Khó khăn bủa vây
Công ty cổ phần Cao su Ðồng Phú (DPR) vừa có báo cáo sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2019. Theo đó, DPR ghi nhận doanh thu đạt 191 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 26,2% kế hoạch năm 2019 đề ra tại Ðại hội đồng cổ đông. Lợi nhuận gộp 4 tháng đạt 90,9 tỷ đồng, giảm 48 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng mức giảm 34,4%. Ðáng chú ý, lợi nhuận sản xuất - kinh doanh cao su giảm mạnh, chỉ đạt 2,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 14,2 tỷ đồng).
Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) khi lợi nhuận đi xuống. Kết quả kinh doanh quý I/2019 của SRC cho thấy, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 4,94 tỷ đồng, tương đương mức giảm 49,8%.
Trong công văn giải trình gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), ông Nguyễn Việt Hùng, Tổng giám đốc Cao su Sao Vàng lý giải, doanh thu bán hàng trong quý I/2019 tăng hơn 14 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 230 tỷ đồng), nhưng giá vốn bán hàng lại tăng hơn 16 tỷ đồng do giá vật tư đầu vào đi lên, dẫn tới lợi nhuận sụt giảm. Bên cạnh đó, SRC đang chịu áp lực lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do chi phí thuế đất tăng.
Trước đó, năm 2018, lợi nhuận sau thuế của SRC chỉ đạt 15 tỷ đồng, giảm gần 3 lần so với năm 2017 và thấp hơn 10 lần so với kết quả đạt được của năm 2009.
Tại Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM), Báo cáo tài chính quý I/2019 của Công ty cho thấy, doanh thu tăng 8,5%, nhưng chi phí quản lý, chi phí bán hàng và chi phí tài chính đồng loạt leo dốc, khiến lợi nhuận chỉ còn 2,5 tỷ đồng, chưa bằng một nửa quý I/2018.
Mở rộng phát triển
Khó khăn từ mảng kinh doanh lõi là sản xuất cao su khiến nhiều doanh nghiệp ngành này lên kế hoạch mở rộng kinh doanh. Ðơn cử, Cao su Ðồng Phú có kế hoạch mở rộng phát triển khu nông nghiệp và khu công nghiệp, nhằm mục tiêu đạt kế hoạch tổng doanh thu 728,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 229,7 tỷ đồng.
Cụ thể, Cao su Ðồng Phú dự kiến đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ khoảng 500 ha, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 khoảng 300 ha, giai đoạn 2 khoảng 200 ha với thời gian đầu tư dự kiến từ 2019 - 2045. Cơ cấu giống cây trồng của dự án là cây chuối, dự kiến trong năm 2019 sẽ trồng 90 ha.
DPR cũng dự kiến mở rộng Khu công nghiệp Bắc Ðồng Phú trong giai đoạn 2021 - 2024 với diện tích 130 ha, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 30%, vốn vay 30%, còn lại từ nguồn ứng trước nhà đầu tư.
Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) cho biết, đến cuối quý I/2019, Công ty đã ký hợp đồng dài hạn 6.045 tấn (chiếm tỷ lệ 51,67% sản lượng vườn cây khai thác năm 2019) và đang tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng dài hạn đã ký.
Trong khi đó, Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa - Kampong Thom dự kiến trong quý II/2019 sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy chế biến Cao su Phước Hòa - Kampong Thom và đưa vào sử dụng.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), giá cả các loại hàng hóa đã có sự phục hồi kể từ đầu năm 2019, trong đó có nhóm sản phẩm cao su. Tuy nhiên, giá tăng chưa được như kỳ vọng. Bảng giá bán hàng của DPR cho thấy, tính riêng tháng 4/2019, lượng hàng bán đạt 32,9 triệu/tấn, lũy kế 4 tháng đạt 31,1 triệu/tấn, thấp hơn so với kế hoạch năm (33 triệu đồng/tấn).
Giá bán cao su vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc năm 2019, vì vậy trong ngắn hạn, các doanh nghiệp ngành cao su chưa thể có kết quả kinh doanh bứt phá.
“Các doanh nghiệp có vườn cây thanh lý lớn tiếp tục có nguồn thu nhập khác đáng kể từ thanh lý cao su và xu hướng chuyển đổi đất khu công nghiệp phù hợp mục tiêu đầu tư dài hạn. Với các doanh nghiệp ngành săm lốp, cạnh tranh cao khiến họ khó tăng giá bán và phải đẩy mạnh tăng năng suất, cải thiện biên lợi nhuận gộp”, BSC nhận định.