Đốc thúc các Bộ tiếp tục cắt giảm hàng nghìn điều kiện, thủ tục

Tổ công tác của Thủ tướng vừa báo cáo về tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.
Đốc thúc các Bộ tiếp tục cắt giảm hàng nghìn điều kiện, thủ tục

Hai bộ đã hoàn thành cắt điều kiện kinh doanh

Về đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện có tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành đã xây dựng phương án để đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện kinh doanh (đạt 61,3%, vượt 11,3% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 50%).

Đến nay đã chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện kinh doanh, đạt 30% so với phương án các bộ dự kiến sẽ cắt giảm (tăng 4,6% so với tháng trước - 25,4%) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn.

Hiện có 2 bộ: Công thương, Xây dựng đã hoàn thành việc đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Còn 2.661 điều kiện kinh doanh đã có phương án đơn giản, cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ: Giáo dục Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.   

Trong đó, nhiều nhất là Bộ Y tế với tổng số 1.871 điều kiện kinh doanh. Để cắt giảm, theo kế hoạch, phải sửa đổi, bổ sung 6 luật và xây dựng 2 nghị định, dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 1.363 điều kiện kinh doanh (đạt 72,85%) và 169/234 thủ tục hành chính (đạt 72,22%).

Thứ nhì là Bộ Giao thông vận tải với tổng số 570 điều kiện kinh doanh, dự kiến phải sửa đổi, bổ sung 20 nghị định để đơn giản, cắt giảm 346 điều kiện kinh doanh, đạt 60,7%. Đã trình Chính phủ được 9 nghị định.

Đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.700 dòng hàng

Cùng với đó, hiện có có tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra, các Bộ đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng và 74 thủ tục.

Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng (đạt 34,25% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 28,32% so với phương án các Bộ dự kiến sẽ cắt giảm) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 40,5% so với phương án các Bộ dự kiến sẽ cắt giảm dự kiến).

Còn 4.303 dòng hàng (chiếm 65,75%) đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 03 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an.

Theo Tổ công tác, tỷ lệ cắt giảm dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với so với yêu cầu đặt ra.

Trong đó, nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 7.698 dòng hàng, theo yêu cầu phải xây dựng 8 văn bản để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 20 thông tư nhằm thực hiện phương án cắt giảm 5.206 (đạt 67,6%) dòng hàng phải kiểm tra.

Bộ  đã ban hành được 1 thông tư bãi bỏ 2 thông tư để bảm đảm phù hợp các quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đã cắt giảm được 947dòng hàng, còn 7 thông tư đang tiếp thu hoàn thiện.

Bộ Y tế có 5 mặt hàng thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ đã chi tiết thành 815 dòng hàng áp mã HS theo quy định của Luật Hải quan.

Theo kế hoạch sẽ ban hành 1 nghị định và 1 thông tư để thực hiện phương án đơn giản, cắt giảm toàn bộ 815 dòng hàng (chuyển sang hậu kiểm).

Bộ đã trình ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, theo đó đã bãi bỏ 1 mặt hàng với 5 dòng hàng phải kiểm tra; 810 dòng hàng của 04 mặt hàng còn lại đã áp dụng theo hình thức kiểm tra giảm (95% số lô hàng sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành).

Các Bộ khác đã đạt kết quả tích cực như Bộ Công Thương có 702 dòng hàng (đã cắt giảm được 402 dòng hàng, vượt 14,53% so với yêu cầu của Chính phủ); Bộ Thông tin và Truyền thông có 146 dòng hàng (đã cắt giảm được 89 dòng hàng, vượt 21,92%); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có 33 dòng hàng (đã đơn giản hóa, cắt giảm 33 dòng hàng, vượt 100%).

Bộ Khoa học và Công nghệ có 24 dòng hàng (đã đơn giản hóa, cắt giảm được 22 dòng hàng, vượt 83%); Bộ Giao thông vận tải có 134 dòng hàng (đã đơn giản, cắt giảm được 80 dòng hàng, đơn giản 07 thủ tục, vượt 19,4%); Bộ Xây dựng có 64 dòng hàng (đơn giản, cắt giảm được 33 dòng hàng, vượt 3,13%);

Riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 171 dòng hàng có gắn mã HS (đã cắt giảm 51 dòng hàng, chỉ đạt 59% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ do tính chất đặc thù của sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra theo cam kết quốc tế)…

Trong tháng 10 cần ban hành các nghị định cải cách

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đã thực hiện tốt nhưng cần làm tốt hơn và còn phải cố gắng nhiều.

“Các Nghị định cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang được các cơ quan hoàn thiện để làm sao trong tháng 10 này Chính phủ ban hành. Với các thủ tục, dòng hàng kiểm tra chuyên ngành cũng vậy”, Bộ trưởng cho biết.

Sau khi nghe báo cáo, kết luận về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các bộ, ngành mới rà soát, cắt giảm được 60%, còn tới gần 40% điều kiện kinh doanh cần cắt giảm, còn tình trạng đối phó như cắt giảm điều kiện này thì lại “mọc” ra điều kiện khác.

Các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thành rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ. “Tôi đề nghị Tổ công tác tổ chức nhiều chuyến công tác hơn nữa, kiểm tra tình hình thực tế; báo cáo Thủ tướng về những sai phạm của các đơn vị bị kiểm tra và kiến nghị biện pháp xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục