Doanh nghiệp xà phòng “thắng đậm”

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó trong năm 2020, thì riêng với ngành xà phòng, bột giặt lại là năm đại thắng nhờ yếu tố lợi thế và chuyển mình đúng lúc.
Doanh nghiệp xà phòng “thắng đậm”

Lixco và Netco báo lãi lớn

CTCP Bột giặt LIX (Lixco, mã LIX - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu thuần đạt 683 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng tới 49%, đạt 70 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí đều đồng loạt giảm, đáng chú ý là chi phí bán hàng giảm mạnh tới 56% so với cùng thời điểm năm 2019 và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 4%.

Lũy kế năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.902 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 292 tỷ đồng và 230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 15%, 30% và 28% so với năm 2019.

So với kế hoạch mà Lixco đặt ra cho năm 2020 là doanh thu 2.772 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, Công ty đã vượt 4% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 27% kế hoạch lợi nhuận. Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất của Lixco kể từ khi thành lập.

Tương tự, một doanh nghiệp sản xuất bột giặt khác là CTCP Bột giặt NET (Netco, mã NET - sàn HoSE) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với kết quả tích cực.

Cụ thể, trong quý IV/2020, Netco đạt doanh thu 363 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, tăng 3% và 7% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, Netco ghi nhận 1.470 tỷ đồng doanh thu và 133 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 27% và 64% so với năm 2019.

Điều này có nghĩa, Netco cũng hoàn thành vượt 13% chỉ tiêu về doanh thu và vượt 55% kế hoạch năm về lợi nhuận.

Cả Lixco và Netco đều sản xuất và kinh doanh chuyên về sản phẩm bột giặt và chất tẩy rửa. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng năm vừa qua, Lixco đã đưa ra thị trường sản phẩm nước rửa tay khô On1. Nhu cầu đột biến về nước rửa tay và chất tẩy rửa khác một phần nào giúp doanh thu nội địa của Công ty tăng cao. Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, so với các sản phẩm gel rửa tay khô trên thị trường, On1 có giá thấp hơn khoảng 40%.

Trong khi đó, Netco cũng bắt kịp nhu cầu của thị trường khi đưa sản phẩm nước rửa tay khô kháng khuẩn Net Care+ ra thị trường trong thời gian Covid-19.

Một điểm chung thú vị của Lixco và Netco là đều thuộc “họ” Vinachem. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang sở hữu 51% vốn tại Lixco và có kế hoạch thoái vốn về 36% giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, Vinachem chưa thể thực hiện kế hoạch này do 10 triệu cổ phiếu LIX mà Vinachem nắm đang bị phong tỏa.

Trong khi đó, đối với Netco, Vinachem vẫn nắm giữ 36%. Tháng 2/2020, Công ty TNHH Masan HPC đã mua thành công hơn 52% vốn của Netco với mức giá trung bình 48.000 đồng/cổ phần, định giá doanh nghiệp xấp xỉ 46 triệu USD.

Haso không còn trông đợi vào “đất vàng”

Một doanh nghiệp khác cũng thuộc họ Vinachem, tuy hoạt động kinh doanh không hiệu quả bằng Lixco và Netco, nhưng cũng “bừng sáng” trong năm qua là CTCP Xà phòng Hà Nội (Haso, mã XPH).

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính, nhưng theo kết quả được Ban lãnh đạo Haso công bố tại Hội nghị thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, năm 2020, tổng doanh thu của Haso đạt 51,2 tỷ đồng, bằng 71% so với thực hiện năm 2019 và bằng 94% so với kế hoạch năm. Mặc dù doanh thu thương mại giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ doanh thu từ sản xuất công nghiệp tăng mạnh, lợi nhuận của Haso ghi nhận 240 triệu đồng, tăng 158 triệu đồng so với kế hoạch năm 2020.

“Năm 2020 là năm thứ 3, Haso từ chỗ chuyên sản xuất hàng gia công chuyển sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu riêng”, ông Đỗ Huy Lập, Tổng giám đốc Haso cho hay.

Tương tự 2 doanh nghiệp trên, năm 2020, Haso cũng ra mắt sản phẩm rước rửa tay khô Kazoku, đồng thời phát triển nhiều sản phẩm mới.

Có thể nói, từ năm 2017 trở về trước, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam là một đối tác rất lớn của Haso trong lĩnh vực gia công sản xuất các sản phẩm: nước rửa chén bát Sunlight, nước làm mềm vải Comfort, xà phòng bánh Lifebuoy. Điều này mang lại doanh thu ổn định cho Haso, nhưng tính phụ thuộc lại quá lớn. Trung bình mỗi năm, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm gia công cho Unilever chiếm tới 98,6% tổng sản lượng tiêu thụ của Haso.

Điểm nổi bật trong hoạt động của Haso thời điểm đó là khoản đầu tư trị giá 71,25 tỷ đồng (tương đương 3,56% vốn điều lệ) vào CTCP Bất động sản Xavinco - một doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, với sự hợp tác ba bên gồm Haso, CTCP Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam và CTCP Vincom. Phần cổ tức hàng năm từ khoản đầu tư này đã giúp Haso giảm bớt lỗ.

“Bước ngoặt” giúp Haso chuyển hướng sang phát triển thị trường riêng bắt đầu từ năm 2018, sau khi nhận thức rõ sự phụ thuộc quá lớn vào đối tác Unilever Việt Nam, đồng thời Haso có 2 lãnh đạo mới là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Ông Đỗ Huy Lập cho biết, Haso xác định hướng phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu công ty. Hoạt động gia công nhằm tận dụng năng lực dư thừa của dây chuyền sản xuất và một vài lợi thế khác từ việc gia công sản phẩm cho khách hàng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục