Cụ thể, theo thông báo của DOC, các bị đơn bắt buộc của Ấn Độ phải chịu mức thuế từ 1,97 - 3,01%, bị đơn tự nguyện là 2,49%. Các bị đơn bắt buộc và tự nguyện của Thái Lan chịu thuế chống bán phá giá chung là 1,1%.
Các DN tôm của 2 nước khác là Indonesia và Ecuador không phải chịu thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, cụ thể là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) chịu mức thuế 4,98%; CTCP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) là 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37% (trong đó có CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC)).
Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%. Trong khi đó, đợt rà soát POR7 (năm 2013), DOC đã kết luận các doanh nghiệp tôm của Việt Nam không bán phá giá, không gây thiệt hại gì cho Mỹ và thuế bằng 0% cho tất cả 32 doanh nghiệp của Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khi DOC công bố mức thuế tạm tính sẽ ảnh hưởng “tính thanh khoản” (tức là quyết định cuối cùng về các khoản thuế còn nợ ngành Hải quan), cụ thể là bị đình lại đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu trong tương lai.
Các nhà nhập khẩu phải đặt cọc hoặc ký quỹ theo thuế suất tạm tính được thông báo, nhằm dự phòng nộp thuế chống bán phá giá đối với các lô hàng nhập khẩu tiếp theo trong thời gian xem xét. Nếu có quyết định, hàng nhập khẩu trong tương lai phải chịu đặt cọc thuế chống bán phá giá với số tiền tương đương với thuế suất bán phá giá đã được tính toán.
Nghĩa là, POR8 sẽ khiến các nhà nhập khẩu tôm từ Hoa Kỳ phải ký quỹ cao tương ứng, từ đó, rất có thể họ hoặc sẽ chuyển đơn hàng sang các đơn vị xuất khẩu từ các nước khác như Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ, hoặc các doanh nghiệp tôm Việt Nam nếu muốn tiếp tục vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phải giảm giá bán. Nếu phải giảm giá bán, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận doanh nghiệp, ảnh hưởng tới giá thu mua nguyên liệu đầu vào trong nước.
Là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, MPC chịu mức thuế thấp nhất 4,98%. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán HSC, trong năm 2014, MPC chưa chịu tác động nhiều từ POR8, nhưng nếu phán quyết cuối cùng không thay đổi thì năm 2015, MPC sẽ bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân là MPC được hoàn nhập 3,8 triệu USD dự phòng đã trích lập năm 2013, bởi theo quyết định sơ bộ thì thuế áp dụng là 5,08% nhưng phán quyết cuối cùng thông báo rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ấm của Việt Nam không phải chịu thuế chống trợ cấp.
Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của MPC đạt 462,9 triệu USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ. Với sự tăng trưởng của doanh thu xuất khẩu, MPC kỳ vọng sẽ bù đắp được chi phí do tác động của thuế chống bán phá giá.
FMC - một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, lại có nhiều cơ hội cải thiện kết quả kinh doanh nhờ hưởng lợi từ giá tôm tăng cao. Trong đợt phán quyết này, FMC không bị thiệt hại vì tôm tiêu thụ của Công ty tới Hoa Kỳ trong đợt xem xét hành chính được bán theo giá CFR (tiền hàng và cước phí (cảng đến quy định).
Trong khi đó, chỉ những doanh nghiệp nào bán theo giá DDP (giao hàng đã nộp thuế quan (tại nơi đích quy định) mới có thể bị thiệt hại, do mức thuế sơ bộ giai đoạn đó là 0%, nay phải đóng thuế bù cho Hải quan Hoa Kỳ.