Doanh nghiệp xuất khẩu lạc quan cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn khi bước vào giai đoạn “bình thường mới” và cao điểm mùa tiêu thụ cuối năm.
Doanh nghiệp thủy sản đang tăng tốc để tận dụng cơ hội thị trường cuối năm. Doanh nghiệp thủy sản đang tăng tốc để tận dụng cơ hội thị trường cuối năm.

Kỳ tích trong dịch bệnh

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Bộ Công thương cho biết, ước tính giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 11 đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng 10, tương đương tăng 1,03 tỷ USD và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị xuất khẩu tháng 11 đạt 29,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Như vậy, sau gần nửa năm thâm hụt thương mại do tác động tiêu cực từ các đợt dịch Covid-19, cán cân thương Việt Nam đã có sự xoay chiều và xuất siêu trở lại, với giá trị xuất siêu ước đạt 100 triệu USD trong tháng 11.

Một số nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng khá tích cực trong tháng 11, chẳng hạn dệt và may mặc đạt kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD, tăng 5,9% so với tháng 10 và 24,9% so với cùng kỳ năm trước; gỗ tăng 50,2% so với tháng trước; phân bón tăng 35,2% so với tháng trước và tăng 151% so với cùng kỳ năm trước…

“Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi nước ta đang khai thác hiệu quả các hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế”, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục cải thiện trong tháng 11 giúp tổng giá trị xuất khẩu trong 11 tháng của cả nước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Xét theo nhóm ngành hàng, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng góp chính vào đà tăng trưởng của giá trị xuất khẩu 11 tháng, với gần 258 tỷ USD, chiếm 86% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu dệt may đem về gần 29 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2020; giày dép các loại đạt hơn 15,5 tỷ USD; xuất khẩu sắt thép đạt 10,8 tỷ USD, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu nông, lâm sản 11 tháng đạt gần 25,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2020...

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét: “Sau 6 tháng nhập siêu, cán cân thương mại đã trở lại vị thế xuất siêu. Không ngoa khi nói rằng, xuất nhập khẩu Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong bối cảnh hiện nay”.

Năm 2021, dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, từ đợt bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương vào đầu năm cho tới đợt bùng phát tại các tỉnh phía Nam trong suốt quý III – những trung tâm công nghiệp của cả nước – cùng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có. Chi phí nhân công, nguyên liệu, vận tải đều tăng mạnh.

Trong khi đó năng suất lao động sụt giảm mạnh do thiếu lao động, hoặc chỉ duy trì lượng nhỏ người lao động nhằm đảm bảo quy định sản xuất “3 tại chỗ”, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ chậm trễ đơn hàng.

Vậy nhưng, vượt lên tất cả, hoạt động xuất khẩu đã phục hồi mạnh mẽ khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “sống chung với Covid”.

Chạy nước rút trong tháng cuối năm

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ còn hơn 2 tuần lễ để chạy nước rút với các kế hoạch kinh doanh năm. Những tín hiệu đáng mừng từ thị trường giúp các doanh nghiệp xuất khẩu lạc quan vào kết quả kinh doanh của tháng cuối năm.

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) thông tin, trong tháng 11, Công ty đã chế biến được 2.360 tấn tôm đông lạnh thành phẩm, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tôm tiêu thụ đạt 1.697 tấn, tăng 7% so cùng kỳ; nông sản đạt mức tiêu thụ 106 tấn, bằng 68% cùng kỳ. Theo đó, doanh số chung đạt khoảng 467 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo FMC, hoạt động kinh doanh trong tháng 11 gặp thuận lợi nhờ nguồn nguyên liệu khá tốt từ các trại nuôi, việc đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn sau giai đoạn giãn cách giúp người lao động Công ty tham gia sản xuất tương đối đầy đủ. Hiện FCM đang nỗ lực hoàn tất đơn hàng cho đợt tiêu thụ cuối năm, tập trung vào thị trường Nhật Bản.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) cho biết, Công ty hiện còn trên 20.000 tấn sản phẩm cá tra các loại cần giao cho 4 thị trường lớn là châu Âu, châu Á, châu Mỹ và Trung Đông.

Dù tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát trong nước, với số ca nhiễm mỗi ngày trên con số 10.000 người, song Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, các doanh nghiệp đều nỗ lực vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, tận dụng cơ hội từ nhu cầu thị trường đang gia tăng. Do vậy, xuất khẩu thủy sản trong tháng cuối năm sẽ tiếp đà phục hồi như hiện nay.

Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, mới đây, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) đã công bố trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang Hàn Quốc - thị trường khó tính trong việc lựa chọn và nhập khẩu gạo từ nước ngoài.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc TAR cho hay từ đầu năm 2021 đến nay, Trung An đã trúng thầu xuất khẩu tổng cộng 48.763 tấn gạo các loại sang thị trường Hàn Quốc. Hiện Công ty đang trong thời gian “chạy đua” với thời gian để gia tăng xuất khẩu.

Với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) nhận định, với tình hình kinh tế phục hồi, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng dệt may tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ sớm trở về ngang bằng năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh sử dụng nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tận dụng lợi thế từ các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, các thị trường thuộc khối CPTPP hay RCEP…

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục