CEO Nguyễn Trung Chính: Công nghệ phải vị nhân sinh

(ĐTCK) "Công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu của con người, mang đến những điều tốt đẹp cho con người, chứ không phải thỏa mãn cái tôi của nhà nghiên cứu”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính bộc bạch.
Ông Nguyễn Trung Chính Ông Nguyễn Trung Chính

Tự nhận mình là một doanh nhân “đầu gấu”, không xin mà luôn đòi được làm đúng như những gì pháp luật đã quy định, ông Nguyễn Trung Chính cho biết, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong mỏi môi trường kinh doanh sẽ “tiếp sức” cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Ông Chính cho rằng, tuy đã được cải thiện hơn trước đây rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp vẫn rất vất vả trong “ma trận” điều kiện kinh doanh, giấy phép, thủ tục phải triển khai thực hiện. Đơn cử, CMC đã phải mất vô khối thời gian và công sức cho việc lấy sổ đỏ Tòa nhà văn phòng CMC tại Hà Nội.

Trong cuộc đua cách mạng 4.0, Việt Nam có thể ghi tên trên bản đồ thế giới số được hay không, doanh nghiệp Việt phải vượt qua nhiều thách thức. Nhưng ông Chính tin, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chững chạc bước vào cuộc chơi của những doanh nghiệp công nghệ toàn cầu, CMC nằm trong số đó.

Công nghệ có hay đến mấy cũng không quan trọng bằng việc làm cho khách hàng sướng

- Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính

Trên đường đua này, doanh nhân Nguyễn Trung Chính cho rằng, điều quan trọng với doanh nghiệp công nghệ thông tin không phải là đi xin các ưu đãi so với các doanh nghiệp ở ngành nghề khác, mà quan trọng hơn cả là họ được làm những gì mà pháp luật không cấm, được chủ động bay trên đôi cánh sáng tạo và đam mê.

Vào đầu tháng 7 này, CMC tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, tại đây, định hướng chiến lược giai đoạn 2018 - 2020 sẽ được các cổ đông thảo luận, nhưng mục tiêu Tập đoàn đặt ra khá tham vọng, với mức tăng trưởng cao ở cả 3 trụ cột kinh doanh chính: tích hợp (23 - 25%/năm), phần mềm (53 - 85%/năm), viễn thông (31 - 36%/năm). Vào năm 2020, CMC dự kiến đạt mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2017.

CMC sẽ bước tới tương lai bằng cách nào? Tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn mới đây, các lãnh đạo CMC trong bộ đồ phi hành gia đã cùng bước lên một phi thuyền, nhấn nút để phóng vào tương lai.

Phi thuyền CMC chở theo rất nhiều ước mơ, từ mô hình “Doanh nghiệp sáng tạo” với mong muốn trở thành doanh nghiệp dẫn đầu cuộc đua chuyển đổi số. CMC đã xây dựng Hệ sinh thái 4.0 với những đường truyền tốc độ nhanh, hệ thống trung tâm dữ liệu Data Center lớn ở cả trong nước và khu vực như Malaysia, Singapore, Hồng Kông…, trung tâm điều hành an ninh an toàn thông tin có độ bảo mật cao và hệ thống phòng thí nghiệm LAB. Đặc biệt, hệ thống phòng LAB sẽ là nơi tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ mới theo xu thế SMACS (Social-Mobility-Analytic-Cloud-Security) như Security (bảo mật), BigData (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo)...

Chủ tịch CMC nhận định: “Cách mạng 4.0 sẽ cuốn tất cả vào một vòng xoáy cạnh tranh mạnh mẽ để rồi lập lại một trật tự mới. Nhiều tên tuổi lớn có thể bị chìm nghỉm, ngược lại, sẽ có những công ty công nghệ trẻ, sáng tạo, vươn lên trở thành tập đoàn hùng mạnh chiếm giữ vị trí hàng đầu… Tất cả phụ thuộc vào chiến lược, sự đầu tư và năng lực của đội ngũ chuyên gia, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp đó”.

Đầu tư mạnh cho bộ phận nghiên cứu, Nguyễn Trung Chính kỳ vọng, CMC sẽ tạo nên những giải pháp đột phá cho các sản phẩm dịch vụ, giúp Tập đoàn giành được vị thế mới trong làng công nghệ thông tin thế giới. CMC sẽ trở thành tập đoàn toàn cầu, cung cấp các giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông với chất lượng tốt nhất cho các khách hàng trong và ngoài nước.

Say sưa nói về thế giới số, về những chuyển động như vũ bão trên thị trường, Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: “Nếu biết đam mê, khát khao cháy bỏng thì chúng ta sẽ chinh phục được thế giới số”. Trong trái tim vị doanh nhân này luôn đau đáu câu hỏi, chúng ta có thể làm gì, làm như thế nào để Việt Nam được ghi danh lên bàn đồ khoa học công nghệ thế giới?

Có nhiều con đường dẫn đến mục tiêu, với Nguyễn Trung Chính và các cộng sự, đó là cùng ăn, cùng ngủ với công nghệ thông tin, luôn chú trọng đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, phát triển con người. Dân công nghệ, nhưng ông Chính rất thực tế và có tư duy kinh doanh nhạy bén. Ông luôn tâm niệm, “công nghệ phải vị nhân sinh”, phải xuất phát từ nhu cầu của con người, mang đến những điều tốt đẹp cho con người, chứ không phải thỏa mãn cái tôi của nhà nghiên cứu.

“Dân làm công nghệ thường mắc bệnh tự sướng, nhưng mục đích đầu tiên của sản phẩm phải là phục vụ khách hàng, phải được nhiều người sử dụng”, Chủ tịch CMC nêu quan điểm.

Trước thềm CMC 25 tuổi hồi đầu năm nay, cuộc thi nội bộ “Idea for future” (ý tưởng cho tương lai) đã được Tập đoàn tổ chức và nhận được hơn 2.000 bài dự thi. Đó là những lá thư gửi cho các hậu duệ năm 2043, gửi gắm những khát vọng, những ước mơ, những lời nhắn gửi mà vị thuyền trưởng Nguyễn Trung Chính và các cộng sự đã thổi bùng lên trong mỗi người CMC với niềm tin mãnh liệt rằng, CMC sẽ trường tồn, sẽ là công ty 50 tuổi, 100 tuổi...

Peter Drucker, một nhà tư vấn quản trị và nhà giáo dục Mỹ gốc Áo có nói: “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai chính là sáng tạo ra nó”. Với “Idea For Future”, ông Chính muốn tất cả 2.500 người CMC cùng chung tay tạo ra tương lai của mình, tương lai của CMC bằng sự hình dung và mong ước.

Lăng kính Nguyễn Trung Chính

“Công nghệ, sản phẩm dịch vụ phải vị nhân sinh”, có vẻ như tư duy này không mấy quen thuộc với dân công nghệ, vốn luôn bay bổng và nghĩ khác ở thì tương lai?

Tôi tuyên bố như vậy vì người nghiên cứu thường thích công nghệ, thích làm ra những sản phẩm có công nghệ A, công nghệ B… Nhưng khách hàng nhiều khi không hiểu công nghệ đấy là gì, họ chỉ quan tâm là họ có thích sản phẩm không. Bản chất là sản phẩm vì cuộc sống, vì khách hàng, chứ không phải làm để chứng minh tôi rất giỏi công nghệ, vì cái tôi.

Công nghệ có hay đến mấy cũng không quan trọng bằng việc làm cho khách hàng sướng. Xu thế của thế giới khi làm ra sản phẩm thì yếu tố đầu tiên là trải nghiệm khách hàng. Steve Jobs là người có triết lý mới về trải nghiệm khách hàng, iPhone không phải sản phẩm đột phá về công nghệ, mà là sự thay đổi lớn về tiếp cận người dùng, làm cho người dùng thích thú.

Bước ra từ phòng nghiên cứu, các ông từng khởi nghiệp như thế nào?

Việc đầu tiên là chúng tôi đi buôn máy tính, sau đó là sửa chữa máy tính. Hồi đó, máy tính hay bị hỏng hóc, người dùng cũng thiếu kỹ năng, rất cần tư vấn sử dụng. Từ năm 1993, máy tính bắt đầu có nhiều hơn ở Việt Nam. Tôi có cơ duyên là được anh Lương, Việt kiều đem máy từ Mỹ về cho bán từ năm 1991.

Do bị Mỹ cấm vận đến tận năm 1996 nên tất cả máy tính mang về Việt Nam vẫn bằng đường phi chính thức, chủ yếu là máy Đông Nam Á. Vừa có chuyên môn lại vừa nhiệt tình, chúng tôi đã nhanh chóng trở thành công ty uy tín trong việc phân phối, sửa chữa máy tính. Công ty cứ thế mạnh dần lên.

“Dân buôn” có lẽ chỉ là sự nghiệp ngoài mong muốn, bởi khi Công ty mạnh lên, các ông đã trở lại với ước mơ đau đáu của mình?

Khi Công ty có vốn, chúng tôi quay về với ước mơ sản xuất máy tính còn dang dở, bắt đầu bằng việc lắp ráp. Và CMS là thương hiệu máy tính đầu tiên được sản xuất bởi Việt Nam. Sự kiện CMS xây dựng nhà máy lắp ráp máy tính tại Khu công nghiệp Sài Đồng (Gia Lâm, Hà Nội), rất nhiều chính khách đến thăm và được đánh giá là một sự kiện lớn của ngành công nghệ thông tin.

Thế nhưng, chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp của Việt Nam không tốt, đã không có bất kỳ ưu đãi nào, mà lại còn “ưu đãi ngược”. Chính sách thuế nhập khẩu linh kiện còn cao hơn cả nhập khẩu nguyên chiếc. Chúng tôi đã phải vật lộn với những khó khăn về cả thị trường và chính sách.

Nhớ lại năm 1998 - 1999, tôi được Intel mời đi các nước trong khu vực để khảo sát, học tập mô hình. Sang Trung Quốc, tôi thấy chỉ có máy tính Legend, mới chỉ ở trình độ lắp ráp (giống như CMS). Bởi khi đó, máy tính, chipset… vẫn chủ yếu là Mỹ sản xuất. Trung Quốc ở thời điểm đó chưa có vị thế gì. Tuy nhiên, nhờ chính sách tốt, Legend đã phát triển mạnh mẽ và mua lại cả IBM để lập ra Lenovo.

Câu chuyện chính sách thuế chắc không phải là sóng gió duy nhất. Đã có lúc nào ông cảm thấy bế tắc và ông vượt qua những sóng gió tiếp theo như thế nào?

Năm 1998, CMC xây dựng siêu thị bán lẻ thiết bị máy tính ở phố Hàm Long (Hà Nội), lớn nhất tại Việt Nam, với mặt bằng khoảng 1.000 m2, giống như mô hình của Thế giới Di động hay Trần Anh hiện nay. Siêu thị ngay lập tức trở thành tâm điểm hút khách. Nhưng từ năm 1999, khi áp dụng thuế giá trị gia tăng 10%, chúng tôi bắt đầu điêu đứng. Chúng tôi phải đối mặt với các cửa hàng trốn thuế có giá tốt hơn. Chúng tôi cũng phải liên tục tiếp các đoàn kiểm tra, quản lý thị trường, thực sự là rất mệt mỏi.

Từ những sóng gió như vậy, ông nghĩ gì về ngành sản xuất ở Việt Nam?

Chúng ta đã mất đi cơ hội có thể sản xuất máy tính “Made in Việt Nam”. Khả năng để có ngành sản xuất bây giờ là không thể, vì chúng ta đã đánh mất yếu tố thiên thời. Việt Nam là thị trường 100 triệu dân, không phải là nhỏ. Nếu chúng ta không có chính sách tốt, không biết cách bảo vệ cho thị trường thì rõ ràng không thể có chỗ cho nhà sản xuất. Tôi rất hy vọng anh Vượng (Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup) với VinFast (công ty con của Vingroup) sẽ thành công trong sản xuất ô tô, nhưng chắc cũng rất khó khăn. 

Thủy Nguyễn - Huệ Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục