Doanh nghiệp xuất khẩu linh hoạt hình thức xúc tiến

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động xúc tiến xuất khẩu và đầu tư sản xuất của doanh nghiệp đã và đang được điều chỉnh linh hoạt hơn để thích ứng với sự phục hồi nhanh chóng của thương mại toàn cầu.
Xuất khẩu vẫn tăng trưởng 2 chữ số nhờ sự chuyển hướng kịp thời công tác xúc tiến xuất khẩu để thích ứng với tình hình mới. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng 2 chữ số nhờ sự chuyển hướng kịp thời công tác xúc tiến xuất khẩu để thích ứng với tình hình mới.

Phục hồi nhanh hơn dự báo

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - sự kiện thường niên lần thứ 8 do Bộ Công thương tổ chức, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, sự phục hồi nhanh hơn so với dự báo trong năm 2021 là tiền đề để năm 2022, kinh tế và thương mại toàn cầu phục hồi mạnh mẽ.

“Việt Nam hãy nắm bắt cơ hội này để tận dụng lợi thế của quốc gia sản xuất lớn, đẩy mạnh xuất khẩu trong các lĩnh vực thế giới có nhu cầu cao như điện tử, trang thiết bị y tế, máy móc, dệt may, nông thủy sản…”, ông Andrew Jeffries nói.

Trong khoảng 2 năm khó khăn của kinh tế toàn cầu vừa qua, tại Việt Nam, nhiều ngành hàng đã có những thời điểm sụt giảm sản xuất, trong đó hoạt động xúc tiến xuất khẩu truyền thống bị hạn chế. Nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng 2 chữ số nhờ sự chuyển hướng kịp thời công tác xúc tiến xuất khẩu để thích ứng với tình hình mới. Sau 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến cả năm 2021 đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.

“Trong điều kiện di chuyển quốc tế bị gián đoạn, ngành công thương đã triển khai nhiều phương thức xúc tiến thương mại mới, tận dụng nền tảng số, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác được đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông sản (vải thiều, nhãn, thanh long…)”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay.

EU đặt mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường, loại bỏ sản phẩm gây ô nhiễm, tăng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ. Quan trọng hơn, người tiêu dùng EU không chạy theo sản phẩm giá rẻ, mà đề cao chất lượng và yếu tố môi trường. Doanh nghiệp Việt Nam hãy đầu tư sản xuất theo hướng giảm thiểu carbon, sản phẩm thân thiện để có sự tăng trưởng bền vững tại EU, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại.

- Khuyến nghị của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Theo bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Việt Nam đã làm tốt vai trò xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng nông thủy sản, dệt may, giày dép sang Mỹ. Năm 2022, dịch bệnh chưa chấm dứt, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần tính toán đầu tư công cụ để tiến vào môi trường số hóa, kết nối với toàn cầu, nắm bắt thời cơ kinh doanh, hài hòa các tiêu chuẩn cho hàng hóa để khai thác thị trường tốt hơn.

Hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, trong đó Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ ngày 1/1/2022, đang hỗ trợ đắc lực cho thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường lớn. Đơn cử, thương mại Việt Nam - EU đã được bổ trợ bằng hiệp định thương mại tự do giữa hai bên (EVFTA) từ tháng 8/2020. Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng gần 12%, trong khi nhập khẩu từ EU gần 15,6 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều dư địa

Việt Nam được cả thế giới biết đến là quốc gia xuất khẩu lớn, nhưng doanh nghiệp phải lắng nghe nhu cầu thị trường và chuyển đổi sản xuất, đầu tư công nghệ. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý, hoạt động xúc tiến thương mại với hàng hóa xuất khẩu vẫn còn nhiều không gian để khai thác tốt hơn. Doanh nghiệp cần mang sản phẩm chất lượng nhất đi xúc tiến thương mại và luôn nhớ rằng, khách hàng muốn sử dụng sản phẩm xanh, sạch, chất lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ông Khánh cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần xây dựng chương trình xúc tiến thương mại linh hoạt. Năm 2020-2021, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp phải chuyển hoạt động lên môi trường số và nhiều doanh nghiệp đã khá thành công với hình thức này.

Số liệu của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, 2 năm qua, đã có hơn 1.000 hội nghị xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả là, trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác trong và ngoài nước.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, Việt Nam có trên 6.000 doanh nghiệp ngành gỗ, trong đó hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ toàn cầu (gồm 800 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng xuất khẩu gỗ vẫn đạt mức tăng trưởng 17-20%, với 14,5 tỷ USD.

“Do hội nhập sớm và tuân thủ phát triển bền vững, những năm gần đây, ngành gỗ liên tục tăng trưởng cao. Chúng tôi đảm bảo mỗi mảnh gỗ đưa vào chế biến đều được khai thác từ nguồn hợp pháp”, ông Hoài khẳng định.

Từ thực tế xúc tiến thương mại trên nền tảng số trong 2 năm qua, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho hay, cần bổ sung quy định đầy đủ hơn về xúc tiến thương mại trên môi trường số, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tìm kiếm thị trường/khách hàng hiệu quả hơn trong bối cảnh mới. “Khi xúc tiến thương mại trên nền tảng số, chúng tôi còn vướng về thanh toán, do Bộ Tài chính chưa có cơ chế hướng dẫn thanh toán ngân sách”, ông Dũng nói.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục