Doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn, nắm lấy tương lai

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có bước khởi động đáng chú ý để đón đầu các cơ hội mới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường được quan tâm hàng đầu.
Pha Lê vừa đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất sàn đá công nghệ SPC tại Hải Phòng.

Chọn con đường khó

Những ngày đầu năm 2025 đánh dấu bước ngoặt mới với Công ty cổ phần Sản xuất và công nghệ nhựa Pha Lê (mã PLP) khi Công ty chính thức đưa Nhà máy sàn đá công nghệ SPC vào hoạt động tại Hải Phòng. Nhà máy được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, theo tiêu chuẩn xanh của Mỹ, với 10 dây chuyền sản xuất, công suất 11 triệu m2 ván sàn/năm.

Đây là kết quả của hơn hai năm tái cấu trúc doanh nghiệp theo định hướng mới. Trước đó, Pha Lê chủ yếu xuất khẩu Filler MasterBatch (phụ gia nhựa), dạng sản phẩm thô nghiền từ đá.

Do mức độ gia nhập thị trường đơn giản, ngành này của Việt Nam có sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất nội địa, với ngày càng nhiều nhà sản xuất và thương mại mọc lên, cạnh tranh khốc liệt về giá, trong khi thị trường xuất khẩu đang bị co hẹp.

Ban lãnh đạo Pha Lê đã có quyết định tái cấu trúc táo bạo: chuyển nhà máy sản xuất hạt nhựa truyền thống về Nghệ An, nơi gần vùng nguyên liệu đá và đầu tư xây dựng nhà máy ván sàn SPC mới tại Hải Phòng.

SPC là dòng vật liệu lát sàn thế hệ mới nhất hiện nay, được mệnh danh là “cuộc cách mạng trong ngành ván sàn”, với những công nghệ đột phá.

Sản phẩm này đang dẫn đầu xu hướng tiêu dùng tại các quốc gia phát triển. Hiện Mỹ là thị trường ưa chuộng bậc nhất sản phẩm ván sàn SPC, với ước tính tăng trưởng bình quân trong những năm gần đây luôn đạt trên 20%/năm.

Với nhà máy mới, năm 2025, Pha Lê sẽ đẩy mạnh quy mô kinh doanh, với trọng tâm phát triển thị trường Mỹ. Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Pha Lê cho biết, đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Pha Lê đánh giá đây là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới, nhưng doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt.

Chủ tịch Pha Lê trải lòng, Công ty và đối tác có nhiều bài học phải trả giá bằng tiền và nhiều tiền trong những ngày đầu đưa hàng vào Mỹ. Sau những bài học đắt giá, Tập đoàn đã dần hiểu được khẩu vị các đối tác Mỹ để từ đó tìm “đại dương xanh” cho sản phẩm.

Pha Lê không tiếc tiền đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Công ty dành từ 2 - 3% doanh thu hàng năm để đầu tư cho hoạt động này.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) mới đây đã khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến thủy sản Hoa Kỳ, với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Dự án đã được Ban lãnh đạo ấp ủ từ năm 2021, sau đó vướng các thủ tục về quy hoạch nên 3 năm sau mới có thể khởi công.

Lãnh đạo IDI chia sẻ, đây sẽ là nhà máy được đầu tư hiện đại, giảm thiểu tối đa các thao tác thủ công để xuất khẩu cá vào Mỹ.

Đặc biệt, công nghệ chế biến được áp dụng nhằm đảm bảo các yêu cầu về môi trường, tận dụng tối đa các phụ phẩm của cá như huyết cá (lâu nay thải bỏ, giờ được tận dụng để làm nước mắm hoặc thức ăn gia súc)… Dự kiến, Nhà máy được xây dựng trong vòng 12 - 14 tháng, khi hoàn thành sẽ góp phần nâng tổng công suất chế biến của IDI hơn 500 tấn nguyên liệu/ngày.

Thị trường Mỹ và Nam Mỹ đang gia tăng sức hút khi năm 2024, có 6 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp (POR19) mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng, trong đó có IDI.

Lợi thế về thị trường xuất khẩu thủy sản vào Mỹ đang rộng cửa cho doanh nghiệp từ chính sách thuế suất ưu đãi, sau nhiều năm IDI theo đuổi việc trở lại thị trường số 1 thế giới.

Thói quen tiêu dùng và sự phóng khoáng, chuyên nghiệp trong giao thương của thị trường Mỹ là cánh cửa lớn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Thiết lập được chỗ đứng vững chắc với các đối tác Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam có thêm đôi cánh để bay xa hơn. Thành công của các doanh nghiệp sản xuất như Vicostone, May Sông Hồng, Gỗ An Cường… là những bài học kinh nghiệm quý.

Cuộc chơi không có đất cho “khôn lỏi”

TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Indiana (Mỹ) cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển quan trọng, khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ mang đến nhiều thách thức.

Đầu tiên là câu chuyện hưởng lợi ngắn hạn khi các công ty Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, nhằm tránh các rào cản thương mại quốc tế. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm và minh bạch trong các quy định quốc tế thì sẽ tiềm ẩn rủi ro về lâu dài.

Pha Lê đánh giá Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới, nhưng doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt.

Ông Mai Thanh Phương Chủ tịch Hội đồng quản trị PLP

Theo ông TS. Huỳnh Thế Du, Việt Nam cần tránh trở thành “trung tâm trung chuyển” cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt thương mại từ các đối tác lớn của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Đây cũng là khuyến nghị của TS. Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT. Ông Tuấn cho rằng, sự thay đổi trong chính sách nhiệm kỳ Tổng thống mới Donald Trump tạo cơ hội to lớn cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức, đòi hỏi sự cải cách và đầu tư mạnh mẽ.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy Mỹ luôn là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép, và nông sản, đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc, với kim ngạch hai chiều năm 2024 lên tới 134,6 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 119,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 15 tỷ USD. Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn này lên đến hơn 104 tỷ USD.

Trong khi đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của quốc gia này tại khu vực ASEAN, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Kevin Morgan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Mỹ đang gia tăng đầu tư tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch và bán dẫn.

Các vấn đề liên quan đến thương mại, thuế quan, công nghệ, tài chính và đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hiểu, để nắm bắt được xu hướng, xây dựng kế hoạch phù hợp, đồng thời tăng cường kết nối để thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong tương lai.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam muốn gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu và phân phối tại Mỹ, để nghiên cứu các phương thức thanh toán linh hoạt, chia sẻ rủi ro đặc biệt trong giai đoạn ban đầu.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào một vài đối tác...

Thu Hường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục