Doanh nhân Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC Group: Kỷ nguyên số là một bầu trời cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
Bầu trời cơ hội này không nhiều mây, mà trong vắt, rõ rệt với mọi ngành nghề, mọi cá nhân và tổ chức.
Doanh nhân Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC Group. Doanh nhân Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC Group.

Chuyển đổi số… sự tồn vong của CMC

CMC đang là cái tên được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhắc đến. Một phần vì mục tiêu và tầm nhìn của vị thuyền trưởng Nguyễn Trung Chính gây chú ý, kèm theo những tuyên bố rúng động xoay quanh.

Đó là trong tầm nhìn đến năm 2023 và chiến lược phát triển tới năm 2025, CMC đặt tham vọng trở thành công ty toàn cầu với quy mô 10.000 nhân sự và doanh thu 1 tỷ USD.

Tham vọng soán ngôi, trở thành nhà cung cấp số 1 các giải pháp công nghệ ICT cốt lõi và là đối tác đáng tin cậy của các công ty trong và ngoài nước trong quá trình chuyển đổi số.

Trong góc nhìn của không ít người, đó là mục tiêu bất khả thi. Vì CMC sẽ phải tăng doanh số tới 4 lần mức hiện nay, cần thêm 7.000 nhân sự trong vòng 3- 5 năm. Trong 5 năm tới, doanh thu từ chuyển đổi số phải đóng góp ít nhất 50% tổng doanh thu.

Tức là, để đạt được doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2023 hoặc năm 2024, CMC cần tăng gấp 4 lần doanh thu so với hiện tại, trong đó doanh thu từ chuyển đổi số phải đạt 500 triệu USD.

Thế nhưng, CMC rất tự tin. 3 năm trước, CMC đã trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam tuyên bố chiến lược chuyển đổi số.

Hình ảnh con bướm đã được Chủ tịch Nguyễn Trung Chính lựa chọn để minh họa cho tinh thần quyết tâm lột xác để chuyển đổi số và đưa ra nhận diện thương hiệu mới.

Thực tế, quá trình chuẩn bị cho chuyển đổi số đã được CMC nghiên cứu kỹ, cộng với những trải nghiệm, học hỏi của cá nhân ông khi đi đến nhiều quốc gia, gặp gỡ, chia sẻ với nhiều tập đoàn toàn cầu.

Để dẫn đầu xu hướng chuyển đổi số quy mô toàn cầu ngay tại Việt Nam, chỉ sau 3 năm nghiên cứu, CMC đã chính thức ra mắt C.OPE2N - hệ sinh thái mở khai phóng tiềm năng cho các doanh nghiệp số. CMC mở năng lực, mở tri thức của mình với tất cả mọi người.

Với hệ thống C.OPE2N, các vấn đề về trí tuệ, tốc độ, năng suất, kết nối sẽ được giải quyết, giúp doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nền kinh tế số.

Khi CMC giới thiệu C.OPE2N ở một số nước, không ít người nước ngoài đã ngạc nhiên, đặt câu hỏi tại sao một doanh nghiệp Việt Nam có thể suy nghĩ ra việc xây dựng hệ sinh thái mở cho các doanh nghiệp trong nước và cả nước ngoài cùng sử dụng.

Câu trả lời từ CMC rất rõ ràng. Nếu không làm hệ sinh thái, thì không thể tích hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ Cloud (điện toán đám mây) như Amazon, Google, Microsoft. Quan trọng hơn, có hệ sinh thái này, CMC sẽ “gõ cửa” được các thị trường trăm tỷ USD như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.

“1 tỷ USD doanh thu là con số đầy thách thức, nếu chúng tôi không xây dựng chiến lược chuyển đổi số thì không thể đạt được. Rất may, chúng tôi đang đi đúng hướng và mục tiêu đó đang trở thành hiện thực”, ông Chính khẳng định.

Thực tế là đối tác Microsoft chiến lược đã yêu cầu CMC phải cam kết tỷ lệ này với dịch vụ của họ ngay trong năm 2019. Ngoài ra, cổ đông chiến lược mới là Samsung SDS, nắm 25% cổ phần CMC, cũng là bệ phóng cho CMC trong việc hoàn thành mục tiêu này.

Như vậy, chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là sự tồn vong của CMC, bởi thế giới đã chuyển sang kinh tế số, doanh nghiệp nào có năng lực tham gia nền kinh tế này thì sẽ thành công.

Giới trong nghề rỉ tai nhau, quyết tâm của CMC khi bước chân vào lĩnh vực chuyển đổi số lớn chẳng kém gì FPT.

Bởi cổ đông lớn của CMC không muốn là số 2, họ luôn muốn là số 1 trong lĩnh vực mà mình kinh doanh. Khi trở thành cổ đông chiến lược của CMC, họ cũng yêu cầu CMC phải trở thành số 1, ít nhất là ở Việt Nam về một lĩnh vực nào đó trong chuyển đổi số.

Samsung SDS cũng cam kết đầu tư và hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng nhanh nhờ chuyển đổi số trong 5 năm sắp tới của CMC.

Hơn thế, Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi số, ngoài làm cho khách hàng, CMC cũng phải tự chuyển đổi. Trong đó, ngành tích hợp hệ thống - SI (System Integration) đang chết trong vòng 3 - 5 năm gần đây.

Sở dĩ giai đoạn này CMC có sự tăng trưởng và sống được trong xu hướng biên lợi nhuận gộp ngày càng giảm vì đã thay đổi sớm về mô hình kinh doanh và quản trị hiệu quả.

Tuy nhiên, những con người ở CMC thừa nhận, dù họ thấy rõ sự thay đổi, nhưng sự thay đổi về công nghệ, về thị trường và môi trường kinh doanh diễn ra còn nhanh hơn họ tưởng.

Vậy nên, việc họ vẫn chưa chạy kịp so với quá trình chuyển đổi số là có thật. Song họ vẫn kiên định với con đường hướng đến tương lai số.

Vị thuyền trưởng của CMC đã gây dựng thế hệ kế cận trẻ trung, am hiểu thị trường công nghệ trong và ngoài nước.

Cách mạng triệt để mới thay đổi vận mệnh

Nhiều người cho rằng, những gì CMC đã làm và đang sở hữu là tài sản mà bất cứ một doanh nghiệp cùng ngành nào cũng mơ ước. Việc CMC dồn lực cho quá trình chuyển đổi số chưa chắc đã tốt. Thế nhưng, với Chủ tịch, nhà đồng sáng lập CMC Nguyễn Chung Chính, bản lĩnh, tầm nhìn luôn có lý lẽ riêng.

CMC đã đi một chặng đường dài đầy nỗ lực và đam mê. Nhưng bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới đã có quá nhiều đổi thay. Cả thế giới đang sống trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của kinh tế tri thức.

Con người đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ đang phát triển như vũ bão với IOT, SMAC, trí tuệ nhân tạo, robotic..., tác động đến mọi mặt của đời sống.

Không ít tên tuổi lớn đã ra đi vì không còn phù hợp và thích ứng với thời đại. Đó là sự sụp đổ của các đế chế công nghệ một thời như Nokia, Palm, Compaq, Vertu…

Đó là sự xuống dốc không phanh của nhiều hãng điện tử máy tính Nhật Bản, cũng như doanh nghiệp trong ngành công nghệ tiêu dùng như Sony vì không còn phù hợp và thích ứng với sự phát triển của xã hội.

“Chỉ có cách mạng triệt để mới có thể thay đổi vận mệnh một dân tộc, một quốc gia và một doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thức được rõ rằng, nếu không thay đổi, không tự làm mới mình, không tự trẻ lại và tự thích ứng, chúng tôi sẽ già và sẽ chết”, ông Chính nói.

Khi nhớ về chặng đường dài đã đi qua, ông Chính luôn muốn kể cho mọi người những câu chuyện mang tính bước ngoặt, chuyển đổi của CMC từ lúc khai sinh.

Thế hệ của những người ở lứa tuổi như tôi đã rất phấn đấu, nhưng vẫn có những điều chưa làm được. Người Việt vốn thông minh và thích hợp với việc nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ. Tôi trân trọng và sẵn sàng hỗ trợ cho những công trình nghiên cứu của người trẻ. Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của các công nghệ vượt bậc như hiện nay, người trẻ phải kiến tạo thêm nhiều giá trị hơn, ghi tên Việt Nam vào bản đồ phát triển công nghệ thông tin thế giới.

Đó là giai đoạn năm 2006-2007, ông Chính và ông Hà Thế Minh (đồng sáng lập CMC) sau nhiều đêm không ngủ, nhiều ngày quên ăn, tranh luận gay gắt, đã lựa chọn quyết định hết sức khó khăn và có tính bước ngoặt: chuyển CMC sang mô hình công ty cổ phần tập đoàn thay cho mô hình công ty TNHH 2 thành viên.

“Rất may là chúng tôi đã có quyết định sáng suốt. CMC đã có bước đại nhảy vọt về vốn và tài sản ngay sau đó và trở thành công ty đại chúng có quy mô đứng thứ 2 trong ngành công nghệ thông tin”, ông Chính kể.

Trong câu chuyện đó, điều khiến ông Chính mãn nguyện nhất là đã cùng nhà đồng sáng lập trải qua những năm tháng của tuổi trẻ đầy hoài bão và ước mơ, dám từ bỏ công việc tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia để dấn thân, thành lập một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

CMC đã trải qua hơn hai thập kỷ phát triển, đã đạt được những thành tựu đáng tự hào và đã có được một CMC lớn mạnh như ngày hôm nay.

Vậy nên, gọi là mãn nguyện thì cũng đúng, nhưng khi ông suy ngẫm về những gì đang chờ đợi trước mắt, ông nói rằng, hành trình của con thuyền này như mới chỉ bắt đầu.

Đoạn đường ông và vài ngàn nhân viên của CMC vừa đi qua còn ngắn ngủi so với một đại dương đầy ắp những cơ hội và thử thách đang đón chờ.

Công nghệ ngày nay không còn là những cỗ máy server nặng nề trong trung tâm dữ liệu, không còn là những phép tính điện toán khô cứng và phức tạp dành cho các chuyên gia.

Công nghệ ngày nay đang len lỏi vào mọi mặt của cuộc sống, vào từng giây từng phút làm việc, vào tận căn bếp của mọi gia đình, vào sự học sự chơi của những đứa trẻ…

Kinh tế số đang mở ra cơ hội rất lớn không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên toàn cầu, trong khi đó, Việt Nam lại có năng lực để cung cấp nền tảng số cho các tổ chức, doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế rất lớn là dân số trẻ và đam mê lĩnh vực công nghệ.

Người Việt Nam có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên. Đây là lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được để xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.

Một điều khá may mắn trong một thập kỷ vừa qua là, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có CMC đã có bước chuẩn bị tốt về năng lực cung cấp các dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin.

Đó là lý do để CMC đặt nhiều tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia số, thậm chí có thương hiệu lớn trên toàn cầu.

Ánh mắt ông Chính lấp lánh hơn khi nhắc đến vị thế toàn cầu của Việt Nam, đồng nghĩa với sự đi cùng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có hạ tầng cất cánh nhanh hơn, ông Chính cho rằng, doanh nghiệp cần Chính phủ có chiến lược và tạo điều kiện cho họ thực hiện mục tiêu này; khuyến khích phát triển nhanh và bền vững trong xây dựng hạ tầng số, cụ thể là nền tảng hạ tầng điện toán đám mây, xây dựng trung tâm dữ liệu, hạ tầng viễn thông, thành phố thông minh…

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục