Kích hoạt động lực cải cách

Tính từ thời điểm này, chỉ còn nhiều nhất một tháng nữa - nghĩa là trước ngày 15/8/2018 - các văn bản liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ phải được đặt lên bàn để các cấp có thẩm quyền ký ban hành.
Kích hoạt động lực cải cách

Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6/2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký đã yêu cầu mốc thời gian mới, sớm hơn hạn định cũ (là ngày 30/10/2018).

Bên cạnh đó là yêu cầu “kiên quyết không làm phát sinh những điều kiện kinh doanh mới trong thể chế chính sách, pháp luật mới ban hành”. Như vậy, sức ép tiến độ và cả chất lượng trong cải cách môi trường kinh doanh đang được người đứng đầu Chính phủ đẩy lên. 

Nhưng đây không hẳn là hạn định dễ thực thi, dù ngay trong nghị quyết này, Thủ tướng đã nhấn mạnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu.

 Trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày hôm qua (12/7), báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về những gì các bộ, ngành thực hiện mà doanh nghiệp nhìn thấy, thực sự chưa làm giới kinh doanh yên tâm.

Cụ thể, liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, tính đến tháng 6/2018, mới có khoảng 6% mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành. Trong số 164 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 63 danh mục chưa được các bộ quản lý chuyên ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS chưa phù hợp (chiếm 36% số Danh mục). Về thời gian cho kiểm tra chuyên ngành, mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước ASEAN-4.

Liên quan đến yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh của Chính phủ, đến tháng 6/2018, mới chỉ có Nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương đã được ban hành, còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ khác vẫn trong quá trình xây dựng.

Điều đáng nói là thông tin về tiến độ thực hiện công việc này của không ít bộ, ngành đã không đến được giới kinh doanh, khiến doanh nghiệp cảm thấy bất an...

Có lẽ phải nhắc lại việc cách đây hai tuần, 7 hiệp hội doanh nghiệp phải ký chung một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kêu về những quy định của 3 bộ (gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế) đang làm khó doanh nghiệp.

Hai trong 3 vướng mắc có trong văn bản trên đã được doanh nghiệp kiến nghị cả năm trời, đã được Chính phủ chỉ đạo xem xét sửa đổi, đã được nhắc tới trong Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh… nhưng vẫn chưa có động thái tích cực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Cùng thời điểm trên, Bộ trưởng Bộ Công thương đã phải ra văn bản yêu cầu dừng xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý phân phối mà Vụ Thị trường trong nước đề xuất thực hiện sau khi nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chỉ ra những nội dung bất hợp lý.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng việc các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này đang cản trở nỗ lực cải cách của Chính phủ cũng như các chính các bộ, ngành?

Phải chăng, đơn vị nào đang cấp phép thì sẽ không có động lực thay đổi cơ chế hiện tại, từ đó sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình?

Vào thời điểm này, kiến nghị của VCCI về việc quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Chỉ khi không có va chạm về lợi ích giữa cơ quan đề xuất chính sách và cơ chế quản lý nhà nước, thì các phương án cải cách mới triệt để, có tính sáng tạo, không bị giới hạn trong chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, mà có thể bao quát hơn, đồng bộ hơn, từ đó lan tỏa sức nóng cải cách.

Động lực cải cách có lẽ phải được kích hoạt từ tư duy theo hướng, những người không muốn cải cách phải đứng sang một bên…

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục