Doanh nghiệp Việt khó hợp tác với đối tác ngoại

Thiếu vắng cơ chế hiệu quả để đảm bảo thực thi hợp đồng khiến “mối lương duyên” giữa doanh nghiệp nội và ngoại chưa thông suốt.
Nếu cơ chế đảm bảo thực thi pháp lý được tăng cường, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt sẵn sàng mở rộng hợp tác ra quốc tế. Nếu cơ chế đảm bảo thực thi pháp lý được tăng cường, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt sẵn sàng mở rộng hợp tác ra quốc tế.

Tập trung cao vào thương mại nội địa

Phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn đi song song với sự hiện diện ngày càng rõ nét của các chuỗi giá trị toàn cầu tại Việt Nam. Ngay cả những hào hứng về cơ hội mở ra cùng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng chưa đem lại cảm giác “có liên quan” với nhiều doanh nghiệp.

“Đây là lý do Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 dành một chương riêng đánh giá khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, đại diện Nhóm nghiên cứu PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.

Kết quả thu được là bức tranh khá quen. Trong hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, 66% chủ yếu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các cá nhân người Việt , 64% hay “chơi” với doanh nghiệp tư nhân trong nước, 24% thường xuyên chọn doanh nghiệp nhà nước làm bạn hàng chính.

“Việc tập trung cao vào thương mại nội địa không có gì sai, đặc biệt là thị trường có tới hơn 97 triệu dân. Song, con số này quá chênh lệch so với số doanh nghiệp Việt đang làm ăn với đối tác nước ngoài”, ông Tuấn phân tích.

Khảo sát của PCI cho thấy, chỉ 15% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. 8,4% doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và vỏn vẹn 7,4% xuất khẩu gián tiếp.

Điều tra PCI đối với hơn 2.000 doanh nghiệp FDI cũng cho kết quả tương tự. Dù 60% doanh nghiệp nước ngoài cho biết có mua hàng hóa, dịch vụ trực tiếp từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhưng phần lớn các giao dịch này lại bó hẹp trong phạm vi một số doanh nghiệp lớn, chiếm tới 62% tổng giá trị giao dịch.

Tình hình chỉ khá hơn với nhóm doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực chế tạo và nhóm doanh nghiệp có trên 500 lao động.  20% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo bán hàng cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; 17,4% xuất khẩu hàng hóa trực tiếp và 12% xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba.

Thiếu cơ chế bảo vệ khiến doanh nghiệp co cụm

Bức tranh trên không phải là điều mà các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu kinh tế mong muốn. Nhiều biện pháp chính sách nhằm cải thiện tình hình đã được đưa ra, từ cải thiện hạ tầng, giảm bớt rào cản hành chính, tăng cường các yêu cầu về nội địa hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện điều kiện lao động... Thậm chí, các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ tốt hơn, đặc biệt là công nghệ xanh, đang được coi là chía khóa mới để cải thiện mức độ chấp nhận sản phẩm Việt của khách hàng nước ngoài...

Song, các nỗ lực trên vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng. “Khảo sát cho thấy, hầu hết doanh nghiệp trong nước tin rằng, họ gặp khó khăn khi tìm cách để trở nên hấp dẫn hơn với khách hàng quốc tế”, GS-TS. Edmund Malesky, Đại học Duke (Hoa Kỳ), Trưởng nhóm Nghiên cứu PCI nói.

Trong một phân tích thống kê năm 2009 về doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, hai tác giả Nguyễn và Nishijima đã nhận định , các yếu tố quyết định khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao giá trị gia tăng không chỉ là trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực... Thay vào đó, các rào cản về chính sách, như thiếu ổn định về chính sách, tham nhũng và cơ chế giải quyết tranh chấp, mới là yếu tố quyết định.

“Phát hiện trên tương đồng với lý do thúc đẩy nhóm nghiên cứu PCI đưa thêm Chỉ số thành phần thứ 10 về Thiết chế pháp lý vào Chỉ số PCI, nhằm tìm hiểu tầm quan trọng của các thiết chế giải quyết tranh chấp đối với việc thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn với đối tác bên ngoài”, GS-TS. Malesky nói.

Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy, nếu thiếu khả năng đảm bảo thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp phải phụ thuộc vào việc thực thi của xã hội, phụ thuộc vào gia đình, bạn bè, người có uy tín tại địa phương để gây áp lực cho các đối tác từ chối thực hiện hợp đồng hoặc không thanh toán hợp đồng. Tình trạng này khiến doanh nghiệp chỉ giới hạn khách hàng tiềm năng trong một phạm vi xã hội nhỏ hẹp của mình.

Hệ quả là, các cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, dù tăng lên, nhưng không được chọn, bởi doanh nghiệp trong nước lo ngại không tự bảo vệ được mình khi mỗi giao dịch đều tiềm tàng rủi ro tranh chấp.

“Chỉ khi có các cơ chế đảm bảo thực thi từ bên ngoài, doanh nghiệp mới sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài phạm vi quen thuộc. Hơn thế, các thiết chế không đủ mạnh để đảm bảo thực thi hợp đồng đã hạn chế sự phát triển và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tại Việt Nam”, GS-TS. Malesky phân tích.

Vị này cũng kiến nghị, một chiến dịch nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về những cơ hội và bảo hộ pháp lý trong Luật Trọng tài thương mại và CPTPP có thể sẽ xóa nhanh rào cản vô hình giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoại trong sân chơi hội nhập.

Đảm bảo thực thi hợp đồng tại Việt Nam tốn kém và thiếu chắc chắn

Theo Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, giải quyết một tranh chấp về thực hiện hợp đồng tại Tòa án TP. HCM mất khoảng 400 ngày, khiến doanh nghiệp tốn kém khoảng 29% trị giá hợp đồng. Bên cạnh đó, thủ tục tố tụng nằm dưới mức trung bình về hiệu quả, chất lượng, minh bạch và bình đẳng. Do vậy, Việt Nam chỉ đứng ở thứ hạng 62 về chỉ số thành phần thực thi hợp đồng.

Hệ quả là, các doanh nghiệp tại Việt Nam thường ngại kiện tụng ra tòa án khi phát sinh tranh chấp. Chỉ 39% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 2% doanh nghiệp FDI sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục