Đón cơ hội thịnh vượng cùng T-Corp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không gian làm việc tại CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (T-Corp, mã TVC) có sự thay đổi mạnh mẽ, hiện đại, sang trọng và rộng mở khi Công ty chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới với thông điệp “Sứ mệnh thịnh vượng”. Chọn thông điệp này, Chủ tịch T-Corp Phạm Thanh Tùng chia sẻ, điều ông mong muốn nhất là những người đi cùng Công ty đều trở nên giàu có, thịnh vượng. “Chúng tôi đang và sẽ hiện thực hóa mong muốn ấy trong 3 năm tới”.
Đón cơ hội thịnh vượng cùng T-Corp

Niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội vào năm 2014, sau 3 năm liên tục tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, tháng 5/2020, T-Corp nộp hồ sơ niêm yết lên thị trường bậc cao, Sở GDCK TP. HCM, dự kiến sẽ chào sàn vào tháng 11 tới.

Tại T-Corp, Công ty có 2 giá trị cốt lõi nổi bật, đó là việc sở hữu trên 70% vốn tại CTCP Chứng khoán Trí Việt và việc xây dựng thành công hệ thống huy động vốn chủ động trong nền kinh tế.

Một giá trị khác T-Corp đang rốt ráo xây dựng đó là hệ sinh thái đào tạo nhân sự quản lý tài sản, chứng khoán. Đây là vùng thị trường rộng lớn, chưa được khai phá một cách bài bản tại Việt Nam.

Với thế mạnh về con người và kinh nghiệm, Chủ tịch T-Corp khẳng định, ông sẽ tiến bước tiên phong, mạnh mẽ vào mảng đào tạo, vừa góp sức giúp ngành chứng khoán vững mạnh từ gốc nhân sự, vừa mở ra một ngành mới, có thể mang lại biên lợi nhuận 50% sau 3 năm.

Tính đến cuối quý II/2020, dung lượng vốn huy động của T-Corp đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 29 lần so với năm đầu niêm yết trên HNX.

Với hệ thống nhân sự vững nghề và vùng khách hàng rộng mở, ông Tùng tin rằng, T-Corp sẽ băng băng tăng trưởng doanh số tài sản quản lý, dự kiến đạt con số 5.000 tỷ đồng vào năm 2023.

“Chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay nếu duy trì ở mức 5% như hiện nay, hay thậm chí chỉ còn 3% chẳng hạn, thì khoản lãi của T-Corp từ nghiệp vụ vốn cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm”, ông Tùng nói.

Sẵn sàng trả xứng đáng cho các nhân sự giỏi về làm việc, nhiều tháng gần đây, lượng vốn huy động ròng vào T-Corp tăng trên 100 tỷ đồng/tháng, giúp Công ty ngày càng giàu nguồn tiền chủ động để thực hiện các dịch vụ về vốn.

Thị trường huy động vốn của T-Corp ngày càng khả quan khi ngày càng có nhiều người dân Việt Nam trở nên giàu có và có nhu cầu ủy thác, đầu tư hoặc sử dụng những dịch vụ quản lý tài sản chuyên nghiệp.

T-Corp bắt đầu với quy mô nhỏ từ 15 năm trước, lớn dần lên bằng kinh doanh minh bạch, quản trị rủi ro hiệu quả, nên đang và sẽ tiếp tục có niềm tin với người có tiền.

Thị trường vốn đầu vào thuận lợi, trong khi thị trường cung cấp các dịch vụ tài chính cũng rộng lớn không kém do Chính phủ ngày càng thúc đẩy việc phát triển doanh nghiệp và phát triển TTCK Việt Nam.

“Nhu cầu vốn hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư là rất lớn và đây là thị trường của Trí Việt. Chúng tôi có khả năng huy động vốn, đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, sáng tạo, đủ sức hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Tùng nói.

Trong việc sở hữu 70,29% vốn tại CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB, doanh nghiệp niêm yết trên HOSE), T-Corp đang mở cơ hội cho nhà đầu tư chiến lược tham gia mua lớn tại TVB. T-Corp đang xây 2 phương án giảm tỷ lệ sở hữu tại TVB.

Thứ nhất, sẽ giảm xuống tỷ lệ 51% và thứ hai là chỉ giữ lại tỷ lệ 36%, đủ quyền để phủ quyết các vấn đề tại Đại hội đồng cổ đông.

Một số nhà đầu tư lớn đã ngỏ lời tìm hiểu TVB khi mức giá bán lượng lớn cổ phiếu được Ban lãnh đạo dự kiến xây dựng là 22.000-25.000 đồng/cổ phần.

Trong quan điểm tìm đối tác chiến lược, ông Tùng cho biết, giá bán là quan trọng, nhưng không phải quan trọng nhất.

“Sau 15 năm gây dựng Tập đoàn Trí Việt, trong đó TVB là thành viên nòng cốt, chúng tôi thực tâm không có nhu cầu “tiền đổi cổ phiếu” nữa, mà mong muốn chọn được đối tác xứng tầm. Theo đó, đối tác cần có chung tầm nhìn, niềm tin và khát vọng phát triển, vì mục tiêu Công ty trường tồn, cổ đông, đối tác, nhà đầu tư đi cùng Công ty đạt đến sự thịnh vượng về tài chính”, ông Tùng nói.

Trên sàn niêm yết, so với những cái tên tiên phong như SSI, HSC, TVB hiện có quy mô vốn khiêm tốn, nhưng hiệu quả kinh doanh chỉ cách một bước chân là bằng các công ty mạnh nhất.

Lợi thế quy mô nhỏ và có công ty mẹ là T-Corp chuyên hỗ trợ tài chính khiến TVB có sự linh hoạt vượt trội trong cung cấp các dịch vụ chứng khoán.

Lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) ước tính năm 2020 của TVB là 1.500 đồng, xếp sau SSI và HSC (1.700 đồng), nhưng cao hơn hẳn so với VDS (dự kiến 346 đồng), BVS (dự kiến 1.143 đồng), VIX (dự kiến 363 đồng), PHS (dự kiến 679 đồng)...

Hiện TVB có vốn điều lệ 521 tỷ đồng, Công ty đạt 36 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020. Quý III/2020, TVB đạt thêm 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, theo đó kế hoạch 71 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2020 là hoàn toàn khả thi khi lũy kế 9 tháng đạt 80% kế hoạch. Trên con đường tương lai, ông Tùng cho biết, TVB sẽ sớm tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, để đủ sức gia nhập sân chơi phái sinh.

Ở mức P/E là 5,5 lần, TVB đang có định giá hấp dẫn nhất trong khối các cổ phiếu chứng khoán, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư đại chúng đón sớm các chuyển động tích cực tại cặp đôi TVC-TVB như chuyển sàn niêm yết, chốt cổ đông chiến lược…

Hai doanh nghiệp TVC - TVB do ông Phạm Thanh Tùng dẫn dắt dự kiến sẽ đạt tổng lợi nhuận sau thuế năm 2020 gần 100 tỷ đồng. “Khoản thuế chúng tôi đóng góp cho Ngân sách Nhà nước năm nay khoảng 20 tỷ đồng và đây chắc chắn là những con số rất thật”, ông Tùng nói.

Chat với Chủ tịch T-Corp Phạm Thanh Tùng

Có khi nào ông tự lý giải, vì sao hai doanh nghiệp ông dẫn dắt kinh doanh hiệu quả, mà giá cổ phiếu lại chưa được trả tương xứng trên sàn?

Tôi nghĩ có một số nguyên nhân.

Thứ nhất, 15 năm trước, tôi lập nghiệp với bàn tay trắng, nay Công ty đã có vị thế và có những thành công bước đầu, nhưng có thể nhà đầu tư đại chúng vẫn có sự phân biệt, khi so với các công ty có gốc Nhà nước hay có các tổ chức tài chính lớn làm “bà đỡ”.

Thứ hai, quả thực, suốt quá trình định hình, phát triển T-Corp và các công ty thành viên, chúng tôi chưa tập trung cho câu chuyện xây dựng thương hiệu và giá trị vô hình bằng cách PR, IR như nhiều doanh nghiệp khác.

Chúng tôi mới chỉ tập trung chính vào xây năng lực lõi và định hình rõ con đường.

Còn nguyên nhân nào nữa, thưa ông?

Trong sự khó khăn chung của nền kinh tế, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bị suy giảm, trong đó có TVC - TVB dưới mức giá đã từng được định vị. Tuy nhiên, tôi tin rằng, khi TVC - TVB khẳng định rõ nét giá trị cốt lõi và con đường tương lai, nhà đầu tư sẽ nhận ra khó khăn chung không nhấn chìm tất cả, ở đó, có những doanh nghiệp, có những cái tên đang bật lên mạnh mẽ, khó khăn chung lại là cơ hội để thể hiện bản lĩnh, sức sáng tạo và hiệu quả kinh doanh cao hơn. Thống kê cho thấy, giai đoạn phát triển năm thứ 15 tới 25 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của doanh nghiệp.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến PR, IR, nhưng giá trị cổ phiếu, giá trị vốn hóa cũng không được cải thiện. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu một doanh nghiệp làm PR, IR mạnh mà không có con đường rõ ràng cho phát triển thì kết quả là vô dụng. Với TVC - TVB, chúng tôi tự tin vào giá trị cốt lõi đã tạo dựng, tự tin vào tầm nhìn và con đường tương lai, nên khi chúng tôi tập trung vào việc làm rõ giá trị của mình, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy và trả giá xứng đáng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục