Tín hiệu tích cực
Thống kê của Công ty Chứng khoán Guota Junan Việt Nam cho thấy, năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng sụt giảm lần lượt 12% và 26% so với năm trước đó. Những công ty đầu ngành như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), Công ty cổ phần Fecon (mã FCN), Tổng công ty Xây dựng số 1 (mã CC1)… đều sụt giảm mạnh về lợi nhuận.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC từng chia sẻ, năm 2023 là năm khó khăn nhất trong 36 năm phát triển doanh nghiệp. Thiếu việc làm, thị trường cạnh tranh khốc liệt, một số doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp, sử dụng chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để giành hợp đồng khiến HBC đối mặt với nhiều khó khăn. Kết quả, Công ty lỗ tới 1.115 tỷ đồng trong năm qua.
Nhờ tái cấu trúc mạnh mẽ và nỗ lực tìm kiếm hợp đồng mới, quý I/2024, HBC ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 1.651 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt gần 56,56 tỷ đồng, vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” như lời Chủ tịch HBC.
Fecon cũng đi qua một năm 2023 khó khăn chồng chất, với khoản lỗ 42 tỷ đồng. Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fecon cho biết, năm qua, Công ty không đạt được kế hoạch do nền kinh tế chung rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt trong ngành, các hợp đồng đã ký có đơn giá rất thấp và hầu như không có lợi nhuận, trong khi đó chi phí tài chính tăng cao đã bào mòn hết lợi nhuận gộp.
Năm 2024, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 60 tỷ đồng lần lượt tăng trưởng 39% và 243% so với mức thực hiện trong năm 2023. Ông Khoa tiết lộ, Công ty đã ký được những hợp đồng lớn, như dự án Lạch Huyện 5 - 6 giai đoạn 2, dự án cảng Phoenix Vũng Áng, dự án hạ tầng Viship Cần Thơ, dự án cảng Baria Vũng Tàu… “Kế hoạch doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng là khả thi”, ông Khoa tin tưởng.
Kết thúc quý I/2024, doanh thu hợp nhất của Fecon đạt hơn 96,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 635 triệu đồng, giảm lần lượt 20,6% và 77,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo Fecon cho biết, margin lợi nhuận rất thấp để có thể cạnh tranh trúng thầu, lợi nhuận thi công không nhiều, chỉ vượt qua điểm âm, đảm bảo duy trì sản xuất - kinh doanh cho Công ty trong giai đoạn khó khăn này.
Tại Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD), quý III niên độ tài chính từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, doanh thu thuần đạt 4.666 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 104 tỷ đồng, cao gấp gần 4,7 lần cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vòng 15 quý trở lại đây. Lũy kế 3 quý đầu niên độ, CTD ghi nhận doanh thu thuần 14.450 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 241 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, quý I/2024, Công ty cổ phần Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV) ghi nhận doanh thu thuần gần 690 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 114 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 28% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xây lắp đạt 196 tỷ đồng, tăng 43,27% so với cùng kỳ.
Chủ động tìm kiếm dư địa mới
HBC cho biết, ngành bất động sản và du lịch đang khởi sắc, các chủ đầu tư lớn và uy tín đã tin tưởng HBC tiếp tục mời Công ty tham gia các dự án sắp triển khai.
Bên cạnh đó, HBC nỗ lực đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài. Đây là chiến lược Công ty theo đuổi suốt 12 năm qua và bước đầu ghi nhận thành công khi năm 2024 chính thức có được dự án tại Kenya (châu Phi) và Mỹ.
Tính đến hết quý I/2024, tổng giá trị dự án của HBC tại thị trường nước ngoài đạt 52,8 triệu USD, tương đương 1.343,5 tỷ đồng. Trong đó, tại Kenya, dự kiến tháng 5/2024, HBC sẽ chính thức ký kết hợp đồng thi công dự án đầu tiên trong tổng số 5 dự án nhà ở xã hội. Dự án có quy mô 8 toà nhà chung cư, với tổng cộng 2.144 căn hộ có diện tích từ 26 - 30 m2, tổng giá trị hợp đồng là 21,6 triệu USD, tương đương hơn 548 tỷ đồng.
Tại Mỹ, công ty con của HBC là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (HBI) đã nắm giữ 51% cổ phần của Keystone DNC Inc - doanh nghiệp có trụ sở tại Orange County, tiểu bang California (Mỹ), chuyên về xây dựng, thương mại, phát triển bất động sản. Việc trở thành cổ đông lớn nắm quyền chi phối tại một công ty xây dựng tại Mỹ giúp HBC tiến nhanh hơn tại thị trường Mỹ với vai trò là tổng thầu.
Nếu như HBC tìm dư địa tăng trưởng mới ở thị trường nước ngoài thì Fecon mở rộng sang mảng khu công nghiệp, với dự án Khu công nghiệp Hòa Yên, Thái Nguyên.
Với HHV, các dự án còn lại gồm Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2. Các hợp đồng mới được ký chủ yếu sẽ đến từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng và Tân Phú- Bảo Lộc…
Thị trường bất động sản phục hồi và các chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ kích cầu xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm 2024. Đây là yếu tố góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà thầu tăng trưởng.