Kiều hối kỳ Tết 2014 có thể tăng 35%

Hàng năm, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết Âm lịch đến sớm, lại gần với Tết Dương lịch, nên hứa hẹn lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ khả quan.
Kiều hối kỳ Tết 2014 có thể tăng 35%

Theo nhận định của Công ty Kiều hối Đông Á, lượng kiều hối trong kỳ Tết 2014 có thể tăng đến 35% so với trung bình các tháng trong năm, do nền kinh tế ở các nước phát triển đang phục hồi, nên thu nhập của người Việt tại các nước Mỹ, Pháp, Australia, Canada… dần ổn định, nhờ vậy, các kiều bào sẽ gửi tiền về nhiều hơn. Bên cạnh đó, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lao động xuất khẩu đang được duy trì và tăng trưởng ổn định (riêng năm nay có thêm khoảng 83.000 lao động xuất khẩu) và lực lượng này cũng sẽ góp phần đáng kể vào lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong thời điểm cận Tết.

Kiều hối kỳ Tết 2014 có thể tăng 35% ảnh 1

Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty Kiều hối Sacombank (Sacombank SBR) trong năm 2013 ước đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Vì thế, dù vốn điều lệ của Công ty này chỉ là 15 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế năm nay có thể đạt 15 tỷ đồng.

Dự kiến, Công ty Kiều hối Đông Á cũng sẽ đạt doanh số chi trả 1,5 tỷ USD trong năm nay, thay vì chỉ 1,35 tỷ USD như kế hoạch.

Còn theo dự báo của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ước tính lượng kiều hối về Việt Nam sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD) trong năm 2013, và sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2014.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, kiều hối năm nay chuyển về Việt Nam thông qua các ngân hàng trên địa bàn Thành phố ước đạt 4,8 -  5 tỷ USD, cao hơn con số 4,1 tỷ USD của năm trước. “Trong 10 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã đạt xấp xỉ 3,8 tỷ USD. Vì thế, con số gần 5 tỷ USD kiều hối của cả năm có thể là hiện thực, bởi kiều hối thường được mùa vào dịp cuối năm, khi nhu cầu gửi tiền về nước cho người thân của kiều bào gia tăng”, ông Minh nói.

Người nhận kiều hối được nhận trực tiếp bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải chuyển đổi ngay ra nội tệ. Đáng chú ý là, với sự ổn định của tỷ giá, vị thế của đồng nội tệ được nâng cao, nên xu hướng nhận kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, trong năm 2013, tỷ lệ chuyển đổi sang VND của lượng kiều hối tại Vietcombank ước chiếm 25% tổng số kiều hối, cao hơn các con số 20% của năm 2012 và 10 - 15% của các năm trước.

Ông Trịnh Hoài Nam , Phó tổng giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cũng cho hay, những năm trước, khách hàng nhận kiều hối thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do. Tuy nhiên, với sự ổn định của tỷ giá trong suốt năm nay, khách hàng nhận kiều hối có xu hướng đổi trực tiếp tại ngân hàng. Điều này cũng giúp hoạt động thu đổi ngoại tệ của ngân hàng phát triển rõ rệt.

Đón đầu thị trường kiều hối sôi động những tháng cuối năm và trong tháng 1/2014, các đơn vị kinh doanh kiều hối đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho khách hàng nhận tiền trong mùa cao điểm. Song song với việc tăng cường nhân sự chi trả, tổ chức xử lý hồ sơ  hợp lý, nhanh chóng, tăng thời gian chi trả cho khách… còn tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi, ưu đãi khi nhận kiều hối.

>> Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về kiều hối

>> Kiều hối, mùa về sớm

>> Việt Nam sẽ nhận 11 tỷ USD kiều hối năm nay

Thùy Vinh (baodautu.vn)
Thùy Vinh (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục