Doanh thu xuất khẩu cao kỷ lục, ngành thủy sản vẫn khó

(ĐTCK) Cán mốc kim ngạch xuất khẩu 8,3 tỷ USD trong năm 2017, mức cao nhất từ trước đến nay  của ngành thủy sản, nhưng hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành lại đi lùi.
Tôm là sản phẩm chủ lực, đóng góp tới 46% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2017 Tôm là sản phẩm chủ lực, đóng góp tới 46% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2017

Ngành thủy sản ghi nhận kỷ lục xuất khẩu

Có quá nhiều khó khăn dồn đến với doanh nghiệp thủy sản trong năm 2017. Ở trong nước, thời tiết không thuận lợi, giá nguyên liệu đầu vào cao. Tại thị trường ngoài nước, các doanh nghiệp gặp phải các rào cản kỹ thuật và bảo hộ. Điển hình như thị trường Úc, Hàn Quốc từng có thời gian tạm dừng nhập khẩu sản phẩm tôm từ Việt Nam. Cá tra Việt cũng gặp khó trên đất Mỹ.

Nhưng trong cái khó, doanh nghiệp ló cái khôn. Kết quả xuất khẩu của ngành thủy sản năm qua được ví là một kỳ tích và trở thành một trong những “cú huých” đưa kim ngạch xuất khẩu Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 200 tỷ USD.

Cụ thể, cùng với rau quả, xuất khẩu thủy sản là điểm sáng nổi bật trong bức tranh của ngành nông nghiệp năm 2017. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm qua, ngành này đã đem về 8,3 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm 2016, đây là con số ấn tượng chưa từng có.

Mặt hàng tôm có nhiều đóng góp nhất khi có mức tăng trưởng trên 21% và giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD. Xuất khẩu cá tra đem về 1,8 tỷ USD dù gặp rất nhiều khó khăn tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, với mức tăng 4%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đều có tăng trưởng cao, lần lượt đạt 16% và 42%, kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này tiến sát mốc 600 triệu USD.

Cùng với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp thủy sản Việt đang mở rộng sang thị trường Hàn Quốc. Kể từ khi được hưởng lợi thế từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng mạnh với hơn 27% (riêng tôm tăng đến 36%) so với năm 2016, đạt kim ngạch hơn 784 triệu USD. Dự báo, năm 2018, dự báo thị trường Hàn Quốc sẽ chạm mốc 1 tỷ USD, lọt vào nhóm thị trường tỷ USD của thủy sản Việt Nam.

… nhưng lợi nhuận suy giảm

Dẫu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, nhưng đi sâu vào câu chuyện kinh doanh của từng doanh nghiệp, có thể thấy hiệu quả kinh doanh lại không khởi sắc tương đồng với doanh thu. Cụ thể, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) trong năm qua đạt gần 383,7 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 27,37 tỷ đồng, giảm 42,6% so với lợi nhuận đạt được năm 2016.

Cùng chung “nỗi niềm”, Thủy sản Bạc Liêu (BLF) có một năm kinh doanh không thuận. Chưa có báo cáo hợp nhất quý IV/2017, nhưng tính hết quý III/2017, doanh nghiệp này đang sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Lũy kế hết tháng 9/2017, doanh thu của BLF đạt 398 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5,56 tỷ đồng, giảm 24,8%.

CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) tăng trưởng doanh thu, nhưng lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu cả năm của ASM đạt trên 2.152 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016, nhưng lãi sau thuế lại giảm 16%, đạt 146 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn có bức tranh kinh doanh sáng hơn khi tăng trưởng nhẹ về lợi nhuận. Báo cáo tài chính mới công bố của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy, lũy kế, cả năm Vĩnh Hoàn đạt 8.151 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,6% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế thu về 593,3 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016.

Năm 2018, dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm và cá tra của các thị trường sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt là thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và thị trường châu Âu, châu Mỹ. Hiện tôm là sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam, đóng góp 46% vào kim ngạch xuất khẩu của ngành (tương đương 3,8 tỷ USD). Riêng tôm chân trắng đóng góp 2,5 tỷ USD, trong đó mặt hàng chế biến giá trị gia tăng chiếm gần 50%. Cùng với đó, các doanh nghiệp đang thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm cá tra.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Vĩnh Hoàn, cá tra có cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng về chất và giá trị. Giá nguyên liệu tăng cao, cá tra xuất khẩu có giá trị tăng cao hơn, nhưng đòi hỏi các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng để tăng tính cạnh tranh và giữ chân khách hàng. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn là bài toán cần giải của nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản.

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho các doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới. Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu cá tra, tôm lớn thứ ba chỉ sau EU và Nhật Bản. Mục tiêu của ngành thủy sản là năm 2020 sẽ chạm mốc 10 tỷ USD xuất khẩu.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục