Chờ đợi diễn biến mới với mã cao su

(ĐTCK) Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017, khiến kết quả 6 tháng của nhóm doanh nghiệp này không mấy khả quan. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, kết quả có thể sẽ khác nếu giá cao su tăng theo giá dầu.
Chờ đợi diễn biến mới với mã cao su

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, giá cao su xuất khẩu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, nhưng giá bình quân tháng 6/2018 ổn định so với tháng 5, ở mức 1.432 USD/tấn. Cụ thể, trong tháng 6/2018, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh sau khi tăng mạnh trong 10 ngày đầu tháng 6 đã giảm trở lại theo xu hướng giảm giá của thị trường thế giới. 

Trong tháng 6/2018, xuất khẩu cao su ước đạt 118.000 tấn, trị giá 169 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su đạt 560.000 tấn, trị giá 861 triệu USD, tăng 16,1% về lượng, nhưng giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Trong những tháng còn lại của năm 2018, dự báo cung - cầu cao su sẽ cân bằng hơn, với sản lượng cả năm 2018 dự kiến tăng 6,1% lên 14,2 triệu tấn và tiêu thụ tăng 6,9% lên 14,3 triệu tấn.

Là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất ngành, ông Trần Hoàng Giang, phụ trách công bố thông tin Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, PHR đạt lợi nhuận 200 tỷ đồng, hoàn thành 40% kế hoạch cả năm.

Giá cao su thành phẩm bình quân 6 tháng đầu năm khoảng 35,8 tỷ đồng, còn giá hiện tại dao động từ 31 - 32 triệu/tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Giá cao su đang có diễn biến khó lường, phụ thuộc vào tình hình cung - cầu trên thị trường.

Theo ông Giang, hiện PHR vẫn tập trung vào các hoạt động chính là sản xuất cao su thiên nhiên, mủ cao su, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su, công nghiệp cao su và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như chuối, mía.

Bên cạnh đó, đối với hoạt động đầu tư khu công nghiệp, PHR dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ việc nhận đền bù ở các khu công nghiệp kể từ năm 2018. Trong đó, tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, diện tích đất quy hoạch khoảng 1.000 ha, PHR sở hữu 32,85%, giá trị đền bù cho Công ty khoảng 300 tỷ đồng.

Với Khu công nghiệp Tân Bình, tổng diện tích 352 ha, PHR sở hữu 80%; giai đoạn 2 dự kiến mở rộng diện tích thêm 1.055 ha. Với Khu công nghiệp VSIP, giá trị đền bù được các bên thương lượng là 1 tỷ đồng/ha và 20% lợi nhuận của VSIP; hiện PHR có 691 ha đất khu công nghiệp tại VSIP, giá trị đền bù thu trong năm 2018 khoảng 200 tỷ đồng do thu theo nhiều đợt…

Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá bán cao su trung bình của DPR là 36,56 triệu đồng/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt 47 triệu đồng/tấn. Doanh thu tiêu thụ cao su đạt 357 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận từ kinh doanh cao su chỉ đạt 14 tỷ đồng, giảm so với mức 57 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động thanh lý cây cao su tăng mạnh nên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng so với cùng kỳ, đạt 177,9 tỷ đồng.

Ông Bành Mạnh Đức, phụ trách công bố thông tin Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) cho biết, sản lượng thu hoạch của Công ty đạt khá thấp trong 6 tháng đầu năm và sẽ tập trung vào 6 tháng cuối năm 2018. Từ tháng 3/2018, HRC đã ngưng khai thác mủ cao su do vườn cây rụng lá sinh lý.

Do vậy, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 của HRC không mấy khả quan. Giá cao su nguyên liệu trong nước trong 6 tháng đầu năm giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới, kèm với đó, xuất khẩu cao su các loại đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, nên năm nay, Công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch 145 tỷ đồng doanh thu và 6,3 tỷ đồng lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông vừa thông qua.

Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) chia sẻ, Công ty đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ đạt 106 tỷ đồng lợi nhuận, dựa trên mức giá bán khoảng 35 triệu đồng/tấn. Nếu giá cao su biến động bất lợi trong thời gian tới, Công ty sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, năm 2018, nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su thiên nhiên đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên mức giá bán cao su khoảng 36 triệu đồng/tấn, giảm 10% so với mức bình quân 40 triệu đồng/tấn năm 2017.

Giá cao su lâu nay biến động khá phập phù và thường không theo chu kỳ, đỉnh của giá cao su từng được xác lập gần 100 triệu đồng/tấn vào năm 2011. Tuy nhiên, giá cao su tự nhiên có liên quan với giá dầu trên thế giới nên với sự hồi phục của giá dầu hiện nay, giá cao su đang được dự báo đã chạm đáy.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục