Dồn dập kiều hối những ngày cuối năm

(ĐTCK) Ước tính, trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, lượng kiều hối của cả nước có thể tăng 30% so với trung bình các tháng trong năm 2013. Dự báo, năm 2014, lượng kiều hối đạt 12 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm những hành động mạnh mẽ để thu hút nguồn kiều hối.
Dồn dập kiều hối những ngày cuối năm

Lượng kiều hối tăng dần đều

Chia sẻ với ĐCTK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng lượng kiều hối về tại TP. HCM vẫn tăng đều qua các năm. Cụ thể, trong 3 năm qua, lượng kiều hối tăng tương ứng 12%, 15% và tính đến cuối năm 2013 đạt 4,850 tỷ USD, tăng 17% so với cuối năm 2012. Lượng kiều hối về chủ yếu từ thị trường châu Mỹ, Canada, châu Âu và điểm đặc biệt là từ 2 thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, lượng kiều hối tăng gấp 3 lần, chiếm 5 - 6% so với những năm trước chỉ chiếm 1 - 2% trong tổng lượng kiều hối về TP. HCM.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, Việt Nam đứng thứ 9 trong các nước nhận được kiều hối nhiều nhất thế giới. Ấn Độ dẫn đầu với 71 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 60 tỷ USD, Philippines 26 tỷ USD, Mexico 22 tỷ USD, Nigeria 21 tỷ USD, Ai Cập 20 tỷ USD, Pakistan 15 tỷ USD, Bangladesh 15 tỷ USD… Nếu tính tỷ lệ so với GDP và tính bình quân đầu người, thì thứ bậc của Việt Nam còn cao hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn khó khăn, nhưng do người Việt Nam tiết kiệm nên vẫn có tiền để chuyển về nước. Với lượng kiều hối về TP. HCM chiếm khoảng 50% kiều hối của cả nước, nên năm 2013, ước tính kiều hối của cả nước đạt trên 10 tỷ USD. Trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, kiều hối có thể tăng đến 30% so với trung bình các tháng trong năm 2013. Dự báo, năm 2014, kiều hối sẽ tăng khoảng 10%, đạt 12 tỷ USD.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Ngày 12/09/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Đầu tháng 6/2006, Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực đã tác động trực tiếp đến nguồn kiều hối, cụ thể là việc mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân. Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh…

Bên cạnh đó là các chính sách kiều hối thông thoáng như: người nhận có thể bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam, nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản, nhận xong có thể bán lại cho ngân hàng hoặc gửi tiết kiệm, mà không phải chịu thuế thu nhập. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi nội tệ có sự chênh lệch khá cao so với lãi suất ngoại tệ nên đã thúc đẩy kiều hối tăng.

Theo TS. Hiếu, nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam được thể hiện dưới 4 hình thức chính: đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII), tín dụng quốc tế chủ yếu thu hút qua hình thức thu hút vốn ODA, nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm. Hiện nay, phần lớn dòng vốn quốc tế tiếp tục xu hướng hồi phục, mặc dù với tốc độ chậm hơn do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu, sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những năm qua cho thấy, Việt Nam chưa tận dụng được hết những lợi thế này. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn đầu tư đang diễn ra quyết liệt giữa Việt Nam với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước khu vực Đông và Nam Âu, khu vực Đông Nam Á với hoàn cảnh tương tự, nhưng có một số mặt lợi thế hơn Việt Nam.

Ông Minh cho biết: “Điều quan trọng là 71% lượng kiều hối về TP. HCM đi vào sản xuất - kinh doanh, 19% vào thị trường bất động sản, hơn 9% hỗ trợ khó khăn cho người thân”.

Còn theo TS. Hiếu, trong điều kiện thị trường vốn của Việt Nam đang gặp khó khăn như hiện nay, nguồn kiều hồi tăng trưởng đều qua các năm sẽ là một nguồn vốn lớn hỗ trợ phát triển kinh tế của cả nước. Chính phủ cần khẩn trương tái cấu trúc hệ thống NHTM để hệ thống phát triển lành mạnh, bền vững. Đây là kênh chứng minh và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền vào đầu tư tại Việt Nam. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin, cũng như tuân thủ những chuẩn mực quốc tế trong hệ thống ngân hàng.  

Nhiều chương trình khuyến mãi

“Kiều hối may mắn” là chương trình khuyến mại dành cho khách hàng cá nhân nhận tiền từ nước ngoài chuyển về được triển khai tại Vietcombank từ rất sớm, từ ngày 20/11/2013. Chương trình kéo dài 2 tháng với 322 giải thưởng được chia thành 2 đợt quay thưởng, trong đó giải đặc biệt của mỗi đợt là điện thoại Iphone 5 - 16 GB.

OceanBank triển khai chương trình khuyến mại cào trúng thưởng “Lộc Xuân tràn đầy -Tết vui sum vầy” dành cho khách hàng nhận tiền kiều hối. Theo đó, khách hàng khi sử dụng dịch vụ nhận tiền qua kênh Western Union tại OceanBank sẽ được tặng 1 thẻ cào với 100% cơ hội trúng giải. Giải thưởng của chương trình gồm 50 giải nhất, 650 giải nhì, trong đó mỗi giải nhất trị giá 1 triệu đồng.

Để giúp việc chuyển tiền và nhận tiền kiều hối của khách hàng được đơn giản, thuận tiện, an toàn với chi phí thấp nhất, nhận tiền Western Union Online là sản phẩm do VietinBank phối hợp với Western Union triển khai. Theo đó, chỉ với một cú nhấp chuột trên máy tính, tiền từ nước ngoài chuyển về sẽ có ngay trong tài khoản của khách hàng. Khách hàng không phải mất thời gian đến ngân hàng mà vẫn nhận được tiền 24/7.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục