Doanh nghiệp xăm lốp nhận hai “cú đấm”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đang giải bài toán khó đầu ra, doanh nghiệp xăm lốp Việt Nam bất ngờ nhận thêm “cú đánh” với điều tra chống trợ cấp từ Mỹ.
Doanh nghiệp xăm lốp nhận hai “cú đấm”

Thị trường xuất khẩu chính gặp khó

Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe ô tô có xuất xứ từ Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Mỹ, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 525 triệu USD sản phẩm lốp xe ô tô sang thị trường nước này.

Dự kiến, việc điều tra sẽ được tiến hành trong vòng 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng. Trong quá trình điều tra, Bộ Thương mại Mỹ có thể ban hành kết luận sơ bộ và áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm lốp xe của Việt Nam liên tục tăng trong 5 năm qua, đạt mức 17,8%/năm. Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lốp xe đạt 1,2 tỷ USD. Lốp cao su Việt Nam được xuất khẩu tới 153 thị trường, trong đó Mỹ chiếm 50,4%, Brazil chiếm 3,4%, Nhật Bản chiếm 3,1%, Malaysia chiếm 3,1% và các quốc gia khác như Đức, Ấn Độ, Hà Lan…

Cũng theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ là CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã chứng khoán CSM), Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam, Công ty TNHH Sailun Việt Nam. Công ty Cao su Kenda và CTCP Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC).

Theo báo cáo thường niên năm 2019 của CSM, năm qua, Công ty đạt doanh thu 4.387,6 tỷ đồng; trong đó, thị trường nội địa chiếm 54,1%, thị trường xuất khẩu chiếm 39,3% và doanh thu khác chiếm 6,6%.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của CMS bao gồm: Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ. Mặc dù doanh nghiệp không cho biết cụ thể cơ cấu từng thị trường, nhưng Mỹ là thị trường rất quan trọng với CMS và Công ty đã thâm nhập vào thị trường này từ rất lâu.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm chủ lực của CSM năm 2019 chủ yếu là lốp ô tô và máy kéo, chiếm 56% tổng doanh thu; lốp xe máy chiếm 12%; săm xe máy chiếm 12% tổng doanh thu và nguồn thu khác.

Đối với DRC, trong năm 2019, Công ty đã xuất khẩu sang 35 quốc gia trên thế giới, tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, châu Âu.

Doanh thu xuất khẩu chiếm 43% và nội địa chiếm 57%. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của DRC trong năm qua là Brazil, chiếm 37% tổng doanh thu xuất khẩu.

Xét về cơ cấu sản phẩm, sản phẩm săm lốp, yếm ô tô chiếm 85,44% doanh thu; săm lốp xe máy chiếm 9,36%; săm lốp xe đạp chiếm 4,87%.

Như vậy, có thể thấy, đối với các doanh nghiệp cao su công nghiệp niêm yết trên sàn như DRC và CSM, sản phẩm chủ lực vẫn là săm lốp, yếm ô tô xuất khẩu, trong khi đó săm lốp xe máy chủ yếu tiêu thụ nội địa. Việc Mỹ chính thức điều tra và có thể áp dụng thuế tạm thời sẽ gây rủi ro chính tới hoạt động của ngành.

Thêm cú đánh với doanh nghiệp cao su công nghiệp

Với các ngành cao su công nghiệp Việt Nam, nguyên liệu đầu vào chủ yếu là cao su thiên nhiên. Trong năm 2019, giá cao su thiên nhiên chiếm từ 80 - 84% tổng giá vốn của nhóm ngành này. Quý I năm nay, nhờ giá cao su thiên nhiên giảm sâu, biên lợi nhuận gộp của CSM tăng mạnh lên 15,48% so với mức 9,73% cùng kỳ năm trước. Điều tương tự với DRC khi biên lợi nhuận được cải thiện từ mức 9,73% cùng kỳ năm trước lên 14,72% trong quý đầu năm nay.

Doanh nghiệp xăm lốp nhận hai “cú đấm”  ảnh 1

Biểu đồ giá cao su thiên nhiên.

Giá cao su thiên nhiên tiếp tục giao dịch vùng giá thấp so với cùng kỳ là yếu tố tích cực hỗ trợ nhóm cao su công nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, vấn đề lớn của nhóm cao su công nghiệp lại nằm ở đầu ra.

Ngành sản xuất săm lốp ô tô, xe máy là ngành phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy - ngành có độ biến động mạnh với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nếu kinh tế toàn cầu tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng sẽ giúp ngành phụ trợ hưởng lợi.

Ngược lại, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn thu hẹp như hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ô tô suy giảm, việc tiêu thụ sản phẩm phụ trợ cũng đi xuống.

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ của người dân với các sản phẩm ô tô suy giảm mạnh, nhiều hãng xe đã tuyên bố tạm ngưng sản xuất. Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ - các thị trường tiêu thụ chính của các doanh nghiệp cao su công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có CSM và DRC đang là những khu vực bị dịch Covid-19 “tàn phá” mạnh nhất.

Việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với săm lốp cao su từ Việt Nam và có thể áp dụng mức thuế chống phá giá tạm thời sẽ làm cho giá hàng hóa Việt Nam thiếu cạnh tranh so với các quốc gia khác.

Động thái này của Bộ Thương mại Mỹ bồi thêm “cú đánh” các doanh nghiệp cao su công nghiệp Việt Nam, vốn đã chịu đòn đau của đại dịch Covid-19.

Áp lực hàng tồn kho đè nặng

Đầu ra gặp khó thể hiện rõ trên báo cáo tài chính quý I/2020 của các doanh nghiệp cao su công nghiệp niêm yết. Tại DRC, lượng tiền mặt tại quỹ tính tới 31/3/2020 chỉ là 17,6 tỷ đồng, chiếm 0,66% tổng tài sản, trong khi tồn kho lên tới 1.116 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn là 222,9 tỷ đồng. Tổng vay nợ của Công ty là 693,3 tỷ đồng, chiếm 26% tổng nguồn vốn.

Trong khi đó, CSM có lượng tiền mặt tính tới 31/3/2020 là 148,1 tỷ đồng. Song tồn kho cũng rất lớn, lên tới 1.173,4 tỷ đồng, chiếm 30,7% tổng tài sản. Khoản phải thu ngắn hạn là 808,8 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng tài sản. Tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn lên tới 2.160 tỷ đồng, chiếm tới 56,5% tổng nguồn vốn.

Sức khỏe tài chính của hai doanh nghiệp đầu ngành cao su công nghiệp không được đánh giá cao trong giai đoạn “tiền mặt là vua”. Về trung và dài hạn, nếu việc tiêu thụ tiếp tục gặp khó khăn sẽ gây áp lực lớn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp này.

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, số liệu cập nhật ngày 29/6 cho thấy, gần 10,2 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm virus, trong đó trên 503 nghìn người đã tử vong vì dịch bệnh. Khi nào dịch bệnh được  khống chế trên phạm vi toàn cầu vẫn là điều ngay cả các chuyên gia y tế cũng không thể dự báo lúc này.

Do vậy, dù nguyên liệu đầu vào vẫn trong xu thế giảm, nhưng với việc các thị trường tiêu thụ chính gặp biến cố dịch bệnh, các doanh nghiệp săm lốp ô tô Việt Nam đang đối mặt với tình cảnh rất khó khăn.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ