Doanh nghiệp xuất khẩu tự tin với quý II

(ĐTCK) Hoạt động xuất khẩu quý I/2017 đạt mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến, với sự bứt phá của nhiều ngành hàng, tạo đà hứng khởi cho nhiều doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu trong quý tới, khi nhiều đơn hàng đã được ký kết cho tới quý III năm nay.
Theo Tổng cục Thống kê, có tới hơn 90% doanh nghiệp dự kiến ổn định và tăng đơn hàng xuất khẩu trong quý II/2017 Theo Tổng cục Thống kê, có tới hơn 90% doanh nghiệp dự kiến ổn định và tăng đơn hàng xuất khẩu trong quý II/2017

Quý I: Cả khu vực tư nhân và trong nước đều tăng trưởng vượt bậc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng khoảng 6,7%.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, điểm đáng ghi nhận trong hoạt động xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay là cùng với sự tăng trưởng cao, đều đặn của khu vực doanh nghiệp FDI với tổng kim ngạch 31,4 tỷ USD, tương ứng mức tăng 13%, các doanh nghiệp trong nước cũng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao với mức tăng 12,1%, đạt kim ngạch 12,3 tỷ USD.

Kể cả trong trường hợp không có Hiệp định TPP, thì Việt Nam vẫn là thành viên của WTO, nên các doanh nghiệp Việt sẽ vẫn mở rộng hội nhập.

“So với mức tăng trưởng dưới 1% và thấp hơn nhiều so với mức tăng trên 5% của các doanh nghiệp FDI năm 2016 thì đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân. Hơn nữa, cả 2 khu vực đều có mức tăng trưởng trên 12%, một sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Chinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, xét về tăng trưởng của các nhóm hàng, nhóm nông-lâm-thủy sản có mức tăng trưởng khá cao, với mức tăng 12,2%, chiếm tỷ trọng 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, cao hơn mức 11% của năm ngoái, thể hiện sự phục hồi rất rõ nét của các lĩnh vực sản xuất này.

Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng 12,5%.

Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản vẫn chiếm tới 46,9% tổng kim ngạch xuất khẩu và đang dần lấy lại đà phục hồi, với mức tăng 12,3% nhờ giá dầu đã tăng trở lại.

Nhóm hàng công nghiệp nhẹ, trong đó có các nhóm ngành chủ lực như dệt may cũng tăng trưởng mạnh, đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10,2%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,3 tỷ USD, tăng 42,3%, giày dép đạt 3,1 tỷ USD, tăng 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,8 tỷ USD, tăng 34,6%...

Quý II: Tiếp tục khởi sắc

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng mạnh của hoạt động xuất khẩu với sự phục hồi của nhiều ngành chủ lực trong quý I sẽ góp phần tạo đà tăng trưởng thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu trong quý II và những quý tới.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp do cơ quan này tiến hành cho thấy, đối với hạng mục đơn đặt hàng xuất khẩu trong quý I/2017, phần lớn các doanh nghiệp đều có đơn hàng xuất khẩu ổn định và cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhận định về xu hướng tăng trưởng quý II so với quý I, có tới hơn 90% doanh nghiệp dự kiến ổn định và tăng đơn hàng xuất khẩu.

Đánh giá các cơ hội tăng xuất khẩu thực tế từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lạc quan cho rằng, tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2017 sẽ khả quan hơn năm 2016, ước tính toàn ngành có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 13-14%, cao hơn đáng kể so với 9% của năm 2016.

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành thông báo đã có nhiều đơn hàng sản xuất và xuất khẩu đến hết tháng 8, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng cho tới quý III. Điều này cho thấy, trong năm nay, việc tìm bạn hàng và đối tác xuất khẩu không còn là câu chuyện quá lớn”, ông Giang cho biết.

Theo ông Giang, vấn đề đáng quan tâm nhất trong năm nay của ngành là câu chuyện hội nhập và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định được đánh giá là tạo cơ hội rất lớn cho ngành dệt may.

“Tuy nhiên, cần thấy rõ rằng, kể cả trong trường hợp không có Hiệp định TPP, thì Việt Nam vẫn là thành viên của WTO, nên các doanh nghiệp Việt sẽ vẫn mở rộng hội nhập. Hiện Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và  khi được thực thi sẽ mở ra một thị trường xuất khẩu rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp trong nước, trong đó có ngành dệt may”, ông Giang cho biết.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cũng khá tự tin với cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong các quý tới. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đình Nam, Giám đốc Công ty VP9, một doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho biết sẽ mở rộng đầu tư, tăng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản phẩm và hướng tới xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., với mục tiêu doanh thu trên 300 triệu USD, trong đó xuất khẩu chiếm từ 80-90%.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục