Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về kiều hối

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 11 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 9,75 tỷ USD trong năm 2012. Tính chung, kiều hối chuyển về Việt Nam từ 1993 đến 2013 đạt khoảng 84 tỷ USD.
Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về kiều hối

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách các nước nhận kiều hối nhiều nhất, ước đạt 11 tỷ USD, sau Ấn Độ (ước 71 tỷ USD), Trung Quốc (60 tỷ USD), Philippines (26 tỷ USD) Mexico (22 tỷ USD), Nigeria (21 tỷ USD), Ai Cập (20 tỷ USD), Pakistan (15 tỷ USD), Bangladesh (15 tỷ USD).

Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về kiều hối ảnh 1

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng cao, với bình quân thời kỳ 1994 - 2012 tăng 24%/năm và hầu như tăng liên tục qua các năm (chỉ giảm trong năm 1997 do khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực và năm 2009 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới).

Kết quả trên đạt được do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông đảo. Việt Nam có trên 4 triệu Việt kiều sống ở nước ngoài, tập trung ở những nước phát triển, như Hoa Kỳ , Australia , Canada , Pháp…  Lượng tiền bà con Việt kiều gửi về nước chiếm tới 80% tổng lượng kiều hối.

Đó là chưa kể lượng ngoại tệ chi tiêu khi bà con về thăm thân nhân (gần 1,2 triệu lượt người/năm, bình quân chi tiêu trên 1.000 USD/lượt người).

Ngoài ra, Việt Nam hiện có trên 400.000 lao động làm việc ở nước ngoài. Lượng tiền do số lao động này gửi về hiện đạt khoảng 2 tỷ USD, chiếm 20% tổng số.

Thứ hai, do việc mở cửa, hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước, cùng với chính sách thông thoáng đối với kiều hối. Hiếm có nước nào cho phép người dân trong nước nhận kiều hối trực tiếp bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải chuyển đổi ngay ra nội tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại, không bắt buộc phải bán ngay cho ngân hàng.

Thứ ba, lãi suất gửi ngân hàng bằng VND cao hơn nhiều so với ngoại tệ, nên đã có sức thu hút ngoại tệ. Hơn nữa, một điều mà ít người biết đến là “cánh kéo tỷ giá”, theo đó, 1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương 2,5 USD tại Mỹ. Như vậy, trong so sánh, giá tài sản ở Việt Nam, nhất là bất động sản, giá doanh nghiệp, giá cổ phiếu đang ở mức thấp. Trong khi đó, Việt Nam có chính sách cho Việt kiều và người nước ngoài cư trú có thời hạn được mua nhà ở trong nước.

Thứ tư, dịch vụ chuyển phát kiều hối khá phát triển, với số lượng đơn vị làm dịch vụ này tăng nhanh, phục vụ nhanh chóng, an toàn.

Lượng kiều hối đã tác động đến nhiều mặt, như góp phần làm cho cán cân thanh toán tiếp tục đạt thặng dư; tỷ giá cơ bản được ổn định; tăng dự trữ ngoại hối; nâng cao độ an toàn tài chính quốc gia, cải thiện lòng tin vào đồng tiền quốc gia…

>> Kiều hối, mùa về sớm

>> Việt Nam sẽ nhận 11 tỷ USD kiều hối năm nay

Minh Nhung (baodautu.vn)
Minh Nhung (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục