Doanh nghiệp cao su trông đợi vào… lợi nhuận khác

(ĐTCK) Trong bối cảnh giá cao su cũng như sức tiêu thụ giảm sâu, một số doanh nghiệp ngành cao su vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng hoặc đi ngang so với năm 2019 nhờ điểm tựa là… lợi nhuận khác.
Doanh nghiệp cao su trông đợi vào… lợi nhuận khác

Mới đây, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, với các chỉ tiêu tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ 2019.

Cụ thể, tổng doanh thu Công ty mẹ đạt gần 335 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Ðặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 172,46 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kỳ.

PHR cũng là một trong số ít doanh nghiệp cao su thiên nhiên đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2020, với gần 2.460 tỷ đồng doanh thu và 1.148 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. (Năm 2019, PHR đạt 1.087 tỷ đồng doanh thu và 491 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Sở dĩ PHR đặt mục tiêu kinh doanh cao trong năm nay là do Công ty dự kiến ghi nhận khoản tiền hỗ trợ đền bù nhận từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và VSIP liên quan tới hoạt động chuyển giao khu công nghiệp.

Nguồn thu thực tế này đã được Công ty kỳ vọng ghi nhận ngay trong năm 2019 nhưng không kịp, nên sẽ chuyển sang năm 2020.

Thực tế, hoạt động kinh doanh chính của PHR là mảng khai thác cao su thiên nhiên gặp nhiều khó khăn trong quý đầu năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, sản lượng cao su khai thác là 1.024 tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ 2019 và mới hoàn thành 8,9% kế hoạch năm.

Tương tự, sản lượng thu mua và chế biến của Công ty cũng lần lượt giảm 35% và 51% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng cao su chế biến trong quý I là 4.913 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ, hoàn thành 12,43% kế hoạch cả năm.

Trong quý II này, Hội đồng quản trị PHR dự kiến, giá bán bình quân mỗi tấn cao su là 32 triệu đồng.

Ðặt mục tiêu sản lượng cao su khai thác, thu mua, chế biến trong quý này đều cao hơn quý I/2020, với mức tương đương 14 - 20% kế hoạch cả năm, nhưng PHR ước tính sản lượng tiêu thụ chỉ ở mức 3.620 tấn mủ khô, thấp hơn quý trước và tương đương 9,15% kế hoạch cả năm.

Dù vậy, Công ty ước tính kết quả kinh doanh quý này với những con số khả quan như doanh thu công ty mẹ đạt 480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp cùng ngành, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC), quý I vừa qua, Công ty ghi nhận hơn 52 tỷ đồng doanh thu, giảm 26,3% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận đạt 20,3 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ 2019.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phụ trách công bố thông tin TRC cho biết, doanh thu giảm nhưng chi phí cũng ghi nhận giảm mạnh hơn 30%.

Hơn nữa, trong quý, Công ty có khoản thu từ thanh lý tài sản cố định 21 tỷ đồng nên lợi nhuận mới tăng đột biến so với cùng kỳ.

Theo TRC, hoạt động kinh doanh của Công ty nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành trong thời gian tới phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như biến động giá cao su, sự mở cửa của các thị trường xuất khẩu… Công ty đã xây dựng các phương án ứng phó cho nhiều kịch bản thị trường.

Năm nay, TRC đặt mục tiêu 387,5 tỷ đồng doanh thu và 94,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 4,4% so với lợi nhuận đạt được năm 2019.

Dù ghi nhận con số tuyệt đối không cao, nhưng CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) vừa có một quý kinh doanh tăng trưởng.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 43 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt hơn 825 triệu đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng nhờ khoản doanh thu, lợi nhuận khác.

Theo ông Bành Mạnh Ðức, Phụ trách Công bố thông tin của HRC, lợi nhuận của Công ty chủ yếu đến từ hoạt động thu tiền từ các doanh nghiệp khác như phải thu của Weber & Schaer và Liên Anh, VRG Nhật Bản, mỗi khách hàng hơn 1,5 tỷ đồng…

Hiện thế giới đang sử dụng hai loại cao su, gồm cao su thiên nhiên là loại cao su khai thác từ cây cao su và cao su tổng hợp được chiết xuất từ dầu mỏ.

Khi giá dầu giảm, giá cao su tổng hợp sẽ giảm so với giá cao su tự nhiên và điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh cho giá cao su tổng hợp.

Tuy nhiên, cũng vì điều này mà nhiều nhà sản xuất có xu hướng chuyển sang sử dụng cao su tổng hợp, từ đó nhu cầu cao su thiên nhiên giảm dẫn đến giá giảm theo. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất cao su thiên nhiên.

Tính đến hết 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của toàn thị trường Việt Nam đạt 227.000 tấn, trị giá 331 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm hơn 26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp ngành cao su có chung nhận định lĩnh vực cao su sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Giá bán cao su trong năm 2020 dự báo vào khoảng 32,34 triệu đồng/tấn, thấp hơn mức bình quân 33,41 triệu đồng/tấn năm 2019.

Do vậy, những doanh nghiệp cao su chỉ tập trung vào hoạt động lõi sẽ khó tránh được việc giảm chỉ tiêu lợi nhuận.

Ðơn cử, CTCP Ðầu tư Cao su Ðắk Lắk (DRI) lên kế hoạch tổng doanh thu gần 525 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với năm trước, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra là 34 tỷ đồng, tương đương giảm 38% so với năm ngoái.

Hay CTCP Cao su Bà Rịa (BRR) lên kế hoạch 422 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 54,161 tỷ đồng, tương ứng giảm 5% về doanh thu và giảm 35% về lợi nhuận.

Cũng theo chia sẻ của ông Bành Mạnh Ðức, HRC đang xin ý kiến Tập đoàn Cao su Việt Nam về việc điều chỉnh quy hoạch đất giai đoạn 2016 - 2021 đến năm 2030 và dự kiến sẽ cắt giảm đất trồng cây cao su để chuyển sang thực hiện các dự án liên kết đầu tư khu công nghiệp, dịch vụ, tái định cư và các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

PHR là doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi hoạt động sản xuất - kinh doanh khi chuyển dần vườn cây cao su từ Việt Nam sang Campuchia và sử dụng đất trồng cây cao su sang đất công nghiệp để cho thuê.

Các khu công nghiệp có liên quan đến PHR đều tọa lạc trên các trục đường lớn và chính yếu của Bình Dương với mức giá cho thuê ở Khu công nghiệp Tân Bình do Công ty quản lý đang ở mức khoảng 80 USD/m2/năm.

Trong bối cảnh giá cao su tự nhiên xuống thấp nhiều năm nay thì việc chuyển đổi đất sang khu công nghiệp đang là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp ngành cao su áp dụng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ