Doanh nghiệp Việt: Khát vọng vươn lên

(ĐTCK) Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các doanh nghiệp tham dự Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thông điệp Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/9/2024 được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư mong mỏi sẽ được triển khai mạnh mẽ.

Trên thực tế, còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp ở thời điểm này, đó là đầu ra của sản phẩm, dịch vụ thấp khiến kế hoạch bán hàng không đạt kỳ vọng, đó là dự án bị vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến nhà đầu tư giải ngân chậm các hợp đồng…

Do tốc độ bàn giao các dự án hiện có và tiến độ pháp lý của các dự án lớn chậm hơn dự kiến, các công ty chứng khoán dự phóng diện tích cho thuê đất khu công nghiệp của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc, mã KBC) năm 2024 là 51 ha, bao gồm 14 ha từ Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), 27 ha từ Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) và 10 ha từ Khu công nghiệp Tân Phú Trung (TP.HCM). Còn Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (Hải Phòng) được kỳ vọng sẽ hoàn thành pháp lý và bàn giao đất cho thuê sớm nhất vào năm 2025.

Khi trao đổi về kết quả kinh doanh hay các hoạt động của doanh nghiệp, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc cho biết, cần nhìn vào việc các dự án được cấp giấy phép đầu tư, cụ thể là 2 dự án trọng điểm tại Hải Phòng: Khu đô thị Tràng Cát và Khu công nghiệp Tràng Duệ 3. Ông Tâm kỳ vọng, trong tháng 10 này, 2 dự án sẽ được cấp giấy phép đầu tư.

Kết thúc cuộc họp trực tuyến với các cộng sự lúc 0h, lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết chia sẻ, lợi nhuận quý III/2024 chỉ đạt mức hợp lý, chứ không được như kỳ vọng. Môi trường kinh doanh ổn định hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn phải lập kế hoạch cẩn trọng.

Không quá kỳ vọng ở những chính sách gỡ khó, một số doanh nhân còn mong các quy định mới sẽ không làm “khó thêm” doanh nghiệp.

Dẫn Nghị định số 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết chỉ ra yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất (đã có quyết định giao đất) mức thu 5,4%/năm tính trên số tiền sử dụng đất phải nộp là bất hợp lý, làm tăng khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản và không có cơ sở để thực thi. Bởi vì, người sử dụng đất hoàn toàn không tham gia và không có trách nhiệm trong quá trình định giá đất. Các công việc để xác định được tiền thuê đất, tiền sử dụng đất nhanh hay chậm thuộc về cơ quan chức năng của Nhà nước, không do lỗi của người sử dụng đất nên việc yêu cầu người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền thuê đất là bất hợp lý.

Khó khăn về thủ tục hành chính không chỉ ở một số lĩnh vực, mà hiện diện ở nhiều ngành. Cổ đông nước ngoài của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã TNH) tỏ ra sốt ruột khi 3 tháng nay, cơ sở bệnh viện Việt Yên tại Bắc Giang chưa thể đưa vào hoạt động do chưa được Bộ Y tế cấp phép. Bệnh viện đã hoàn tất đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng hàng trăm cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế và phải trả lương cho họ nhiều tháng qua, hồ sơ cũng đã nộp lên cơ quan quản lý nhưng chưa được phê duyệt. Oái ăm trong ngành y tế là nếu không tuyển dụng và trả lương cho nhân sự trước thì không có đủ điều kiện để xin giấy phép vận hành bệnh viện, mà tuyển dụng rồi nhưng bệnh viện chưa được hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí rất lớn cho khoản mục này.

Bởi thế, tâm lý thận trọng của các doanh nghiệp khá phổ biến, họ chờ đợi những động thái quyết liệt hơn, thực tế hơn. Họ mong “vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu” như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị với các doanh nghiệp.

Đi những con đường mới

Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Năm nay tròn 20 năm Ngày Doanh nhân (13/10/2024 - 13/10/2024), ngày tôn vinh “nghề vất vả” như nhiều doanh nhân tự sự.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, cả nước có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Việt Nam đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh.

Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất, chế biến còn hạn chế.

Hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI còn thấp. Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gửi gắm, cộng đồng doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo động lực phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.

Mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng là niềm đau đáu của nhiều doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Biết là có khó khăn, có thách thức, nhưng trước hết doanh nghiệp phải tự cường tìm ra những con đường mới để đi, để thành công. Trong bộ phim mới đây do Discovery làm về sự vươn lên của nền kinh tế Việt Nam, những câu chuyện của các doanh nghiệp tiêu biểu như FPT cho thấy, có những thời điểm người chèo lái doanh nghiệp như Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình phải quyết định: Ra thị trường thế giới hay là chết. Phải 20 năm sau, chiến lược ấy mới đem lại quả ngọt, đem lại vị thế lớn cho doanh nghiệp, nhưng nếu không bắt đầu sẽ không có đường đi.

Chia sẻ về những khát vọng như vậy, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Group cho biết, năng lực, sáng kiến của các tập đoàn Việt Nam là không giới hạn; mong muốn Thủ tướng Chính phủ tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục