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, lợi suất trái phiếu bắt đầu tăng đều đặn.

Trong buổi điều trần đầu tiên vào cuối tháng 2/2018, bằng cách thừa nhận kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ hơn có thể buộc các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ lại về kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018, tân Chủ tịch FED Jerome Powell đã mở cánh cửa để FED tăng lãi suất tới 4 lần trong năm 2018.

Chứng khoán thêm cơ hội hút dòng tiền ảnh 2

Khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 3 này gần như đã chắc chắn, vấn đề chỉ còn là mức tăng sẽ theo thông lệ năm 2017 hay nhiều hơn. Khi đó, USD tăng giá đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu theo hướng tiêu cực và dòng tiền sẽ được hút về nước Mỹ. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này.

Căn cứ vào lịch sử tăng lãi suất trong những năm gần đây và diễn biến kinh tế vĩ mô của Mỹ thời gian qua, khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 3 này, theo ông Ngô Thế Hiển, là có.

Việc Mỹ tăng lãi suất theo nhiều nghiên cứu cho thấy đã và sẽ có tác động tiêu cực tới dòng vốn ngoại trên toàn cầu, đặc biệt là tại một số thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ông Hiển cũng lưu ý là việc tăng lãi suất của FED đã bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2015 và lộ trình dự kiến đã được các quan chức của cơ quan này công bố.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có thể chịu tác động, nhưng sẽ không quá tiêu cực và chỉ mang tính thời điểm, chứ không kéo dài, bởi các yếu tố cơ bản về vĩ mô cũng như doanh nghiệp đang được nhìn nhận khá tích cực.

“Trong 2 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng gần 12.000 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ở mức cao (hơn 1.000 tài khoản mở mới), các phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của nhiều doanh nghiệp lớn như PV Oil, PV Power thu hút lượng lớn nhà đầu tư ngoại, cho thấy họ vẫn có cái nhìn tích cực về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Hiển phân tích.     

Dòng tiền vào chứng khoán vẫn đang nhận được nhiều trợ lực, khi lãi suất huy động trái phiếu giảm, trong khi mức lãi suất cho vay năm 2018 dự báo cũng sẽ giảm về vùng 7,5 - 8,5% và chi phí lãi vay các dịch vụ chứng khoán ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng dự báo ở mức trên 20%, hỗ trợ một phần dòng vốn trên thị trường chứng khoán.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục