Nhưng, báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Thủ tướng, số điều kiện kinh doanh đã cắt giảm mới đạt khoảng 15,2%, cụ thể là cắt được 900 trong tổng số 5.905 điều kiện kinh doanh đang có hiệu lực.
Cũng chỉ có 4 bộ là Công thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông có tên trong số những ngành có điều kiện kinh doanh đã cắt giảm.
Như vậy, còn 2.363 điều kiện kinh doanh (chiếm khoảng 40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể. Con số đã cắt giảm trong quy định về kiểm tra chuyên ngành còn thấp hơn rất nhiều, mới chỉ khoảng 6,6% đã cắt giảm và 13,3% dự kiến sẽ cắt giảm.
Không hiểu sao nhiều bộ, ngành còn chần chừ, chậm trễ? Những cơ quan này có biết rằng, trong khoảng thời gian này, đã có những doanh nghiệp không đủ sức chi trả các khoản chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh buộc phải rút lui...
Những cơ quan này cũng có để tâm rằng, có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động, nhưng không đủ kiến nhẫn với các lời hứa sẽ sửa đổi, đành quyết định chậm lại hay chuyển hướng đầu tư.
Phải nói rõ, nhiều trong số các văn bản trong danh mục sẽ xem xét chỉnh sửa đã được bàn tới khá lâu, tới vài năm, đã đối thoại tìm giải pháp nhiều lần, đã được các doanh nghiệp đề xuất phương án sửa đổi cụ thể.
Ví dụ, đề xuất bỏ các điều kiện ràng buộc quy mô kinh doanh quá mức với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã gần 8 năm. Hay đề xuất bỏ các điều kiện can thiệp vào phương án kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải của Nghị định 86/2014/NĐ-CP kinh doanh điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã kéo dài 4 năm.
Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cũng đã gửi đơn kiến nghị bỏ yêu cầu bắt buộc bổ sung i- ốt vào muối ăn sử dụng trong chế biến thực phẩm từ năm 2016, khi Nghị định 09/2016/NĐ-CP ra đời, đến nay vẫn tiếp tục gửi đơn.
Điều đáng nói là đề xuất của các doanh nghiệp đều được ghi nhận là hợp lý, nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành, có cả sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ...
Nếu nhìn vào “lịch sử” sửa đổi các văn bản liên quan đến điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thì việc doanh nghiệp phải chờ đợi nhiều năm xem ra rất phổ biến.
Ngay Nghị định đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi về những thủ tục minh bạch là Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (vừa có hiệu lực ngày 1/8 vừa qua, thay thế Nghị định 73/2012/NĐ-CP), giới đầu tư cũng phải mất 6 năm liên tục kiến nghị, đối thoại...
Nhưng chờ đợi để có được kết quả vẫn còn là hạnh phúc. Trong nhiều phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, đã manh nha những điều kiện kinh doanh mới.
Chẳng hạn điều kiện doanh nghiệp phải trình phương án kinh doanh, điều kiện ép doanh nghiệp vào cách thức kinh doanh cứng nhắc... vô lý không kém những điều kiện mà các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã rất mất thời gian thuyết phục mới bỏ đi được.
Nhiều phương án chỉ điều chỉnh câu chữ, sắp xếp lại nội dung của các điều kiện kinh doanh hiện hành. Chắc chắn, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ không thể hưởng lợi bất cứ điều gì từ những phương án mang nặng tính hình thức này.
Đã có những doanh nghiệp không thể chờ đợi sự thay đổi, đành phải ra đi, nhưng còn hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang nỗ lực tham gia vào sự thay đổi của môi trường kinh doanh, vào quyết tâm cắt giảm những rào cản vô lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm tháo gỡ những rào cản bó buộc sự phát triển đất nước của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành không thể chậm trễ hơn nữa.