Ai đang xoay chuyển cuộc chơi thị trường?
Thị trường bất động sản TP. HCM gần đây đón nhận những thông tin tích cực về thanh khoản. Những kỷ lục mới về nguồn cung sản phẩm lẫn mức độ hấp thụ liên tiếp được xác lập qua những con số. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, diễn biến của thị trường hiện nay khác xa so với thời điểm của cơn sốt địa ốc 2007 - 2008.
Sự khác biệt đầu tiên phải kể đến là, trước đây chủ dự án được xem là những “thượng đế” bán hàng theo kiểu xin - cho; còn hiện nay, khái niệm “thượng đế” đang được trả lại đúng nghĩa cho khách hàng, nghĩa là quyền năng trên thị trường đang thuộc về người mua.
Mặt khác, không thể phủ nhận thị trường đang tốt, mức độ tiêu thụ căn hộ gia tăng mạnh. Song không giống như trước đây, DN nào cũng có thể làm chủ đầu tư và chỉ cần có sản phẩm là bán được. Thực tế của thị trường bất động sản hiện nay cho thấy, vẫn còn đó những dự án miệt mài rao bán sản phẩm, tung ra hàng loạt chiêu thức khuyến mại, giảm giá nhưng vẫn không bán được hàng.
Vì sao? Câu trả lời không phải do vị trí hay giá cả dự án, mà đơn giản là vì chủ dự án không tạo dựng được thương hiệu uy tín, khách hàng không có niềm tin vào những chủ dự án này. Ngược lại, có những dự án, dù mới chỉ được công bố ra thị trường, thậm chí chưa được làm móng, nhưng nghe cái tên của chủ đầu tư dự án, khách hàng đua nhau xuống tiền giữ chỗ.
Cũng câu hỏi là vì sao? Và câu trả lời đơn giản là vì những DN này tạo dựng được thương hiệu, uy tín trong lòng khách hàng. Khi mua sản phẩm, khách hàng tin tưởng rằng, chắc chắn dự án do DN làm chủ đầu tư sẽ được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Trở lại với thực tế thị trường thời gian qua, dù có khá nhiều dự án được chào bán, song những tên tuổi làm nên diện mạo thị trường bất động sản TP. HCM thực sự vẫn chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay như Novaland, Him Lam, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Vingroup, Đại Quang Minh... Chính những DN này tạo nên sôi động mà chúng ta đang thấy.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng Novaland, hiện Tập đoàn đang phát triển đến 25 dự án trên địa bàn TP. HCM, từ đầu năm đến nay đã tiêu thụ ra thị trường hơn 3.000 căn hộ. Tương tự, Him Lam cũng đang nắm trong tay hàng chục dự án bất động sản quy mô lớn, trong đó những dự án trở thành tâm điểm trên thị trường thời gian gần đây như Him Lam Riversise tại quận 7, Him Lam Chợ Lớn tại quận 6 với hàng ngàn sản phẩm đã được khách hàng đặt mua. Hoặc như Công ty Hưng Thịnh đang làm chủ đầu tư của một loạt dự án tại TP. HCM như Sky Center, Melody Residences (quận Tân Bình), Florira tại quận 7…, tính từ đầu năm đến nay, riêng Hưng Thịnh cũng đã chào bán ra thị trường hàng ngàn sản phẩm.
Các DN làm nên diện mạo thị trường khác như Vingroup với Dự án Vinhomes Tân Cảng, Đại Quang Minh với Dự án Khu đô thị Sala. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dự án này đều có kết quả bán hàng khá tốt thời gian qua, nhờ dự án có vị trí tốt và uy tín chủ đầu tư. Đơn cử như tại Khu đô thị Sala, sau 4 tháng kể từ ngày mở bán sản phẩm Khu căn hộ phức hợp Sarimi, khu căn hộ đầu tiên của dự án SaLa, tính đến nay Đại Quang Minh đã bán được 46/46 căn hộ thương mại, 281/368 căn hộ ở.
Hiện Đại Quang Minh đang tiếp tục giới thiệu dự án Khu căn hộ thấp tầng cao cấp có tên Sarica Condominium và Khu chung cư cao tầng cao cấp tại lô 6.9 thuộc Dự án Khu nhà ở phức hợp, thương mại dịch vụ tổng hợp đa chức năng và Bệnh viện quốc tế phía Bắc đường Mai Chí Thọ có tên Sadora Apartment.
Hướng đến sự chuyên nghiệp
Theo phân tích của giới chuyên môn, mặc dù thị trường bất động sản hiện đang có chuyển biến tốt, nhưng vẫn trong giai đoạn sàng lọc khá mạnh.
Thời gian qua, chứng kiến khá nhiều thương vụ chuyển giao dự án từ những DN yếu kém về năng lực tài chính, thiếu tính chuyên nghiệp sang cho các DN có tiềm lực mạnh. Hàng loạt dự án, trong đó có nhiều dự án của những DN tên tuổi một thời như Hoàng Anh Gia lai, Quốc Cường Gia Lai, Intreco, Savico, Hưng Phú... đã lần lượt được chuyển giao về cho các “đại gia” Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Đất Xanh…
Thực tế, thị trường bất động sản giai đoạn này có sự thay đổi khá rõ ràng. Sự thay đổi không chỉ qua diễn biến giao dịch mà còn thể hiện ngay cả trong cách nghĩ, cách làm của những doanh nhân trực tiếp lèo lái hoạt động của DN địa ốc.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc CTCP Đia ốc Him Lam, DN có uy tín lớn trên thị trường bất động sản hiện nay cho rằng, không thể phủ nhận thị trường thời gian qua có những chuyển biến tích cực, song cũng đang bước vào một chu kỳ cạnh tranh khá mạnh. Bản thân các DN muốn phát triển tốt phải tự tìm cho mình một lối đi khác biệt.
Theo ông Phúc, sự khác biệt mà Him Lam đang đi là không chạy đua theo thị trường, không vội mua hay bán khi thị trường đang lên mà cách làm là có thể chậm nhưng chắc. Tôn chỉ kinh doanh của Him Lam là hướng đến sản phẩm tốt nhất, giữ đúng cam kết với khách hàng, thậm chí Him Lam Land sẵn sàng hy sinh yếu tố lợi nhuận để bảo đảm uy tín và chất lượng sản phẩm. Nhiều lúc khách hàng vi phạm trong việc thanh toán, thay vì làm căng theo đúng quy định thì Him Lam Land tìm nhiều cách hỗ trợ hỗ trợ khách hàng mua nhà, dù thậm chí phải cắt giảm lợi nhuận.
Tương tự, chia sẻ về bí quyết giúp Novaland gặt hái được thành công thời gian qua, ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn cho rằng, có nhiều chiến lược mà Novaland đã thực hiện, song một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho sự thành công của Novaland là phục vụ khách hàng bằng sự chân thật và tận tâm.
“Với mong muốn đem đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt cùng mục tiêu kiến tạo cộng đồng nhân văn tiên tiến, đội ngũ Novaland đã nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các dự án có vị trí tốt, thiết kế đẹp, an toàn cho trẻ em, tốt cho sức khỏe, giá hợp lý. Ngoài ra, Novaland cũng đặc biệt chú trọng đến việc vận hành và quản lý tòa nhà. Novaland xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và bảo vệ thương hiệu”, ông Huy nhấn mạnh.
Sau thành công trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh phân khúc đất nền, khu đô thị, gần đây, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư vào phân khúc thị trường căn hộ cũng với một tâm thế mới. Và dự án căn hộ đầu tay được Phúc Khang công bố ra thị trường vào cuối tuần trước mang tên Diamond Lotus với tiêu chí “căn hộ xanh theo tiêu chuẩn Mỹ” tọa lạc trên đường Lê Quang Kim, quận 8, TP. HCM có vị trí khá chiến lược gắn với sông nước, gần với khu vực trung tâm Thành phố.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang cho biết, chiến lược của Công ty trong hướng đi mới này không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà hướng đến chất lượng sống lâu dài của cư dân trong dự án.
“Chúng tôi đã bắt tay với Công ty Green Consult - Asia để xây dựng và phát triển dự án theo tiêu chuẩn LEED - Mỹ. Thực hiện theo LEED, dự án sẽ tốn thêm 10% chi phí xây dựng, tức là gần 120 tỷ đồng, nhưng bù lại, cư dân sinh sống trong tòa nhà giống như đang ở trong một khu vườn, được thư giãn, hít thở không khí trong lành, nạp lại năng lượng sau ngày học tập - làm việc căng thẳng”, bà Mẫu nói.
Ngoài những DN kể trên, thời gian qua, để tạo sự khác biệt và điểm nhấn, nhiều nhà phát triển bất động sản khác luôn chú trọng xây dựng thế mạnh cho riêng mình. Nhiều tên gọi mới về các dòng sản phẩm bất động sản chuyên biệt như 8X của Hưng Thịnh, Mega của Khang Điền, S-Home của Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Ehome của Nam Long, Sunview của Đất Xanh... lần lượt được công bố. Đây chính là minh chứng cho thấy, nhiều DN đang hướng đến một cuộc chơi mới trên thị trường ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn chứng kiến nguồn vốn lớn từ nhiều DN đổ vào và do đó, sắp tới sẽ đón nguồn cung cao. Mặc dù vậy, nhu cầu nhà đất tại TP. HCM vẫn còn rất lớn, vấn đề là làm thế nào có được sản phẩm chất lượng đúng nghĩa đáp ứng nhu cầu đó.
Theo ông Châu, trong một thị trường có nguồn cung đa dạng, lợi thế thuộc về người mua, DN nào có chiến lược kinh doanh phù hợp, có sản phẩm chất lượng và tạo dựng được uy tín trên thị trường sẽ gặt hái được thành công.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com