Chuyển đất trồng cao su làm khu công nghiệp
Cổ phiếu HRC của Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình từ mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu phiên 18/3/2019 đã tăng vọt lên 46.050 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên 26/3/2019, tương ứng mức tăng 40%. Dù chịu áp lực chốt lời, cổ phiếu HRC hiện vẫn đang giao dịch trên ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu.
HRC là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Trong 7 năm trở lại đây, giá cao su giảm xuống mức thấp đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của HRC. Lợi nhuận trước thuế từ 142 tỷ đồng năm 2011 liên tục giảm và đến năm 2018 chỉ đạt 8,9 tỷ đồng, chủ yếu là do giá bán cao su giảm.
Lợi nhuận giảm, cổ tức cũng không còn. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của HRC gần như chỉ đủ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi. Năm 2018, tình hình vẫn có nhiều khó khăn, hiệu suất sinh lợi trên tổng tài sản và nguồn vốn chỉ vỏn vẹn trên dưới 1%.
Thị giá HRC gần đây bứt phá là do Hội đồng quản trị HRC thông qua chủ trương hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) đầu tư dự án khu công nghiệp, dịch vụ, tái định cư có diện tích 2.000 ha tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên đất mà Công ty đang quản lý, trong thời gian dự kiến 50 năm.
Ngành khu công nghiệp cả nước nói chung và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng đang có triển vọng sáng, nhờ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kỳ vọng tăng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, làm tăng nhu cầu thuê đất và giá thuê. Cùng với đó là vị trí địa lý thuận lợi gần cảng biển, hạ tầng giao thông, đường cao tốc từng bước được hoàn thiện.
Năm 2018, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 34 dự án được cấp phép, tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn có nhu cầu thuê nhà xưởng lớn.
Bối cảnh đó giúp HRC có khả năng thu về lợi nhuận tốt khi chuyển sang lĩnh vực khu công nghiệp, bất động sản, nhất là khi nhà đầu tư có thể tham chiếu sang Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), một doanh nghiệp cao su thành công trong tăng lợi nhuận nhờ một phần đất được chuyển đổi làm khu công nghiệp.
PHR sở hữu vùng đất trồng cao su lớn ở gần trung tâm khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Những năm qua, giá cao su tự nhiên ở mức thấp, nhưng lợi nhuận của Công ty liên tục tăng.
Năm 2018, hoạt động cho thuê đất và sử dụng hạ tầng khu công nghiệp đóng góp 21% lợi nhuận gộp của PHR. Lãi từ công ty liên doanh, liên kết trong lĩnh vực khu công nghiệp là Nam Tân Uyên (NTC) đạt 68,8 tỷ đồng, tương ứng 10% lợi nhuận trước thuế. Phần cổ tức được chia từ NTC đem về 84 tỷ đồng doanh thu tài chính.
Báo cáo ngày 23/3/2019 của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, công ty con là Khu công nghiệp Tân Bình (PHR sở hữu 80%) đạt tỷ lệ lấp đầy 78,5% trong năm 2018 so với 63,15% năm 2017 và giá cho thuê tăng lên gần 80 USD/m2 so với mức 65 USD/m2 năm 2017 đã góp phần quan trọng giúp biên lợi nhuận gộp của PHR năm 2018 chỉ giảm 0,8% dù giá bán trung bình của cao su tự nhiên giảm 18% so với năm 2017.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2019 vừa qua, dự báo ngành cao su tiếp tục khó khăn, nhưng PHR ước tính lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019 - 2021 không dưới 1.000 tỷ đồng/năm. Ngoài hoạt động kinh doanh mủ cao su, kinh doanh khu công nghiệp hiện hữu, mục tiêu lợi nhuận này dự kiến có sự đóng góp đáng kể từ ghi nhận tiền đền bù do bàn giao đất cho Nam Tân Uyên và VSIP. Với VSIP, Công ty dự kiến ghi nhận 1,3 tỷ đồng/ha diện tích đất bàn giao và 20% lợi nhuận của dự án.
Năm 2019, PHR đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 997 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm 2018, cổ tức 40%. Trong báo cáo cập nhật về PHR, SSI ước tính, PHR có thể ghi nhận 660 tỷ đồng tiền đền bù đất từ VSIP 3 và Nam Tân Uyên trong năm nay và 360 tỷ đồng thu nhập từ bàn giao đất cho VSIP 3 trong năm 2020.
Đây được coi là nguyên nhân chính giúp giá cổ phiếu PHR tăng 57% trong quý I/2019 và hiện giao dịch tại vùng giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2009.
Quỹ đất của doanh nghiệp cao su
Tính đến hết phiên 29/3/2019, giá cao su tự nhiên trên sàn Tokyo đóng cửa ở mức 182,2 JPY/kg. Dù đã tăng 18% so với mức đáy cuối tháng 11/2018, mức giá này vẫn thấp hơn gần 40% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên trên toàn cầu tăng 4,2% trong năm 2019, thấp hơn mức tăng 5,2% của năm 2018, do tăng trưởng tiêu thụ cao su tự nhiên chậm hơn tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ...
Trong phân tích hồi đầu năm, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, giá cao su tự nhiên khó tăng mạnh trong năm 2019 do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Giá dầu ở mức thấp hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ cao su tổng hợp. Ngoài ra, dù cung - cầu cao su đang ở mức gần cân bằng, nhưng thị trường vẫn chưa thoát khỏi áp lực dư cung, bởi nếu giá cao su phục hồi, nhiều nước có khả năng tăng sản lượng khai thác.
Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) cho biết, giá bán bình quân của DPR trong 2 tháng đầu năm 2019 là 30,1 triệu đồng/tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, PHR dự kiến, giá bán mủ cao su bình quân năm 2019 là 33,45 triệu đồng/tấn, tăng 1,5% so với năm 2018.
Triển vọng tăng giá không nhiều, trong khi các chi phí có áp lực gia tăng, khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su tự nhiên năm nay khó tăng trưởng.
Những năm trước, trong bối cảnh giá giá cao su thấp, giá bán chỉ nhỉnh hơn giá thành, lợi nhuận của không ít doanh nghiệp phụ thuộc vào việc thanh lý vườn cây để tái canh hơn là khai thác mủ và bán các sản phẩm chế biến từ mủ cao su.
Nhiều doanh nghiệp đang quản lý hàng nghìn héc-ta rừng cao su như Cao Su Phước Hòa (PHR, 14.734 ha), Cao su Đồng Phú (DPR, 9.340 ha), Cao su Hòa Bình (HRC, 5.061 ha), Cao su Tây Ninh (TRC, 7.172 ha), Cao Su Tân Biên (RTB, 6.175 ha), Cao su Bà Rịa (BRR, 8.507 ha), Cao su Thống Nhất (TNC, 1.880 ha)…
Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về đất xây dựng đô thị, khu công nghiệp tăng, trong khi quỹ đất ngày càng thu hẹp, nên đất cao su đã trở thành một trong những nguồn cung cấp khả thi, bởi chỉ cần thanh lý cây là có ngay mặt bằng.
Với quỹ đất trồng cao su hiện có, chỉ cần chuyển đổi một phần sang khu công nghiệp hoặc bất động sản là doanh nghiệp có khả năng mang lại lợi nhuận đột biến từ thanh lý vườn cây, đền bù bàn giao đất và có thể trực tiếp tham gia dự án để hưởng lợi lâu dài, trường hợp PHR hay DPR đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực khu công nghiệp là ví dụ.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), công ty mẹ của nhiều doanh nghiệp cao su tự nhiên trên sàn như PHR, DPR, TRC, HRC…, quỹ đất “khủng” được đánh giá là điểm hấp dẫn của VRG trước thời điểm cổ phần hóa tháng 3/2018.
Theo VRG, các lợi thế trong mảng khu công nghiệp của Tập đoàn là quỹ đất tại Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh - khu vực thuộc nhóm năng động trong thu hút đầu tư nước ngoài; chi phí đầu tư thấp, triển khai giao đất cho nhà đầu tư nhanh (do không phải đền bù đất cho dân); Tập đoàn, với vị thế là doanh nghiệp lớn, thuận lợi trong đàm phán với đối tác để thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp.
Trong kế hoạch sau cổ phần hóa, VRG dự kiến sẽ mở rộng diện tích khu công nghiệp ở một số khu vực thuận lợi và đã có quy hoạch, nhằm khai thác “ngành kinh doanh hiệu quả, có tỷ suất lợi nhuận trên 30% vốn điều lệ trong điều kiện hoạt động bình thường, sử dụng nguồn vốn tự có ít so với tổng mức đầu tư”.
Tuy nhiên, chuyển hướng sang lĩnh vực khu công nghiệp liệu có phải là chiếc “chìa khóa vàng” cho tất cả các doanh nghiệp cao su tự nhiên đang có quỹ đất lớn? Thực tế cho thấy, ngoài việc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch, một khu công nghiệp muốn thu hút đầu tư phải nằm trong khu vực có môi trường kinh doanh tốt, có lợi thế về giao thông, không chỉ đường bộ mà còn cả đường hàng không và cảng biển, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, chính sách ưu đãi của địa phương hấp dẫn…, điều không phải khu vực nào cũng có.